Kết nối du lịch Thanh Hóa

KHÁNH LINH 13/03/2018 08:59

Liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa Quảng Nam và Thanh Hóa vừa được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Thị Thìn ký kết biên bản ghi nhớ, mở ra cơ hội hợp tác, trao đổi và thúc đẩy du lịch 2 địa phương.

Ký kết biên bản hợp tác phát triển du lịch giữa 2 tỉnh Quảng Nam và Thanh Hóa. Ảnh: KHÁNH LINH
Ký kết biên bản hợp tác phát triển du lịch giữa 2 tỉnh Quảng Nam và Thanh Hóa. Ảnh: KHÁNH LINH

Học cách làm du lịch của Quảng Nam

Tại buổi lễ ký kết, bà Lê Thị Thìn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã dẫn lại câu nói của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong một lần về công tác tại địa phương. “Thanh Hóa muốn phát triển du lịch thì hãy vào Quảng Nam, Đà Nẵng để học cách làm du lịch”.  Bà Thìn cho rằng, chỉ qua 2 ngày tham quan, khảo sát tại Quảng Nam đã thấy nhiều thứ có thể áp dụng tại Thanh Hóa như công tác quy hoạch, quản lý nhà nước, truyền thông, du lịch cộng đồng, đặc biệt là quan điểm đầu tư du lịch phải đầu tư lâu dài và đón đầu. “Hình ảnh du khách tham quan phố cổ Hội An đông như đi hội hay cách làng gốm Thanh Hà làm du lịch… đã thật sự gây ấn tượng mạnh cho chúng tôi” - bà Thìn chia sẻ.

Biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển du lịch giữa Thanh Hóa và Quảng Nam gồm một số nội dung chính như: hai bên xây dựng kế hoạch hợp tác phát triển sản phẩm du lịch liên vùng, có tính cạnh tranh cao; hợp tác tuyên truyền, quảng bá, mở rộng thị trường khách; tham gia các sự kiện và hội chợ du lịch được tổ chức tại mỗi bên. Hai tỉnh tổ chức quảng bá điểm đến chung; hợp tác phát triển nhân lực du lịch; khuyến khích doanh nghiệp hai bên tổ chức các chương trình du lịch với giá ưu đãi; hỗ trợ các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch; cung cấp thông tin về điểm đến, giá cả và chất lượng dịch vụ cho khách du lịch đi và đến giữa hai bên...

Đến Quảng Nam lần này, đoàn Thanh Hóa có sự tham dự của đại diện các sở ngành, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội du lịch cùng một số doanh nghiệp tiêu biểu trên địa bàn tỉnh. Theo bà Lê Thị Thìn, những vấn đề trọng tâm đoàn Thanh Hóa muốn trao đổi, học tập bao gồm kinh nghiệm quản lý du lịch, nhất là lập và quản lý quy hoạch ven biển; chính sách thu hút đầu tư; kinh nghiệm xúc tiến xây dựng thương hiệu, thu hút khách quốc tế; kinh nghiệm xây dựng và quản lý hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch đường sông; kinh nghiệm phát huy giá trị di sản văn hóa; phát triển du lịch làng nghề; bảo vệ môi trường du lịch… “Chúng tôi muốn tham vấn ý kiến của các sở, ngành, doanh nghiệp du lịch Quảng Nam, Đà Nẵng trong việc Thanh Hóa cần làm gì để có thể thu hút, kết nối khách du lịch từ Quảng Nam, Đà Nẵng về Thanh Hóa” - bà Thìn bày tỏ.

Năm 2017, Thanh Hóa đón khoảng 7 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 189 nghìn lượt, doanh thu du lịch ước đạt 8.000 tỷ đồng, dù vậy so với tiềm năng và lợi thế sự phát triển này vẫn chưa tương xứng. Ông Nguyễn Văn Đệ - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hợp Lực, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa bày tỏ, những kinh nghiệm làm du lịch của Quảng Nam, Đà Nẵng rất đáng để Thanh Hóa nghiên cứu, nhất là quan điểm coi trọng doanh nghiệp, nhà đầu tư; chia sẻ lợi ích cộng đồng… “Hy vọng qua chuyến đi này Thanh Hóa, Đà Nẵng, Quảng Nam sẽ cùng sát cánh, hỗ trợ phát triển du lịch, hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm du lịch của Việt Nam” - ông Đệ nói.   

Kết nối chuỗi du lịch bắc miền Trung

Theo ông Hồ Tấn Cường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, phát triển du lịch Quảng Nam ngoài các danh hiệu di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (Hội An, Mỹ Sơn, Cù Lao Chàm) còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế; sự đồng thuận của các cấp ngành, cộng đồng; lòng hiếu khách của người dân; thân thiện với môi trường, đặc biệt là chính sách thu hút đầu tư, coi doanh nghiệp như là ân nhân của địa phương… “Du lịch cộng đồng là nét nổi bật được triển khai khá sớm tại Quảng Nam. Sự lan tỏa của du lịch cộng đồng đã giúp người dân bảo vệ được các tài nguyên thiên nhiên; bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống, bỏ các hủ tục; nâng cao ý thức cộng đồng, cải thiện sinh kế, tạo thu nhập người dân” - ông Cường phân tích.  

Ông Nguyễn Xuân Bình - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.Đà Nẵng cho rằng, công tác quy hoạch du lịch rất quan trọng. Ngay từ năm 2004, Đà Nẵng đã làm việc với các chuyên gia tư vấn nước ngoài để quy hoạch bãi biển Đà Nẵng. Tuy nhiên, việc nâng cấp mở rộng sân bay quốc tế Đà Nẵng từ 4 triệu lượt khách/năm (2011) lên 12 triệu lượt khách/năm với 29 đường bay quốc tế như hiện nay (250 chuyến bay/tuần), kết nối hầu hết địa phương trong nước là yếu tố mang tính đột phá trong phát triển du lịch của thành phố. “Đà Nẵng đã chọn được các nhà đầu tư tâm huyết và tầm cỡ để hình thành lên những khu du lịch, nghỉ dưỡng, khách sạn đẳng cấp, qua đó góp phần làm thay đổi bộ mặt thành phố” - ông Bình dẫn giải.

Năm 2017 khách quốc tế đến Quảng Nam và Đà Nẵng chiếm gần 40% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh, du lịch Quảng Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ với những dự án đang và sẽ triển khai tại vùng đông và phía nam của tỉnh nên sự liên kết giữa các địa phương sẽ mang lại nhiều lợi thế và lợi ích hơn. “Du lịch là ngành kinh tế có tính liên vùng, liên ngành và tính xã hội hóa cao. Do đó, việc hợp tác du lịch giữa Thanh Hóa, Đà Nẵng, Quảng Nam là hết sức quan trọng và cần thiết trong kết nối và phát triển chuỗi du lịch bắc miền Trung, góp phần xây dựng thương hiệu 3 địa phương, xứng tầm là trung tâm du lịch lớn cả nước” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh khẳng định.

KHÁNH LINH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kết nối du lịch Thanh Hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO