Một doanh nghiệp, từ khi khởi nghiệp đến hoạt động ổn định luôn cần có sự kết nối, hỗ trợ từ nhiều phía. Không phải là những chương trình, kế hoạch hay chiến dịch nhất thời mà là hành trình dài hơi, hướng đến chiều sâu và lan tỏa rộng trong nền kinh tế.
Cơ hội từ những “thương vụ bạc tỷ”
Ngày 16.6.2022, hội thảo “Kết nối các doanh nghiệp khởi nghiệp Quảng Nam với các nhà đầu tư, quỹ đầu tư” sẽ được tổ chức tại Quảng Nam.
Sự xuất hiện của Bin Corporation Group, Flying Fish Investment, Zone Startup Việt Nam... được xem là cơ hội cho các dự án khởi nghiệp địa phương kết nối và thu hút nguồn vốn đầu tư.
Các nhà đầu tư “thiên thần”, quỹ đầu tư mạo hiểm này luôn tìm kiếm những dự án, ý tưởng để hỗ trợ vốn, tiếp thêm nguồn “nhiên liệu” cho những nhà khởi nghiệp.
Không phải lần đầu tiên ý tưởng kết nối cộng đồng khởi nghiệp Quảng Nam với các nhà đầu tư, quỹ đầu tư được mở.
“Thương vụ bạc tỷ” đầu tiên cho thương hiệu heo thảo mộc xứ Quảng hình thành tại Phú Ninh, Đông Giang giữa Huỳnh Đức Tường - Công ty TNHH trang trại toàn cầu (Global Farm Co. Ltm) và VN Đà Thành đã được ký kết ngày 16.11.2019.
Tuy nhiên, so với tốc độ bùng phát của “phong trào” nhà nhà, người người khởi nghiệp hiện tại của địa phương thì con số dự án khởi nghiệp gọi được vốn từ các doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư thiên thần còn quá ít ỏi.
Kết quả các cuộc khảo sát của Sở KH&ĐT cho thấy hiện địa phương không có DN khởi nghiệp sáng tạo.
Khởi nghiệp đơn thuần chỉ là thành lập loại hình DN để sản xuất, kinh doanh. Các DN hoạt động đơn lẻ, khá độc lập, thiếu vắng tính liên kết, hợp tác để tham gia chuỗi giá trị sản phẩm, dịch vụ.
Không tính những DN liên tục khởi nghiệp như Thaco, Nam Hội An..., số vốn đăng ký đưa vào thị trường bình quân của một DN khá thấp, chỉ khoảng 3 tỷ đồng/DN.
Sau giai đoạn khởi nghiệp, hầu hết DN đều thiếu khả năng mở rộng quy mô và đóng góp không nhiều vào ngân sách nhà nước (khoảng 0,46 tỷ đồng/năm/DN).
Một trong những lý do khiến nhiều dự án khởi nghiệp khó có thể hấp dẫn các nhà đầu tư thiên thần là những ý tưởng khởi nghiệp thường trùng lắp, phần nhiều liên quan đến chuyện mua sắm, ăn uống, du lịch, giải trí, sản xuất, chế biến nông sản..., chứ chưa có gì đột biến.
Trường Hải đã tuyên bố góp 200 tỷ đồng trong 5 năm (2016 - 2021) để hỗ trợ khởi nghiệp, nhưng hầu như các ý tưởng không thể triển khai được như một dự án kinh doanh nên các nhà khởi nghiệp khó lòng gọi vốn.
Ông Phạm Ngọc Sinh – Phó Giám đốc Sở KHCN, Trưởng ban Điều hành hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tỉnh cho hay, hội thảo hội tụ nhiều “shark” (cá mập - chỉ các doanh nhân thành đạt). Hy vọng sẽ có những cuộc kết nối trực tiếp giữa các nhà đầu tư với từng dự án khởi nghiệp.
Các “shark” không chỉ nhìn vào sự an toàn mà còn chấp nhận cả rủi ro, mạo hiểm đầu tư từ những ý tưởng sáng tạo của người khởi nghiệp, tạo cơ hội cho người trẻ gia nhập thị trường bằng trí tuệ và quyết tâm thúc đẩy tinh thần sáng tạo.
Kết nối, hỗ trợ
Chính quyền Quảng Nam đã từng tuyên bố tất cả ý tưởng khởi nghiệp sẽ được chọn lọc, xây dựng bộ tiêu chí hỗ trợ. Mỗi ý tưởng tốt được chọn như một đề tài, dự án khoa học được hỗ trợ kinh phí từ quỹ khoa học công nghệ và sẽ được kết nối với các quỹ đầu tư.
Gần như mọi cá nhân có ý tưởng tốt hay muốn thay đổi công việc kinh doanh đều có cơ hội tiếp cận nguồn lực từ các DN lớn khi họ cam kết sẵn sàng hỗ trợ khởi nghiệp.
Nhiều câu lạc bộ, vườn ươm khởi nghiệp ra đời. Tuy nhiên, không nhiều về số lượng, ít DN khởi nghiệp có thương hiệu mạnh trên thương trường. Cho dù Quảng Nam đã có hơn 9.000 DN nói chung đang hoạt động.
TS.Đinh Việt Hòa – Chủ tịch Hiệp hội Khởi nghiệp Việt Nam nói những DN trụ lại trên thị trường 5 năm và tiếp tục phát triển thì mới gọi là khởi nghiệp thành công.
Làm sao cho những người khởi nghiệp ít trả giá nhất, quan trọng hơn là không để họ mất tinh thần? Những người khởi nghiệp cần được trao truyền kinh nghiệm, được hỗ trợ và được sống trong cộng đồng những người khởi nghiệp thực thụ.
Có thể hiểu, khởi nghiệp là cần thiết. Nhưng không phải chạy theo cơn sốt startup. Không nên xem khởi nghiệp như một phong trào, với những diễn ngôn “có cánh” mà quên đi việc dưỡng nghiệp và nhà nước “quên” việc kết nối, tiếp sức, hỗ trợ.
Bởi lập một dự án kinh doanh, một DN dễ hơn vạn lần so với công sức, chi phí cần bỏ ra để vận hành ổn định và hiệu quả. Ngoài những cơ chế, chính sách đặc thù, giảm tối đa chi phí thời gian, sự đồng hành của địa phương trong việc kịp thời giải quyết những vướng mắc của không riêng DN khởi nghiệp thông qua các kênh đối thoại khác nhau sẽ là động lực để DN tồn tại, phát triển.
Kế hoạch kết nối các nhà đầu tư, gọi vốn cho DN thể hiện sự quan tâm của chính quyền, cơ quan quản lý. Song, điều đó chưa đủ. Kiến thức kinh doanh, từ phần mềm kế toán, thuế, nghiệp vụ quản trị DN, kỹ năng quản lý, phân tích dự án, thị trường, thương thuyết, ký hợp đồng... là những điều một DN, cho dù là khởi nghiệp cần biết.
Có thể DN không thiếu tiền, không thiếu kênh tài chính, nhưng lại thiếu về năng lực quản trị tài chính, quản trị DN và năng lực phát triển DN lớn hơn trong môi trường kinh doanh ngày càng thay đổi.
Ông Trần Quốc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội DN Quảng Nam cho hay những DN lớn đều có bộ phận pháp lý, quản trị DN... Còn 95% DN nhỏ và vừa của địa phương gần như gia nhập thị trường chỉ bằng sự quyết tâm, thiếu kiến thức về quản trị nên cần thêm những chương trình tập huấn, đào tạo về quản lý, tăng cường kỹ năng quản trị DN.
Hành trình của khởi nghiệp trở thành DN ổn định, hiệu quả cần nhiều thứ. DN rất cần chính sách tạo thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh, sao cho chi phí sản xuất thấp nhất, DN ít gặp rủi ro về pháp lý. Họ mong những cải cách đừng “trên nóng, dưới lạnh”, không thể chung chung và đi vào thực tế hơn.
Ông Nguyễn Tiến Quang - Giám đốc Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Đà Nẵng (VCCI chi nhánh Đà Nẵng) nói DN yếu về năng lực quản trị, năng lực cạnh tranh, thiếu định hướng kinh doanh sẽ đứng trước những rủi ro khó lường, sẽ rất dễ bị tổn thương, dễ bị phá sản trong môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Chương trình, kế hoạch hỗ trợ, từ kết nối, tiếp sức gọi vốn, đào tạo kiến thức... không phải là một chiến dịch nhất thời mà là hành trình dài hơi, hướng đến chiều sâu và lan tỏa rộng trong nền kinh tế.