Kết nối cung cầu không chỉ giúp hàng hóa Quảng Nam ổn định đầu ra mà còn tạo chuỗi giá trị để sản xuất bền vững.
Nông sản khó đầu ra
Làng rau Hưng Mỹ (xã Bình Triều, Thăng Bình) nổi tiếng lâu nay, các loại rau trồng ở đây được người tiêu dùng ưa thích nhờ đảm bảo chất lượng. Hợp tác xã Nông nghiệp Mỹ Hưng (HTX Mỹ Hưng) khi thành lập được kỳ vọng là bà đỡ của làng rau với sự ra đời cửa hàng bán rau sạch ở số 8 Nguyễn Dục (TP.Tam Kỳ) và các điểm bán hàng ở TP.Đà Nẵng. Tuy nhiên kết nối cung cầu cho nông sản này bị ách tắc do nông dân và HTX chỉ chuyên tâm sản xuất một số loại rau có thế mạnh, chưa chú trọng đa dạng các loại rau củ quả theo đặt hàng của các siêu thị, đối tác.
“Vai trò tổ chức của HTX Mỹ Hưng còn yếu, nông dân vẫn mạnh ai nấy làm rồi tự lo liệu đầu ra cho nông sản. Nhiều khi tiểu thương ép giá với lý do rau đang dư thừa nên đành bán rẻ hoặc phá bỏ, giá trị kinh tế thu được thấp” - ông Bùi Văn Hưng, hộ trồng rau sạch ở thôn Hưng Mỹ nói.
Cũng ở huyện Thăng Bình, làng nước mắm Cửa Khe (xã Bình Dương) vốn có tiếng gần xa về chất lượng nước mắm thơm ngon nhưng đầu ra vẫn khó. Theo ông Phan Quang Dũng - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản, theo yêu cầu, người làm mắm ở làng Cửa Khe phải nhất quán từ nguyên liệu cá cơm, quy trình chế biến nước mắm, truy xuất nguồn gốc, bảo quản sản phẩm, kết nối ra thị trường. Trong đó, riêng khâu ghi chép xuất xứ cá cơm nguyên liệu chưa đáp ứng nên gặp khó đầu ra. Tương tự, làng nước mắm Tam Thanh (TP.Tam Kỳ) cũng đang loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm.
Bà Võ Thị Hồng (thôn Hòa Thượng, xã Tam Thanh) - chủ cơ sở sản xuất nước mắm Cô Hồng cho biết, có thể sản xuất được một nghìn lít nước mắm mỗi tháng nhưng các đơn hàng ngày càng ít, đầu ra sản phẩm gặp khó.
Cần vận động mạnh
Ông Nguyễn Thanh Quang - Phó Giám đốc Sở Công Thương nhấn mạnh vai trò rất quan trọng của kết nối cung cầu để hàng hóa xứ Quảng nói chung, nông sản nói riêng ổn định thị trường. Trong năm 2020, qua các hoạt động kết nối cung cầu của Sở Công Thương, hàng hóa xứ Quảng, nông sản, các sản phẩm OCOP đã có mặt tại các trung tâm thương mại lớn như Co.opMart, BigC, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng đặc sản vùng miền của TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng…, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh của các HTX, doanh nghiệp (DN), nông dân.
Ngành công thương cũng cung cấp thông tin về các sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của tỉnh đến các trung tâm thương mại trên cả nước. Theo đó, đã hỗ trợ nhiều DN xây dựng website và bán hàng trên sàn Lazada, Sen đỏ cũng như triển khai đề án thiết kế bộ giải pháp trọn gói hỗ trợ DN Quảng Nam xây dựng và quảng bá hình ảnh trên môi trường trực tuyến, thương mại điện tử.
Điểm yếu trong xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu hàng hóa Quảng Nam thể hiện ở nhiều khía cạnh. Các DN, làng nghề trong tỉnh còn sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, thô sơ, chưa mạnh dạn áp dụng công nghệ mới nên chất lượng và giá thành sản phẩm hạn chế khả năng cạnh tranh. Có nhiều sản phẩm không đảm bảo số lượng khi có đơn hàng. Đa số DN, làng nghề còn chưa chủ động tìm kiếm thị trường nên đầu ra cho sản phẩm gặp khó khăn.
Ông Nguyễn Thanh Quang cho biết, sẽ tiếp tục hỗ trợ các DN, HTX, làng nghề về kết nối cung cầu trong năm 2021 qua các chương trình xây dựng các điểm bán hàng, xúc tiến, hỗ trợ chủ thể OCOP, hàng hóa xứ Quảng nói chung giới thiệu trên sàn thương mại điện tử. Ngành công thương đề xuất Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) hỗ trợ kinh phí từ nguồn xúc tiến thương mại quốc gia để đưa hàng hóa xứ Quảng đến các vùng miền, khơi thông đầu ra, đảm bảo nhu cầu mua sắm của người dân.
Công tác hỗ trợ đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại và các hoạt động kết nối cung cầu trong và ngoài tỉnh, trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài của ngành chức năng là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, điều cần kíp không kém là các HTX, DN cần kết nối với nhau để tạo chuỗi liên kết sản xuất bền vững. Đồng thời phải năng động, dám nghĩ, dám làm, đổi mới tư duy, áp dụng khoa học kỹ thuật, quy trình sản xuất nhằm nâng cao chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, cải tiến mẫu mã bao bì, sản phẩm để hàng hóa được ưa chuộng hơn trên thị trường.