Kết nối yêu thương

PHAN VINH - ĐĂNG NGUYÊN 21/06/2018 11:34

Sau chặng đường 4 năm kể từ ngày phát sóng đầu tiên, chương trình truyền hình nhân đạo thực tế “Kết nối những mảnh đời - Kết nối ước mơ” của Đài Phát thanh - truyền hình Quảng Nam (QRT) đã để lại dấu ấn trong lòng người xem.

Các phóng viên ê-kíp chương trình thực hiện một cảnh quay ngay tại giường bệnh nhân. Ảnh: P.H
Các phóng viên ê-kíp chương trình thực hiện một cảnh quay ngay tại giường bệnh nhân. Ảnh: P.H

Nhiều xúc cảm

Là chương trình truyền hình nhân đạo thực tế đầu tiên của QRT, sau mỗi lần phát sóng, “Kết nối những mảnh đời - Kết nối ước mơ” đã nhanh chóng tạo được sự tương tác với người xem đài. Phóng viên Lữ Phúc Hoàng, người có vai trò chính trong ê-kíp thực hiện chương trình chia sẻ, từ số đầu tiên (tháng 1.2014) được phát sóng đến nay, ê-kíp chương trình vẫn do 3 phóng viên đảm nhận thực hiện. “Nhân lực ít nên anh em phải tranh thủ thời gian và dồn sức thật nhiều để hoàn thành công việc” - anh Hoàng tâm sự. Anh Hoàng cũng là người mang về nguồn tài trợ chính cho chương trình. Anh nói, đó là cái duyên, sau cuộc gặp và làm việc với Công ty CP Thương mại dược - sâm Ngọc Linh. Hàng tháng, thông qua nhiều kênh khác nhau, anh Hoàng tìm kiếm, lựa chọn những mảnh đời phù hợp với các tiêu chí trong format chương trình: nghèo - bệnh tật - có tương lai, để triển khai thực hiện. Tuy nhiên, theo anh Hoàng, không phải số nào cũng suôn sẻ như ý muốn. Do anh em trong ê-kíp đều có công việc riêng khác nhau nên khó tập hợp trong một thời điểm thuận lợi. Có khi lên lịch xong, chỉ cần một người bận việc khác nên mọi thứ phải hoãn lại, thậm chí phải thuê người ngoài quay để đảm bảo chương trình.

Chuyên mục truyền hình này được ví như chiếc cầu nối giữa những mảnh đời bất hạnh, học sinh nghèo hiếu học với các mạnh thường quân từ các hội, đoàn thể, đơn vị, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, mở ra cơ hội để họ vươn lên trong cuộc sống. Chúng tôi rất mừng là ngay từ đầu phát sóng số đầu tiên đến nay đã hơn 4 năm nhưng hầu như số nào lãnh đạo Công ty CP Thương mại dược - sâm Ngọc Linh cũng đều cử cán bộ lãnh đạo tham gia và hỗ trợ nhân vật.

Từ khi sóng QRT được phát trên vệ tinh Vinasat 2, các chương trình truyền hình từ xứ Quảng được lan tỏa đến các vùng miền trên cả nước nói chung. Riêng chuyên mục “Kết nối những mảnh đời”, phát sóng vào lúc 19 giờ 45 phút tối thứ Bảy của tuần cuối cùng trong tháng cũng được bà con miền Tây, miền Đông Nam Bộ dõi theo khá nhiều. Đơn cử như trong tháng 5.2018 vừa rồi, trong số khán giả gọi về đài ủng hộ chương trình, có trường hợp ở tỉnh An Giang, Bình Dương đồng cảm muốn tìm cách kết nối và giúp đỡ nhân vật”.
(Ông Mai Văn Tư - Giám đốc Đài PT-TH Quảng Nam)

Sau hơn 50 số phát sóng, số tiền huy động được từ các đơn vị, nhà hảo tâm trao cho các nhân vật đến nay hơn 1,5 tỷ đồng. Vì thế, đã giúp được nhiều hoàn cảnh khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. MC Kim Quảng tâm sự, những số đầu tiên của trương trình, chị làm nhiệm vụ “đọc chìm” lời bình nên chưa tiếp xúc trực tiếp nhiều với nhân vật. Sau này, khi được chọn làm MC chính, chị nói mình vẫn phải kiềm chế cảm xúc bởi khuynh hướng của chương trình là không dùng nước mắt để đổi lấy sự cảm thông từ khán giả. “Tuy nhiên, vẫn có nhiều hoàn cảnh, nhiều trường hợp, lúc không lọt vào máy quay tôi cũng thấy khóe mắt cay cay. Mỗi hoàn cảnh đều để lại kỷ niệm khác nhau nhưng tôi ấn tượng nhất là lần cùng bán xôi với nhân vật, một người vợ phải làm lụng, bươn chải để nuôi chồng bị bệnh tâm thần... Lúc đó, tôi thật sự đồng cảm với chị” - MC Kim Quảng chia sẻ.

Kỳ vọng

Tính đến nay, mỗi trường hợp, hoàn cảnh mà chương trình thực hiện đều được mạnh thường quân trao khoản tiền hỗ trợ trung bình gần 30 triệu đồng, có trường hợp đến 70 triệu đồng. Điều đặc biệt của chương trình là nhân vật không hề biết trước mình sẽ được nhận số tiền trên cho đến khi chương trình sắp kết thúc. Có nhiều người cả cuộc đời buôn gánh bán bưng chưa bao giờ được sờ tay vào số tiền lớn như vậy nên bật khóc trên sóng truyền hình. Anh Hoàng kể: “Có lần đi tiền trạm, tiếp xúc với hoàn cảnh rất khó khăn do mắc căn bệnh nan y nhưng chương trình không thể kết nối họ với mạnh thường quân vì không đáp ứng được tiêu chí “có tương lai”. Điều đó khiến chúng tôi rất trăn trở”.

Đến nay, chương trình đã đi đến được hầu hết 18/18 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Anh Hoàng cho hay, ấn tượng nhất đối với anh là lần kết nối với cô giáo Nguyễn Thị Hồng, quê Đại Lộc nhưng đang giảng dạy ở nóc Ông Ngọc (thôn 1, xã Trà Dơn, huyện Nam Trà My). “Đây là trường hợp rất đặc biệt, bởi qua sự giới thiệu của UBND huyện Nam Trà My và chúng tôi không thực hiện đi tiền trạm. Mọi thứ đều mới mẻ với toàn bộ ê-kíp và nhà hảo tâm đi cùng. Chúng tôi phải leo núi với đoạn đường hơn 5km trong gần 3 giờ đồng hồ mới lên được điểm trường của cô giáo Hồng. Tất nhiên, cách xa trung tâm huyện nên điều kiện tác nghiệp của chúng tôi lúc đó hết sức chật vật. Trong tiết trời vừa mưa, vừa lạnh mà phải làm nhiều việc nên mọi thứ rất khó khăn. Vì thế, khi xong việc, mọi người thở phào và cảm thấy hạnh phúc vì đã làm được một việc ý nghĩa” - anh Hoàng bộc bạch.

PHAN VINH - ĐĂNG NGUYÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kết nối yêu thương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO