Dịp Tết Độc lập năm nay nhiều địa phương trong nước vẫn phải căng mình chống dịch Covid. Mùa thu chùng chình qua ngõ, trầm nốt lặng giữa thinh không.
Đây chính là lúc mà vận mệnh sinh tồn dân tộc được đặt ra không kém phần bức bách như 76 năm trước sau lễ mừng Độc lập, Việt Nam cũng phải chống chọi “thù trong giặc ngoài” gieo rắc tai ương.
Bây giờ giặc ngoại xâm không mang đến nước ta một đội quân đông như thực dân Pháp và quân phiệt Tàu Tưởng hồi 1945-1946, nhưng thế lực muốn bành trướng vẫn rập rình Biển Đông, ngang nhiên chiếm cứ một số vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Bây giờ lại thêm dịch Covid, cũng như “giặc ngoại xâm”, đã lan vào hang cùng ngõ hẻm, làm thiệt hại tính mạng đồng bào và khiến nền kinh tế điêu đứng. Hàng triệu người nhiễm bệnh, hàng ngàn người đã vĩnh viễn rời xa nhân thế, bao lao động mất việc làm, bao doanh nghiệp lao đao...
Bây giờ, giữa lúc đất nước rối ren, những thế lực hắc ám lại ào ạt kích động để phân tâm, phân ly lòng người. “Thù trong” chính là những kẻ gây rối làm lung lạc nhân tâm, phân rã sự đoàn kết chống dịch của chính quyền và người dân. “Thù trong” cũng chính là những kẻ liên tục tìm cách phỉ báng nỗ lực của Việt Nam muốn hợp tác làm bạn với quốc tế trên cơ sở của LỜI THỀ ĐỘC LẬP.
Lời thề độc lập là lời thề thiêng liêng trong Tuyên ngôn khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: “Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do độc lập, và sự thực đã trở thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.
Để “giữ vững quyền tự do và độc lập”, dân tộc ta đã trường kỳ kháng chiến chống những kẻ thù xâm lược từ phương Tây và phương Bắc. Thời hội nhập toàn cầu hóa, dù khái niệm độc lập có bổ sung nội dung yếu tố mới nhưng căn bản câu chuyện bảo vệ an ninh quốc gia và cuộc sống nhân dân vẫn đang là thời sự, thách thức bản lĩnh Việt Nam.
Muốn chiến thắng “thù trong giặc ngoài”, kể cả vượt qua đại dịch thế kỷ, đều cốt yếu là phải phát huy lòng yêu nước và đại đoàn kết toàn dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khái quát một cốt tính tiêu biểu của Việt Nam là “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”.
Kết thành làn sóng mạnh mẽ, to lớn bằng sự đoàn kết, quyết tâm thực hiện cho bằng được khát vọng của dân tộc: “Độc lập – Tự do - Hạnh phúc”. Đó không chỉ là tiêu ngữ đẹp đẽ dưới quốc hiệu mà chính là đích đến của mọi cuộc cách mạng triệt để. “Khát vọng vươn lên phía trước, đó là mục đích của cuộc sống” (Gorki).
Vậy nên hãy giữ một niềm tin và năng lượng tích cực vào việc tiếp tục thực hiện lời thề độc lập mang ý nghĩa mới là làm cho “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.
Vào mùa thu Cách mạng tháng Tám, ở thời điểm Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập, đất nước có khoảng 13 triệu người đang đói kiệt cùng, mà cả dân tộc vẫn đoàn kết để chống được giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Vậy thì giờ đây, với thế và lực của quốc gia có cả trăm triệu dân, cơ đồ kinh tế và thu nhập thuộc hàng trung bình thế giới, quan hệ quốc tế rộng mở, lẽ nào Việt Nam không tìm được sinh lộ an toàn?
Trước mắt là bằng tinh thần yêu nước nồng nàn, kết thành một làn sóng của cả dân tộc để đẩy lùi dịch bệnh Covid, phục hồi kinh tế đời sống với trạng thái “bình thường mới”.
Trước mắt, trong thời khắc đặc biệt của lịch sử đất nước như đang trong “thời chiến” – chống dịch như chống giặc, hãy kết thành làn sóng mạnh mẽ của tình yêu thương san sẻ với nghĩa đồng bào, để nhấn chìm mọi toan tính gây chia rẽ, phân ly.
Trước mắt, “vùng đất mở của trời nam Tổ quốc” đang đứng đầu sóng ngọn gió trong cuộc chiến chống dịch này, cần nắm chặt tay nhau triệu người như một!
Và không chỉ trước mắt mà cả lâu dài, phát huy được lòng yêu nước nồng nàn của dân tộc sẽ quyết định con đường sinh tồn và phát triển của Tổ quốc Việt Nam.