Bảy ngân hàng và 14 doanh nghiệp (DN) đã ký kết các hợp đồng tín dụng ngay lễ kết nối ngân hàng - DN do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Quảng Nam khởi xướng sáng 16.10 trước sự chứng kiến của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng và các sở, ban, ngành, hiệp hội… liên quan.
Tăng trưởng chưa cao
Hoạt động tín dụng đã có vẻ “hồng hào” hơn khi Chi nhánh NHNN Quảng Nam công bố tổng dư nợ cho vay trên địa bàn đến ngày 30.9 đã đạt 25.198,21 tỷ đồng, tăng 5,49% so với đầu năm, tăng 13,32% so với cùng kỳ năm 2013. Lãi suất cho vay ngắn hạn các lĩnh vực ưu tiên phổ biến ở mức 7 - 8%/năm, trung và dài hạn mức 10 - 13%. Nếu đầu năm 2013, dư nợ trên 13%/năm chiếm tỷ trọng 36,35% thì đến cuối tháng 9.2014 chỉ còn chiếm 1,74%/tổng dư nợ cho vay. Vốn tín dụng tăng bất ngờ sau một thời gian khá dài bị “âm” được rót chủ yếu vào nông nghiệp – nông thôn và đầu tư cho DN. Theo thống kê của Chi nhánh NHNN Quảng Nam, hiện trên địa bàn tỉnh có 1.802 DN có quan hệ tín dụng với các ngân hàng thương mại, dư nợ khoảng 15.985,74 tỷ đồng, chiếm 63,44%/tổng dư nợ cho vay, tăng 4,26% so với đầu năm và tăng 12,91% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này nhờ các ngân hàng thương mại đưa ra nhiều sản phẩm tín dụng với điều kiện cho vay thoáng hơn, lãi suất ưu đãi thông qua 37 gói tín dụng ưu đãi, tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn vay ngân hàng.
Ngân hàng và doanh nghiệp ký kết các hợp đồng tín dụng. Ảnh: T.D |
Tín dụng đã được bơm vào nền kinh tế ngày một nhiều hơn, nhưng tăng trưởng khoảng 5,49% so với kế hoạch 12 - 14% trong năm 2014 cho thấy lực cầu tín dụng đang rất yếu, khó có thể có được tăng trưởng như mong muốn. Hiện các DN quá “ốm yếu”, không đủ sức hấp thụ thêm vốn thì có muốn, các ngân hàng cũng không thể nào khai thông tín dụng. Kể từ tháng 6.2014, chương trình kết nối ngân hàng – DN được Chi nhánh NHNN Quảng Nam và các ngân hàng tích cực thực hiện, chủ động tìm kiếm DN có nhu cầu vốn vay và có phương án sản xuất kinh doanh khả thi để giải ngân, nhưng kết quả quá bất ngờ. Con số 742 phiếu khảo sát đánh giá khó khăn của DN trong quan hệ tín dụng và nhu cầu vốn vay gửi đi, lẫn sự tiếp cận trực tiếp của ngân hàng cùng nhận diện những khó khăn để tìm giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, lại chỉ nhận 28 phiếu phản hồi.
Theo bà Nguyễn Thị Sương Thu - Phó Giám đốc Chi nhánh NHNN Quảng Nam, hiện các ngân hàng rất “khát” dự án và có nhu cầu đưa vốn ra thị trường. Lãi suất không còn là rào cản cho DN tiếp cận nguồn vốn khi ngân hàng đã đưa ra nhiều gói hỗ trợ với lãi suất ưu đãi. Chỉ cần có các dự án tốt và đáp ứng các tiêu chí của ngân hàng là chỉ sau một thời gian ngắn, DN đã có thể được giải ngân. Áp lực tăng trưởng dư nợ rất lớn nên các ngân hàng không còn “khắt khe” như trước, nhưng thực tế không dễ như dự định của các ngân hàng.
Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng
“Ngân hàng không thể hạ chuẩn cho vay vì rất sợ gây ra rủi ro tín dụng và nguy cơ tăng nợ xấu. Suy cho cùng, điều quan trọng hơn là chất lượng tín dụng, dòng tiền chảy đến nơi cần chảy, đúng nơi cần của nền kinh tế hấp thụ, chứ không phải là dựa vào con số tăng trưởng nhiều hay ít”. (Bà Nguyễn Thị Sương Thu – Phó Giám đốc Chi nhánh NHNN Quảng Nam) |
Theo nhận định của giới ngân hàng, dòng tiền đang ngập ngừng trước tất cả các kênh đầu tư. Vốn vẫn chưa thể chảy đến DN. Tiền không biết giải ngân vào đâu vẫn là thực trạng đáng lo hơn cả. Cuộc gặp gỡ và ký kết các hợp đồng tín dụng giữa 7 ngân hàng thương mại và 14 DN với tổng giá trị 901,7 tỷ đồng ngày 16.10 chính là hiện thực hóa ý tưởng của chính quyền, sự kết nối của ngân hàng – DN, thể hiện tính chủ động, trách nhiệm của từng ngân hàng trong việc chia sẻ khó khăn, tạo điều kiện để DN tiếp cận vốn vay, giúp ngân hàng đưa vốn vào nền kinh tế và thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng tín dụng. Ông Phan Ngọc Anh – Giám đốc Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Phan Ngọc Anh (Duy Hòa, Duy Xuyên) ký kết với Ngân hàng Công thương Quảng Nam hợp đồng điều chỉnh lãi suất. Ông cho biết DN không còn khó tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng. Vấn đề chính là năng lực quản trị, minh bạch tài chính và kế hoạch kinh doanh hiệu quả của từng DN sẽ quyết định đến mối quan hệ với ngân hàng.
Theo Chi nhánh NHNN Quảng Nam, trong số 14 DN được ký kết lần này có đến 8 hợp đồng tín dụng ký mới (830,685 tỷ đồng), điều chỉnh giảm lãi suất 2 hợp đồng (51,765 tỷ đồng) và 4 DN được ký tăng hạn mức tín dụng, điều chỉnh lãi suất (19,2 tỷ đồng). Gói tín dụng cao nhất thuộc về các ngân hàng: Agribank (450 tỷ đồng), BIDV (278 tỷ đồng), SHB (64 tỷ đồng), MB (58,45 tỷ đồng), Công thương Quảng Nam (39 tỷ đồng),VCB (8,6 tỷ đồng) và DAB (3,6 tỷ đồng). |
Bà Nguyễn Thị Sương Thu cho hay các ngân hàng thương mại đã có nhiều nỗ lực trong việc sẵn sàng nguồn vốn và các gói tín dụng ưu đãi để đáp ứng nhu cầu vay vốn của DN khi có phương án sản xuất kinh doanh khả thi. Cuộc ký kết này chứng minh giới ngân hàng đã nhìn vào tính khả thi của các dự án để quyết định cho vay. Nếu DN vẫn khó tiếp cận vốn là do không thể đáp ứng các tiêu chí theo quy định của ngân hàng, có nợ xấu hay không đủ tài sản thế chấp…Vì vậy, giới ngân hàng cũng đòi hỏi DN phải biết nắm cơ hội, xây dựng kế hoạch kinh doanh hiệu quả và nâng cao năng lực quản trị để có thể tiếp nhận được những điều kiện tốt và phù hợp với khả năng của từng DN. Theo bà Thu, NHNN sẽ tiếp tục mở thêm những cuộc kết nối để các ngân hàng thương mại tham gia đưa vốn an toàn vào nền kinh tế, tiếp sức cho DN ổn định, mở rộng năng lực sản xuất, kinh doanh. Hiện Chi nhánh NHNN Quảng Nam đã mở địa chỉ chuyển tải các thông tin, chính sách, chủ trương tín dụng, các gói cho vay ưu đãi… trên trang Cổng thông tin điện tử Quảng Nam. DN có thể gửi ý kiến phản hồi để NHNN xử lý trực tiếp, kết nối cụ thể, nhanh và kịp thời hơn những yêu cầu của DN.
Chứng kiến các cuộc ký kết này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng cho rằng không có chương trình kết nối này thì ngân hàng cũng đã song hành cùng DN trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội Quảng Nam. Nhưng cuộc kết nối này đã tiếp sức cho DN tiếp cận được vốn vay ưu đãi lãi suất. Chính quyền cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho giới ngân hàng và DN phát triển. Hy vọng, các cuộc gặp gỡ tới, không chỉ 7 ngân hàng và tất thảy các ngân hàng thương mại hoạt động tại Quảng Nam sẽ tiếp tục tìm những dự án khả thi, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho DN.
TRỊNH DŨNG