Ngoài sâm Ngọc Linh, Nam Trà My còn có nhiều loại dược liệu quý, tốt cho sức khỏe. Doanh nghiệp và người dân đã bắt đầu liên kết để sản xuất, chế biến sâu các sản phẩm từ dược liệu, mở rộng thị trường.
Theo ông Trương Ngọc Vy (Cơ sở sản xuất Hà Vy), các loại dược liệu quý của Nam Trà My trong nhân dân nếu không được đưa ra thị trường là điều đáng tiếc. Vì thế, Cơ sở sản xuất Hà Vy đã chế biến sản phẩm trà túi lọc tiện dụng đối với người tiêu dùng. Trà túi lọc giảo cổ lam, rau má, khổ qua rừng hiện là những sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng.
Ông Vy nói: “Chúng tôi thu mua thảo dược từ người dân trong toàn huyện về chế biến. Người dân bán được sản phẩm với giá cao, chúng tôi có nguồn nguyên liệu ổn định”.
Để nâng tầm giá trị dược liệu, các chủ thể đã đầu tư sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Nam Trà My đã có 17 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao và 3 sao cấp tỉnh. Điều này đã khẳng định được thương hiệu của những sản phẩm thảo dược đặc trưng của vùng núi cao Nam Trà My, tạo hướng đi, thị trường tiêu thụ bền vững cho người dân và các chủ sở hữu sản phẩm OCOP.
Người dân huyện Nam Trà My ngoài khoanh nuôi, bảo vệ và khai thác tự nhiên các loại thảo dược, còn triển khai trồng, nhân rộng diện tích thảo dược. Những loại cây dược liệu như đảng sâm, đương quy, lan gấm, đinh lăng, sơn tra, giảo cổ lam, sa nhân… đều đã được khai thác, trồng nhân rộng trong nhân dân.
Ông Ngô Tấn Lạc - Chủ tịch UBND xã Trà Cang cho biết: “Trên địa bàn xã hiện nay người dân chủ yếu khoanh nuôi, bảo vệ và khai thác tự nhiên các loại dược liệu để bán cho thương lái hay các cơ sở thu mua, chế biến. Những hộ tham gia trồng sâm Ngọc Linh có trồng thêm đảng sâm, lan gấm...
Xã khuyến khích nhân dân trồng cây dược liệu dưới tán rừng, theo hướng mỗi thôn bước đầu chọn từ 5 - 7 hộ trồng thí điểm, sau đó nhân rộng trong nhân dân. Dược liệu giúp người dân có nguồn thu nhập hiệu quả”.
Xã Trà Cang đã lập danh sách các hộ đăng ký trồng cây dược liệu gửi các ngành chuyên môn ở huyện kiểm tra các điều kiện để tham gia. Sau đó, huyện cử cán bộ, cùng với xã đến từng hộ dân để hướng dẫn kỹ thuật trồng cây dược liệu.
Sau khi người dân trồng, chăm sóc dược liệu đạt yêu cầu thì tổ chức kiểm tra, nghiệm thu mới hỗ trợ kinh phí theo định mức của nghị quyết HĐND tỉnh ban hành. Xã cũng hướng dẫn, vận động các hộ dân vay vốn từ các nguồn tín dụng ưu đãi để trồng thêm các loại cây dược liệu, đặc biệt là sâm Ngọc Linh.
Ông Trần Duy Dũng - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, thực hiện Nghị quyết 30 của HĐND huyện, Nghị quyết số 36 của HĐND tỉnh về quy hoạch bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn Quảng Nam, giai đoạn 2018 - 2025, định hướng đến năm 2030, Nam Trà My đang phát triển dược liệu trong dân hiệu quả.
Đặc biệt, sản phẩm từ dược liệu đã được các hộ kinh doanh, chủ thể OCOP, các doanh nghiệp quan tâm đầu tư, nâng cao giá trị và kết nối thị trường. Toàn huyện hiện có 2.500 hộ trồng 1.000ha sâm Ngọc Linh, 20 doanh nghiệp trồng hơn 2.000ha sâm Ngọc Linh, người dân còn trồng hơn 6.000ha quế, 600ha các loại dược liệu quý.
“Chủ trương của huyện là kêu gọi doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu ngay tại vùng nguyên liệu để liên kết tạo đầu ra ổn định cho nhân dân. Đã có doanh nghiệp vào đầu tư 100 tỷ đồng xây dựng nhà máy chế biến sâu các sản phẩm từ dược liệu, tiêu thụ ở thị trường trong nước và nước ngoài. Huyện hỗ trợ tích cực, tạo điều kiện cho nhà đầu tư có mặt bằng, đất sạch để xây dựng nhà máy thuận tiện nhất” - ông Dũng nói.