Lấy nhân ái làm sợi chỉ kết nối yêu thương, gần 7 năm qua, Câu lạc bộ (CLB) Kết nối tình thương Đà Nẵng là nơi hội tụ những bạn trẻ cùng chung tấm lòng sẻ chia, thực hiện nhiều chương trình hướng về cộng đồng.
Sẻ chia
Ra đời từ tháng 9.2013, ban đầu CLB Kết nối tình thương chỉ có khoảng hơn chục người, nhưng đến nay đã tập hợp được 30 thành viên chính thức và hơn 700 thành viên không thường xuyên tham gia, phần lớn là các bạn trẻ từ 20 - 35 tuổi, trong đó hơn 50% là học sinh, sinh viên.
Theo anh Lê Quốc Huy - Chủ nhiệm CLB, thành viên CLB nhiều độ tuổi và công việc khác nhau, do đó để thuận tiện hoạt động, CLB thường tổ chức họp online triển khai công việc, chỉ tập trung khi có những hoạt động lớn cần thiết. Đặc biệt, hầu hết thành viên phải thường xuyên tìm hiểu, nắm tình hình xác minh các hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn ốm đau bệnh tật để đề xuất CLB chung tay giúp đỡ.
Tại các xã vùng cao huyện Nam Trà My, đều đặn hàng năm CLB đều tổ chức nhiều hoạt động như “Tiếp sức đến trường”, “Trung thu cho em”, “Xuân yêu thương”, “Nụ cười sẻ chia”... Thông qua những chuyến đi như vậy, các thành viên CLB không chỉ giao lưu, thăm hỏi, mang những phần quà sách vở, nhu yếu phẩm trao tặng cho người dân và trẻ em nơi đây mà còn động viên họ thêm nghị lực vượt qua khó khăn trong cuộc sống.
Sau 7 năm đi vào hoạt động, CLB đã trao tặng hàng nghìn suất quà cho các hộ gia đình khó khăn; nhiều suất học bổng cho học sinh; nấu hàng trăm suất ăn miễn phí trao tận tay bệnh nhân nghèo tại các bệnh viện… Hiệu quả của việc làm này đã góp phần lan tỏa những điều tích cực, tốt đẹp trong xã hội. Bằng chứng là ngoài nguồn quỹ tự đóng góp, nhiều nhà hảo tâm, bạn bè, người thân và các tổ chức từ thiện đã cùng chung tay góp sức cho CLB, hiện tại nguồn kinh phí hoạt động từ thiện của CLB đã lên đến 200 triệu đồng/năm.
Níu con chữ vùng cao
Gần 3 năm nay, sau giờ đứng lớp các cô giáo của điểm trường nóc ông Ngọc (xã Trà Dơn, Nam Trà My) lại tranh thủ đi chợ, nấu bữa ăn trưa cho học trò của mình. Điểm trường này có tất cả 35 học sinh độ tuổi mẫu giáo, lớp 1 và lớp 2, mỗi tuần sẽ học bán trú hai ngày vào thứ Ba và thứ Năm. Với địa hình đồi núi hiểm trở, hành trình đến trường của các em rất gian nan, hầu hết các em đi học phải mang theo cặp lồng cơm trắng, mì tôm đến lớp ăn vội giữa buổi hoặc trở về nhà ăn trưa và không quay trở lại học buổi chiều.
Năm 2017, từ những chuyến đi thực tế đến lớp học, CLB đã vận động xây dựng quỹ “Dinh dưỡng học đường” và triển khai chương trình “Bữa ăn có thịt” cho 35 học sinh tại điểm trường. Hàng tuần, sẽ có 2 bữa cơm trưa vào thứ Ba và thứ Năm khi các em có lịch học bán trú, mỗi suất ăn trị giá 12 nghìn đồng trong suốt năm học.
Cô Nguyễn Thị Thanh Tâm (giáo viên điểm trường) cho biết : “Ngày nào có nấu ăn là các cô phải chia nhau đi bộ xuống mấy con dốc để đi chợ, mua rau, thịt, cá... về chuẩn bị bữa ăn đủ chất cho học trò. Đối với học trò, mỗi món ăn, chén cơm là cả tình thương, sự quan tâm. Từ lúc có bữa cơm bán trú tại trường, tỷ lệ học sinh bỏ học buổi chiều cũng giảm đi hẳn”.
Cứ thế, sau buổi học sáng của những ngày học bán trú, các em học sinh ngồi ngay ngắn chờ phát những phần ăn, hôm thì được ăn cơm với canh bí đỏ hầm xương, hôm thì cơm với thịt kho... Những bữa cơm đầy đủ dinh dưỡng do các cô giáo đứng bếp, không chỉ giúp học trò ra lớp đầy đủ, mà cả tình thương gửi gắm.
“Thời điểm sau dịch Covid-19, giá thực phẩm tăng chóng mặt gây không ít khó khăn trong việc nấu ăn cho các em. Từ năm học sắp đến các em sẽ học bán trú cả tuần, CLB đang cố gắng vận động thêm quỹ và hỗ trợ để các em được ăn bán trú đầy đủ các buổi học” - anh Huy chia sẻ.
Bằng sự tận tâm và uy tín của mình, anh Lê Quốc Huy và các bạn trẻ của CLB Kết nối tình thương Đà Nẵng mong sao ngày càng thu hút được sự quan tâm ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, sự đồng hành của những tấm lòng thiện nguyện để có điều kiện giúp đỡ nhiều hơn những trường hợp khó khăn. Từ sự san sẻ yêu thương ấy góp phần tạo động lực giúp họ vươn lên trong cuộc sống.