Để triển khai trồng rừng gỗ lớn, không chỉ ưu đãi bằng cơ chế hỗ trợ vốn, giống, liên kết chuỗi sản xuất, mà Nhà nước cần dành nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông thuận lợi.
Vùng trồng gỗ lớn ở xã Tam Mỹ Tây (Núi Thành). Ảnh: T.N |
Một thời gian dài, các huyện vùng cao không mặn mà với việc trồng rừng sản xuất. Đơn giản vì đất đai không bằng phẳng, gỗ nguyên liệu trồng ra bán rẻ do chi phí vận chuyển cao. Vì lẽ đó mà doanh nghiệp rất dè dặt thuê đất, hoặc liên kết với người dân trồng rừng gỗ lớn. Tuy nhiên, thời gian qua, huyện Phước Sơn đã mở rộng thu hút đầu tư, cụ thể hóa kế hoạch tạo nguồn giống keo tai tượng Úc để đảm bảo cung cấp cho người dân trồng rừng gỗ lớn. Hiện, Công ty CP Đầu tư và phát triển lâm nghiệp Quảng Nam đã đầu tư vườn ươm, lập dự án đầu tư trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn huyện Phước Sơn. Theo kế hoạch, công ty này phát triển vùng nguyên liệu gỗ lớn có diện tích hơn 4.000ha (trong đó, thuê đất và liên kết với người dân trồng mới 1.450ha; trồng lại 450ha và chuyển hóa rừng 2.150ha).
Với khu vực trồng rừng gỗ lớn, quy hoạch bảo tồn vùng dược liệu dưới tán rừng tại địa bàn huyện Phước Sơn, chính quyền tỉnh rất quan tâm và đề nghị Sở GTVT lập dự án đầu tư giao thông cấp thiết để trình HĐND tỉnh trong kỳ họp sắp đến. Một tin vui là cuối tháng 1.2019, Quảng Nam phê duyệt kế hoạch hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn theo Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2019 - 2020. Trong giai đoạn này, 12 địa phương (gồm Phước Sơn, Tây Giang, Bắc Trà My, Nam Trà My, Nam Giang, Đông Giang, Tiên Phước, Hiệp Đức, Nông Sơn, Quế Sơn, Phú Ninh và Thăng Bình) sẽ được hưởng lợi chính sách ưu đãi đặc biệt.
Tại vùng trồng sâm Ngọc Linh, Trung ương còn phê duyệt danh mục dự án ưu tiên đầu tư theo chương trình mục tiêu biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh. Giai đoạn 2016 - 2020, Nam Trà My triển khai dự án trồng rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh và bảo vệ hơn 800ha rừng (chủ yếu tập trung vào vùng đệm khu vực quy hoạch bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh). Riêng hạ tầng vào vùng phát triển sâm Ngọc Linh, Nam Trà My đã và đang triển khai thi công 3 tuyến đường, đó là tuyến Tắc Pong - Tắc Ngo dài hơn 8km; tuyến UBND xã Trà Linh đi Măng Lùng dài 11,6km và tuyến Măng Lùng - Đắc G’Lây có chiều dài 14,4km. Ngoài ra, nhằm phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, liên kết vùng cao, tuyến đường từ xã Trà Leng (Nam Trà My) đến điểm đấu nối với địa phận xã Phước Thành (Phước Sơn) có chiều dài hơn 10km với tổng mức đầu tư 157 tỷ đồng đang thi công, dự kiến vài năm tới sẽ đưa vào sử dụng. Dự án hoàn thành sẽ giải quyết nhu cầu lưu thông, vận chuyển hàng hóa, phát triển vùng dược liệu, trồng rừng gỗ lớn, tạo điều kiện giảm nghèo bền vững cho đồng bào vùng cao trên địa bàn 2 huyện Nam Trà My và Phước Sơn.
TRẦN NGUYỄN