Kết nối những làng nghề

LÊ QUÂN - GIA KHANG 16/08/2018 02:56

Mỗi dịp lễ hội là thời cơ để địa phương tổ chức quảng bá sản phẩm làng nghề đặc trưng, và “Những ngày văn hóa Nhật Bản tại Quảng Nam” (diễn ra từ 17 đến 19.8) mở ra nhiều hy vọng về thị trường cho sản phẩm các làng nghề của tỉnh.

Các sản phẩm của làng nghề truyền thống mộc Kim Bồng sẽ tham gia trưng bày tại không gian “Những ngày văn hóa Nhật Bản tại Quảng Nam”.  Ảnh: LÊ LỘC
Các sản phẩm của làng nghề truyền thống mộc Kim Bồng sẽ tham gia trưng bày tại không gian “Những ngày văn hóa Nhật Bản tại Quảng Nam”. Ảnh: LÊ LỘC

Lần lễ hội này, Quảng Nam lựa chọn những sản phẩm truyền thống, thủ công mỹ nghệ đặc sắc nhất để cùng làm nên sự đa dạng, phong phú, cuốn hút cho sự kiện “Những ngày văn hóa Nhật Bản tại Quảng Nam” và “Giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản”. Đây cũng được xem là phương cách để kết nối các làng nghề của xứ Quảng với một số làng nghề trong cả nước và những cơ sở sản xuất thủ công truyền thống của Nhật Bản. Chưa kể, việc trưng bày các sản phẩm thủ công mỹ nghệ được xem như một cách truyền thông, quảng bá cho sản phẩm làng nghề đến với đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Quảng bá sản phẩm

Ông Hoàng Châu Sinh - Phó Chủ tịch Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Quảng Nam cho biết, việc dựng nên các gian hàng trưng bày hàng thủ công mỹ nghệ tiêu biểu và giao lưu giữa các làng nghề truyền thống Quảng Nam, Hà Nội, Điện Biên, Đồng Tháp… nhằm góp phần quảng bá sản phẩm và hình ảnh các làng nghề truyền thống của tỉnh Quảng Nam, vừa tạo cơ hội giao lưu, kết nối hợp tác với làng nghề truyền thống của các địa phương khác trong nước. Đây cũng là dịp giới thiệu với du khách trong và ngoài nước về các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tiêu biểu của Quảng Nam, đặc biệt là các làng nghề ở Hội An. “Chúng tôi muốn tạo sân chơi giao lưu, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm của nghệ nhân các làng nghề truyền thống ở Quảng Nam và Hà Nội. Từ đó, thúc đẩy phát triển và tìm đầu ra cho các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, góp phần tăng thu nhập cho người dân” - ông Hoàng Châu Sinh nói.

Ngoài ra, không gian làng nghề cũng là cách để thể hiện kết quả đạt được của dự án “Phát triển kênh bán hàng thông qua liên kết giữa địa phương với sản phẩm và du lịch - Mở rộng sản xuất rau an toàn và phát triển sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống” do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và thành phố Minamiboso - Nhật Bản tài trợ cho tỉnh Quảng Nam và các địa phương trong thời gian qua. “Chúng tôi mong muốn thông qua sự kiện “Những ngày văn hóa Nhật Bản tại Quảng Nam”, kết quả của dự án sẽ được thể hiện thông qua những sản phẩm truyền thống địa phương trưng bày ở các gian hàng. Nghệ nhân và nông dân là hai đối tượng JICA mong được trợ lực để họ thích ứng với các sức ép từ tốc độ phát triển của thị trường” - ông Fumio Kato, Trưởng dự án JICA tại Quảng Nam cho biết. Dự án này đã hỗ trợ thành lập và đưa vào hoạt động cửa hàng rau an toàn của Hợp tác xã Mỹ Hưng tại Đà Nẵng, đồng thời đưa vào hoạt động cửa hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống thứ hai của các nghệ nhân, làng nghề Quảng Nam tại Làng lụa Hội An, cửa hàng mỹ nghệ trước đó đã được hoạt động tại 35 Nguyễn Thái Học, Hội An. Cũng trong không gian trưng bày, các sản phẩm nghề truyền thống từ Hà Nội, Điện Biên, Đồng Tháp sẽ “lên hệ” cùng với các tinh hoa làng nghề Quảng.

Đặc sắc làng nghề xứ Quảng

Với các sản phẩm từ đèn lồng, tranh tre dừa, mộc mỹ nghệ của Hội An đến sản phẩm đất nung của cơ sở Lê Đức Hạ (Điện Bàn), lụa Mã Châu (Duy Xuyên), thổ cẩm Zara (Nam Giang), các gian hàng của làng nghề Quảng Nam hứa hẹn sẽ tạo nên điểm nhấn trong không gian ngày hội. Có 10 nhóm sản phẩm làng nghề truyền thống của Quảng Nam và Nhật Bản như tơ lụa, thổ cẩm, vật lưu niệm, mỹ phẩm, vật dụng bằng giấy, khăn choàng cổ, áo lụa tơ tằm Quảng Nam, mỹ phẩm được làm từ cây trái dâu tằm hay từ quả biwa của Nhật Bản… lâu nay được trưng bày giới thiệu tại Cửa hàng thủ công mỹ nghệ tiêu biểu Quảng Nam - Việt Nam ở Làng lụa Hội An cũng sẽ tham gia trưng bày tại Không gian nghề truyền thống.

Nghệ nhân làng dệt thổ cẩm Zara Nguyễn Thị Kim Lan cho biết, tham gia ngày hội lần này, nghệ nhân của làng sẽ trình diễn nghề dệt ngay tại không gian Vườn tượng An Hội - nơi đặt các gian hàng làng nghề. “Việc tham gia trình nghề và trưng bày sản phẩm hy vọng sẽ góp phần mở thêm đầu ra cho thổ cẩm của đồng bào Cơ Tu. Lâu nay chúng tôi luôn gặp khó ở khâu tiêu thụ sản phẩm” - nghệ nhân Nguyễn Thị Kim Lan chia sẻ. Còn với Nghệ nhân nhân dân Huỳnh Ri - làng nghề mộc Kim Bồng, việc tham gia trưng bày tại lễ hội là dịp để ông cảm ơn những người Nhật đã luôn đồng hành với các làng nghề truyền thống của Hội An, đồng thời giới thiệu những tinh hoa đặc sắc của các nghệ nhân nghề mộc Kim Bồng.

Hiện tại, hơn 20 nghệ nhân bao gồm 8 nghệ nhân của các làng nghề truyền thống Quảng Nam và nghệ nhân từ Hà Nội, Điện Biên, Đồng Tháp đang khẩn trương chuẩn bị cho các gian hàng của mình trở nên hấp dẫn, thu hút du khách… Một không gian để những cuộc gặp gỡ, trao đổi và kết nối giữa những người làm nghề  và gìn giữ bản sắc, tinh hoa của mỗi vùng đất, đang được trông đợi…

LÊ QUÂN - GIA KHANG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kết nối những làng nghề
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO