Hành trình di sản Quảng Nam khởi động từ năm 2003 sẽ được thay bằng tên gọi mới - Festival di sản Quảng Nam, kể từ 2013. Sự kiện diễn ra từ 12 đến hết 16.6.2013 sẽ là cơ hội lớn để Quảng Nam quảng bá, giới thiệu tiềm năng và sản phẩm du lịch đặc hiệu “văn hóa và di sản”, kết nối cộng đồng ASEAN…
Quảng bá thương hiệu
Lễ khai mạc hoành tráng và ấn tượng tại nhà hát ngoài trời, cùng với Liên hoan hợp xướng quốc tế lần II tại Hội An tối 12.6 sẽ khởi đầu cho chương trình quảng bá “thương hiệu” du lịch Quảng Nam với nhiều sự kiện tầm cỡ, gắn kết ASEAN qua văn hóa, kinh tế và ngoại giao…
Những hình ảnh đặc sắc diễn ra tại các kỳ lễ hội trước. |
Không gian lễ hội sẽ được mở rộng từ Hội An đến các vùng Điện Bàn, Mỹ Sơn, Tam Kỳ, Núi Thành và lên tận miền ngược. Ở Hội An, không khí sinh động, náo nhiệt sẽ ắp đầy suốt năm ngày lễ hội với hợp xướng quốc tế, quy tụ khoảng 1.500 nghệ sĩ của 40 đoàn đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, lễ hội carnaval đường phố, liên hoan hô hát bài chòi miền Trung và festival di sản văn hóa phi vật thể các nước ASEAN với nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật của khoảng 300 - 400 thành viên thuộc 10 đoàn nghệ thuật. Giữa không gian nghệ thuật ấy, sẽ có nhiều cuộc trưng bày, triển lãm không gian văn hóa ASEAN, di sản văn hóa biển Việt Nam và các cuộc hội thảo về văn hóa, liên kết du lịch, bảo tồn, quản lý di sản. Không khí náo nhiệt cũng sẽ được tìm thấy ở Tam Kỳ, Duy Xuyên, Điện Bàn thông qua nhiều cuộc triển lãm những tác phẩm nghệ thuật chất liệu đá, liên hoan nghệ thuật truyền thống các dân tộc Việt Nam với dàn diễn viên 1.000 người của 25 đoàn nghệ thuật. Trong một chương trình độc đáo tại Mỹ Sơn với tên gọi “Mỹ Sơn và bè bạn”, giá trị văn hóa Chăm và các dân tộc thiểu số Quảng Nam cũng được giới thiệu đến bạn bè các nước ASEAN.
Không chỉ phô diễn và giao lưu văn hóa thông qua các chương trình nghệ thuật, các nghệ nhân làng nghề từ miền xuôi đến miền ngược còn tham gia trưng bày và trình diễn chế tác sản phẩm độc đáo của mình thông qua hội chợ làng nghề truyền thống Quảng Nam tại Điện Bàn. Một liên hoan ẩm thực giới thiệu các món ăn đặc sản truyền thống của miền Trung và Tây Nguyên như bánh nậm, lọc, bánh khoái, bún bò, mắm tôm (Huế), mỳ Quảng, thịt heo bánh tráng, cao lầu, bê thui, bánh cút sừng trâu, bánh ít, bánh xèo (Quảng Nam), cá bống sông Trà, kẹo gương Thu Xà (Quảng Ngãi), rượu cần Tây Nguyên, rượu Bàu Đá (Bình Định) cũng sẽ được mở tại khu giải trí Đồng Hiệp (Hội An). Nhiều sản phẩm du lịch mới như du lịch biển Núi Thành với chương trình “Đêm Chu Lai”, du lịch cộng đồng tại làng du lịch cộng đồng Trà Nhiêu (Duy Xuyên) hay du lịch miền núi và dân tộc thiểu số tại làng Bhơ Hôồng (Đông Giang) sẽ mở cửa giới thiệu đến với du khách gần xa.
Hấp dẫn từ sự khác biệt
Sự khác biệt của lễ hội lần này không chỉ dừng lại ở việc giảm thiểu hình thức sân khấu hóa, không trùng lắp nội dung hay trình diễn các hoạt động nghệ thuật đường phố. Độ hấp dẫn của lễ hội Hành trình di sản vốn đã “định hình thương hiệu”, nay tiếp tục được “tô điểm” bằng ý tưởng hình thành lễ hội tầm cỡ khu vực hay quốc gia, chứ không chỉ dừng lại ở tầm hay mô thức đơn lẻ của một địa phương. Đó là lễ hội của không gian văn hóa Việt, của di sản văn hóa thế giới ASEAN… tạo nên sự khác biệt, mới lạ để quảng bá hình ảnh Quảng Nam, giới thiệu sản phẩm du lịch địa phương, kết nối rộng rãi với cộng đồng ASEAN.
Sản phẩm và quà lưu niệm đặc trưng sẽ được giới thiệu đến du khách thông qua lễ hội lần này. Ảnh: T.DŨNG |
Điều mới mẻ khác cũng đã được công bố: bắt đầu xã hội hóa tối đa trong việc dựng ra các lễ hội. Không đổ hết kinh phí hay nguồn lực vào lễ hội để góp phần đỡ gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Mỗi địa phương sẽ đưa ra các sản phẩm du lịch đặc hữu giới thiệu cho du khách. Có thể sẽ là những homestay từ phố, làng mạc ven sông hay trên miền ngược, núi đồi Mỹ Sơn; hoặc giới thiệu những sản phẩm lưu niệm từ các làng nghề truyền thống Quảng Nam mang biểu tượng văn hóa Chùa Cầu, Mỹ Sơn bằng đồng, gốm. “Lạ” nhất là quyết định không mời quá nhiều khách mà tập trung vào quảng bá, giới thiệu cho du khách gần xa và có thể có nhiều sự kiện, hoạt động sẽ được bán vé. Thậm chí, các đoàn nghệ thuật tham dự liên hoan, lễ hội… sẽ phải tự trả chi phí đi lại, ăn ở và địa phương sẽ hỗ trợ một phần kinh phí trong khả năng ngân sách hay nguồn vốn huy động. Các địa phương tham gia vào lễ hội cũng sẽ tự thân vận động, tìm kiếm và chủ động nguồn kinh phí để xúc tiến đầu tư, nguồn khách và giới thiệu sản phẩm mới.
Theo ông Đinh Hài, Giám đốc Sở VH-TT&DL, tiến trình chuẩn bị cho lễ hội đang được các thành viên gấp rút hoàn thiện. Ngành du lịch đã tính tới chuyện phục hồi nguyên trạng một phần đường Hồ Chí Minh huyền thoại, mở cửa làng Zara, Bhơ Hôồng ở miền núi hay tái khởi động khu du lịch sinh thái Phú Ninh, làng Việt ở Triêm Tây… để đón khách. Hiện, ban tổ chức đã chính thức phát thông báo mời địa phương, quốc gia, vùng lãnh thổ ở khu vực ASEAN tham gia sự kiện. Trong tháng 1.2013, sẽ triển khai công tác cổ động trực quan bằng pa nô trên các trục đường, địa điểm thuận lợi, quảng bá sự kiện này trên các phương tiện thông tin đại chúng; dự kiến tháng 3.2013 sẽ chính thức mở họp báo, giới thiệu về lễ hội tại Hà Nội. Các tờ rơi hay brochure bằng nhiều thứ tiếng cũng sắp hoàn tất để chuyển đến các công ty lữ hành quốc tế, nội địa và các hãng hàng không, nhất là sẽ tham gia hội chợ ATF tại Lào vào cuối tháng 1.2013 để giới thiệu về sự kiện này. “Sự quảng bá sớm, mạnh hơn cho sự kiện này, chắc chắn sẽ tạo điều kiện cho các công ty du lịch lên kế hoạch mở tour hay hàng không đón, đưa khách về Quảng Nam” - ông Hài nói.
Nam Kha