Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp

TRỊNH DŨNG 14/12/2016 09:38

Tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng Quảng Nam năm 2016 đã đạt mức kỷ lục, nhưng doanh nghiệp vẫn cho rằng tình trạng thiếu vốn là khó khăn lớn nhất. Liệu kế hoạch rà soát nhu cầu vốn, hỗ trợ doanh nghiệp theo chỉ thị của UBND tỉnh trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI có được như mong muốn?

Lễ ký kết cho ngư dân vay vốn đóng tàu xa bờ.  Ảnh: T.D
Lễ ký kết cho ngư dân vay vốn đóng tàu xa bờ. Ảnh: T.D

Tín dụng tăng kỷ lục

Không khí tại các quầy giao dịch có vẻ đầy sinh khí, tấp nập người đang diễn ra ở hầu hết ngân hàng. Theo nhận định của doanh nghiệp, lãi suất không còn là rào cản lớn. Khá nhiều ngân hàng đã đưa ra các gói hỗ trợ với lãi suất ưu đãi. Chỉ cần có dự án tốt, đáp ứng các tiêu chí của ngân hàng thì chỉ sau một thời gian ngắn, doanh nghiệp có thể được giải ngân. Kiến nghị của doanh nghiệp tại các cuộc tiếp xúc hay đối thoại thường kỳ với lãnh đạo UBND tỉnh chỉ thường bàn đến những khúc mắc về cơ chế, chính sách và gần như không nói gì đến chuyện khó hay dễ tìm vốn ngân hàng. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam, lãi suất huy động đã giảm 0,2 - 0,3%, lãi suất cho vay giảm nhẹ. Hiện tổng vốn huy động của các ngân hàng hơn 33.911 tỷ đồng, tăng gần 32% so với đầu năm. Tín dụng tăng cao nhất trong vòng 5 năm gần đây khi tăng đến 28,2%, vượt xa chỉ tiêu đề ra. Dư nợ cho vay trung, dài hạn tăng trưởng cao nhất, chiếm 52,6%/tổng dư nợ… Vốn ngân hàng đã đổ mạnh vào việc cho vay các chương trình trọng điểm, doanh nghiệp vừa và nhỏ, tín dụng chính sách… Kết quả tăng trưởng GRDP năm 2016 chỉ đặt mục tiêu ở mức 10% đã tăng đến 14,73% và chỉ số sản xuất ngành công nghiệp gia tăng đến 15,5%, chiếm 35,4% tổng cơ cấu kinh tế Quảng Nam cho thấy dòng tiền đã chảy đến nơi cần chảy, đúng nơi cần hấp thụ của nền kinh tế. Cả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và tăng trưởng tín dụng đều đã thực chất hơn, chứng minh giới ngân hàng đã nhìn vào tính khả thi của các dự án để quyết định cho vay.

Ông Trần Quang Hổ - Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Quảng Nam nói ngân hàng đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cá nhân tiếp cận vốn vay ngân hàng để mở rộng sản xuất kinh doanh và các ngân hàng thương mại cũng đạt được kế hoạch tăng trưởng tín dụng đã đề ra. Hầu hết ngân hàng thương mại cổ phần tại Quảng Nam đều cam kết mở rộng tín dụng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh đi đôi với an toàn hiệu quả, tiếp tục tăng trưởng dư nợ ở các lĩnh vực ưu tiên, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Kết quả này là nỗ lực lớn của ngành ngân hàng trong việc điều chỉnh lãi suất cho vay, triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi nhằm kích cầu tín dụng và triển khai thực hiện tốt các cuộc kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, các chính sách tín dụng của Nhà nước.

Gia tăng hỗ trợ doanh nghiệp

Theo cuộc điều tra PCI của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), tỷ lệ doanh nghiệp Quảng Nam báo lỗ đã giảm từ 34% xuống còn 25% và tỷ lệ doanh nghiệp báo lãi đã gia tăng từ 56% lên 60%. Khoảng 44% doanh nghiệp cho biết sẽ mở rộng sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, theo ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng phòng Pháp chế VCCI, tình trạng thiếu vốn đứng vị trí thứ nhất trong 5 khó khăn hàng đầu của doanh nghiệp (vốn, cạnh tranh bình đẳng, thủ tục hành chính, cơ sở hạ tầng và thị trường).

Tín dụng đã tăng trưởng nhưng những thông tin về doanh nghiệp đói vốn đã khiến chính quyền và cơ quan quản lý sốt ruột. Đó cũng là một trong những lý do khiến chỉ số thành phần hỗ trợ doanh nghiệp trong PCI không tăng điểm. UBND tỉnh đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam có một kế hoạch cụ thể nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI bằng việc rà soát, đánh giá thực tế tình hình khó khăn về vốn và nhu cầu vay vốn đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp. Tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng với doanh nghiệp, gia tăng chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để cải thiện và minh bạch hóa thông tin tín dụng. Một giám đốc ngân hàng thương mại (không muốn nêu tên) cho rằng ngân hàng đã thực hiện điều này trong suốt thời gian hoạt động của mình. Ngân hàng đi vay để cho vay. Họ không thể tồn tại nếu huy động lớn mà không cho vay được. Họ sẵn sàng mở rộng tín dụng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh đi đôi với sự an toàn và hiệu quả của đồng vốn. Sẽ có thêm nhiều chương trình kết nối, đối thoại giữa ngân hàng - doanh nghiệp được mở, nhưng sự thận trọng của ngân hàng là không thừa khi dè dặt đẩy vốn vay không tài sản bảo đảm, bởi trách nhiệm cuối cùng (kể cả luật pháp) đối với các khoản vay thuộc về cán bộ tín dụng.

Một điều dễ thấy, không một chính quyền địa phương nào có thể buộc ngân hàng mở hầu bao nếu việc cho vay ảnh hưởng an toàn hệ thống. Tại sao không thể đặt câu hỏi là vốn vay chỉ là một trong những “điều kiện cần” và “điều kiện đủ” chính là doanh nghiệp phải tự kiểm tra, đánh giá và tìm câu trả lời cho bộ máy, nhân lực, sản phẩm có được thị trường chấp nhận hay cần cải tiến sản xuất, kinh doanh hoặc tìm hiểu xem tài chính đã được phân bổ hợp lý chưa? Doanh nghiệp khó tiếp cận vốn là do không thể đáp ứng các tiêu chí theo quy định của ngân hàng, có nợ xấu hay không đủ tài sản thế chấp… Vì vậy, giới ngân hàng cũng đòi hỏi doanh nghiệp phải tự soi mình. Dòng vốn có được khơi thông hay không, không hoàn toàn do giới ngân hàng quyết định mà phụ thuộc rất lớn vào các định hướng vĩ mô, chiến lược cạnh tranh của nền kinh tế và sự phối hợp các chính sách tài khóa, hỗ trợ doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp tạo được niềm tin thì ngân hàng sẵn sàng cho vay, sẽ không khó để với tay đến được những gói tín dụng giá rẻ, kể cả tín chấp!

TRỊNH DŨNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO