Kết nối du lịch 3 miền đất nước

KHÁNH LINH - QUỐC TUẤN 27/11/2020 20:14

(QNO) - Lần đầu tiên, một diễn đàn liên kết phát triển du lịch giữa TP.Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung được tổ chức mở ra những kỳ vọng về sự khởi đầu mới của du lịch Việt Nam sau dịch bệnh Covid-19.

Đại diện Hiệp hội du lịch 7 địa phương ký cam kết hợp tác với 3 Hãng hàng không của Việt Nam
Đại diện Hiệp hội Du lịch 7 địa phương ký cam kết hợp tác với 3 hãng hàng không của Việt Nam. Ảnh: L.T

Liên kết sâu rộng

Với chủ đề “Dòng chảy tinh hoa”, Diễn đàn liên kết du lịch giữa TP.Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung diễn ra chiều nay 27.11 tại Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An đã tập trung vào 4 nội dung liên kết chính: công tác quản lý nhà nước về du lịch, phát triển nguồn nhân lực du lịch, phát triển sản phẩm du lịch, quảng bá xúc tiến du lịch.

Diễn đàn là cơ hội để các tỉnh, thành phố trao đổi thông tin, liên kết xây dựng những định hướng mới trong phát triển du lịch tại địa phương. Qua đó giúp khai thác hiệu quả các giá trị tài nguyên du lịch, nhất là sự đa dạng và đặc trưng văn hóa, tự nhiên của các vùng miền. Đặc biệt, phát huy lợi thế cửa ngõ vùng, cửa ngõ quốc tế, tăng tỷ lệ khách du lịch, tăng chi tiêu và thời gian lưu trú của du khách, góp phần phục hồi, phát triển ngành du lịch sau ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, đóng góp hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng nói riêng, cả nước nói chung.

Toàn cảnh Diễn đàn liên kết du lịch 7 địa phương
Quang cảnh diễn đàn liên kết du lịch 7 địa phương. Ảnh: L.T

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Lê Trí Thanh, trong điều kiện dịch bệnh trên thế giới còn diễn biến phức tạp, chưa mở cửa đối với khách du lịch quốc tế, thị trường du lịch nội địa được xác định là điểm khởi đầu cần thiết và quan trọng để tái phục hồi, phát triển du lịch. Với vai trò Chủ tịch Hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung nhiệm kỳ 2019 - 2020, việc tổ chức diễn đàn chính là sự kiện đánh dấu bước ngoặt quan trọng, toàn diện trong quan hệ, hợp tác giữa các tỉnh, thành phố, các hiệp hội và doanh nghiệp nhằm thúc đẩy liên kết phát triển du lịch liên vùng Bắc - Trung - Nam.

“Quảng Nam cùng các tỉnh, thành phố cam kết không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường du lịch, xây dựng hệ thống du lịch thông minh, đẩy mạnh tính liên kết trong việc phát triển quy hoạch, kết nối hạ tầng. Phát huy giá trị văn hóa di sản, xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch đặc thù, đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến và quảng bá du lịch, thích ứng biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường nhằm tạo bước đột phá mới, chuyển từ phát triển du lịch từng địa phương sang phát triển du lịch vùng bền vững trong thời gian đến. Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường liên kết phát triển sản phẩm du lịch theo hướng chuyên nghiệp hóa và tiếp cận chuỗi giá trị cung ứng dịch vụ du lịch, từ số lượng sang chất lượng, có trọng tâm, trọng điểm; nâng cao hiệu quả và tính chuyên nghiệp. Xây dựng hình ảnh điểm đến du lịch an toàn, hiện đại, đẳng cấp, chất lượng và thân thiện” - ông Lê Trí Thanh nói.

Tạo cơ hội cùng phát triển

Với vai trò trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học - kỹ thuật và du lịch, Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh là nơi tụ hội của những lợi thế và yếu tố đặc trưng để phát triển du lịch. Đây cũng là đầu mối tiếp nhận khách quốc tế và nội địa của cả nước, đặc biệt là nơi đặt trụ sở của các tập đoàn, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh du lịch dịch vụ hàng đầu.

Ông Lê Thanh Liêm - Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh cho rằng, với những lợi thế của mỗi địa phương, ngành du lịch Việt Nam có đủ khả năng phục hồi. Và, liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa TP.Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh với Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung là một trong nhiều giải pháp quan trọng để hiện thực điều đó.

Đại biểu tìm hiểu các gian hàng du lịch các địa phương trưng bày bên lề sự kiện Diễn đàn du lịch
Đại biểu tìm hiểu gian hàng du lịch các địa phương trưng bày bên lề diễn đàn. Ảnh: L.T

“Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt, khi lần đầu tiên hai địa phương, hai trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa hai đầu đất nước gắn kết chặt chẽ với Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Đây sẽ là mảnh ghép nối liền liên kết giữa các địa phương từ Bắc xuống Nam theo chiều dài đất nước” - ông Lê Thanh Liêm nhìn nhận.

Trong những năm qua khách du lịch từ TP.Hồ Chí Minh và TP.Hà Nội đến miền Trung không ngừng tăng cao. Tuy nhiên, tại Quảng Nam, lượng khách đến từ thị trường phía Nam còn tương đối thấp so với kỳ vong. Theo ông Lê Thanh Liêm, việc liên kết trước đây chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh du lịch vốn có. Vì vậy, trong bối cảnh Việt Nam đang kích cầu du lịch nội địa, sự liên kết này rất cần thiết nhằm tăng tỷ lệ khách nội địa từ TP.Hồ Chí Minh đến Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và ngược lại, xem đây là mục tiêu bao trùm trong giai đoạn 2020 - 2025.

Bên cạnh đó, liên kết cần hướng đến xây dựng chuỗi du lịch thân thiện an toàn với sản phẩm du lịch đặc trưng của từng địa phương, trong vùng liên kết như du lịch biển đảo gắn với di sản, du lịch văn hóa gắn với di sản văn hóa thế giới, tìm hiểu du lịch biển, ẩm thực biển… Chú trọng phối hợp thực hiện hiệu quả công tác quảng bá xúc tiến du lịch vùng, trong đó chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo…

Đại biểu tìm hiểu các gian hàng du lịch các địa phương trưng bày bên lề sự kiện Diễn đàn du lịch
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh bàn giao vai trò Chủ tịch Hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung nhiệm kỳ 2021 - 2022 cho lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: L.T    

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng đánh giá cao sáng kiến liên kết của Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh cùng sự hưởng ứng của 5 tỉnh, thành Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Đồng thời khẳng định, Bộ VH-TT&DL sẽ đồng hành với chính quyền 7 địa phương trong mối liên kết này, bởi liên kết trong du lịch là xu thế tất yếu và chủ đạo hiện nay.

“Sau khi ký kết liên kết này, chính quyền 7 địa phương cần chỉ đạo cơ quan chuyên môn tiếp tục định vị rõ vị thế của từng tỉnh, thành trong mối liên kết để tạo ra các sản phẩm đặc trưng, độc đáo để tạo ra chiều sâu cho liên kết du lịch” - ông Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung gồm 5 tỉnh, thành phố: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định; dân số hơn 6,3 triệu người; vị trí nằm trên các trục đường giao thông đường bộ, đường sắt, hàng không và biển.

Vùng có nguồn tài nguyên đa dạng, phong phú về cảnh quan thiên nhiên và tiềm năng du lịch. Trong đó, tiềm năng du lịch biển đảo được xem là thế mạnh với chuỗi bãi biển đẳng cấp quốc tế, nhiều vịnh đẹp thế giới và nhiều đảo, bán đảo hấp dẫn; tiềm năng du lịch di sản (3/5 di sản văn hóa vật thể thế giới ở Việt Nam); tài nguyên du lịch núi rừng với nhiều điểm du lịch sinh thái đồi núi, thác, hồ nổi tiếng.

Ngoài ra, toàn khu vực còn có nhiều vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên hoang sơ, nguyên vẹn; là địa bàn sinh sống của nhiều dân tộc anh em. Đặc biệt, đây là vùng kinh tế lớn thứ 3 tại Việt Nam với 4 sân bay (Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Phù Cát) và 5 cảng biển (Chân Mây, Đà Nẵng, Chu Lai, Dung Quất, Nhơn Hội).

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kết nối du lịch 3 miền đất nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO