Kêu gọi đầu tư vào Sê Kông

TRỊNH DŨNG 27/07/2018 08:55

Hôm qua 26.7, chính quyền tỉnh Sê Kông (Lào) mở hội nghị xúc tiến, kêu gọi đầu tư tại Tam Kỳ. Tại đây, lãnh đạo tỉnh Sê Kông cho biết, sẽ ưu tiên quỹ đất, sẵn sàng mời gọi các doanh nghiệp đến địa phương nghiên cứu, mở rộng các dự án đầu tư ưu tiên vào nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, năng lượng, du lịch dịch vụ.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: T.DŨNG
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: T.DŨNG

Tham dự hội nghị có Bí thư - Tỉnh trưởng Sê Kông Khăm-Phởi-Bút-Đa-Viêng; Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang; Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cùng đại diện nhiều ban ngành, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Tiềm lực chưa được đánh thức

Sê Kông sở hữu những cánh rừng bạt ngàn nguyên sinh, thác nước hùng vĩ, đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa. Vùng đất này có đủ diện tích đất sản xuất phù hợp phát triển trồng trọt, chăn nuôi như cà phê, hạnh nhân, các loại rau, cây nông nghiệp, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây thuốc nam, các loại hoa; phù hợp trồng cỏ nuôi bò, trâu ngựa, dê, gia cầm và nuôi cá. Những con sông sẽ cung cấp đủ nước tưới, sản xuất điện, phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng… Ẩn trong lòng đất là tài nguyên khoáng sản (bô xít, than đá, sắt, vàng…). Từ khu vực này có thể kết nối Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Kon Tum thông qua quốc lộ 16B, cửa ngõ nối vùng kinh tế trọng điểm hành lang kinh tế Đông – Tây với các tỉnh Nam Lào và các tỉnh Tây Nguyên đi qua cửa khẩu chính Đắc Tà Oọc - Nam Giang. Nhưng những giá trị đó hiện vẫn chưa được khám phá, khai thác và rất ít du khách, nhà đầu tư tiếp cận. Sê Kông hiện vẫn nghèo trên “đống vàng” khi thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 12,64 triệu kíp (tương đương 1.580USD/năm).

Chính quyền Sê Kông rất nóng lòng kêu gọi đầu tư, đưa ra nhiều ưu đãi, nhờ ngoại lực khai phóng vùng đất đầy tiềm năng này nhưng thực tế chưa như ý muốn. Giám đốc Sở KH&ĐT Sê Kông Thong-Khăm-Mạ-ni-vông cho biết, 12 năm qua, địa phương đã thu hút 86 dự án (55 dự án đầu tư nội địa và 31 dự án đầu tư nước ngoài) với tổng giá trị khoảng 1,6 tỷ USD. Chủ yếu là các dự án đầu tư sản xuất điện năng (44 dự án) với tổng giá trị hơn 1,2 tỷ USD, 24 dự án nông nghiệp (190 triệu USD) và 18 dự án khảo sát, thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản. Các dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam chiếm đến 19/31 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư 456,71 triệu USD, bao gồm 13 dự án nông nghiệp, 4 dự án khoáng sản và 2 dự án năng lượng điện.

Bí thư - Tỉnh trưởng Sê Kông Khăm-Phởi-Bút-Đa-Viêng cho biết, sẽ ưu tiên quỹ đất và các điều kiện khác, sẵn sàng hợp tác đến mức thông thoáng nhất để doanh nghiệp đầu tư vùng nguyên liệu cây công nghiệp, cây lương thực có giá trị đầu tư cao hoặc đầu tư thủy điện, khai khoáng, khai thác chế biến gỗ và hàng thủ công mỹ nghệ… Nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, năng lượng, du lịch, dịch vụ là những ngành sẽ ưu tiên thu hút đầu tư. “Sê Kông phải hoàn toàn thoát nghèo vào năm 2025. Không còn con đường nào khác là phải phát triển du lịch, dịch vụ, thương mại, đầu tư hiệu quả gắn phát triển xã hội theo tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây qua cửa khẩu Đắc Tà Oọc - Nam Giang. Những dự án này sẽ tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần giảm nghèo và chuyển giao kỹ năng sử dụng kỹ thuật hiện đại vào quá trình sản xuất” - ông Khăm-Phởi-Bút-Đa-Viêng nói.

Tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư

Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho biết, hội nghị này sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam có những thông tin đầy đủ về chủ trương, chính sách, tiềm năng, lợi thế, những lĩnh vực, danh mục dự án ưu tiên thu hút đầu tư vào Sê Kông. Hy vọng sau hội nghị này sẽ có nhiều doanh nghiệp Quảng Nam, Việt Nam sang tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư tại Sê Kông. “Quảng Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với Sê Kông, sớm đề nghị Chính phủ hai nước cho phép nâng cửa khẩu Nam Giang - Đắc Tà Oọc lên cửa khẩu quốc tế trong năm 2018. Quảng Nam sẽ luôn hỗ trợ Sê Kông trong việc kêu gọi các doanh nghiệp của Quảng Nam, Việt Nam sang đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp hai tỉnh hợp tác đầu tư, kinh doanh tại mỗi tỉnh” - ông Thu nói.

Ông Trần Sỹ Thịnh - Chủ tịch HĐQT Công ty Mê Kông, FF Organic cho hay sau 6 năm đầu tư vào Sê Kông, doanh nghiệp này đã mở rộng hai nhà máy có thể thu mua và xử lý sấy bắp thương phẩm 200 tấn/ngày, xây dựng trang trại nuôi bò giống Úc, dựng nhà máy chế biến sữa, phát triển các dự án nông nghiệp hữu cơ, chế xuất đầu tư trên lĩnh vực Organic (thực phẩm hữu cơ phải thu từ nguồn sản xuất không sử dụng bất kỳ hóa chất nào), như nhà máy đường Organic. Ông Thịnh nói sở dĩ chọn Sê Kông đầu tư bởi đất đai nơi đây màu mỡ, khí hậu ôn hòa, có nhiều tài nguyên, hệ thống thủy lợi tốt đến tận các bản làng, đủ điều kiện phát triển nông nghiệp sạch. Dân chúng khu vực này chưa sử dụng bất kỳ loại thuốc trừ sâu, trừ cỏ hay phân hóa học nào. Đó là lợi thế về môi trường, đất đai, không khí, nguồn nước, những yếu tố tạo nên một nền nông nghiệp sạch mới bắt đầu phôi thai tại Sê Kông - một điều mà doanh nghiệp Việt Nam cũng khó tìm thấy để làm ăn trên đất Việt Nam. Không chỉ tài nguyên, theo ông Thịnh, chính quyền, cơ quan quản lý luôn ủng hộ nhà đầu tư, cùng doanh nghiệp khuyến nông đến tận bản làng. “Chính điều này đã tạo nên sức mạnh, niềm tin cho doanh nghiệp tiếp tục mở rộng đầu tư. Đầu tư nước ngoài nhưng môi trường làm việc như ở nhà mình thì có gì bằng. Doanh nghiệp tự tin con đường đã chọn và Sê Kông sẽ là một điểm đến đầu tư hấp dẫn” - ông Thịnh nói.

Thách thức lớn nhất các nhà đầu tư sẽ phải đối mặt khi đầu tư vào Sê Kông chính là bom đạn trong chiến tranh còn sót lại nhiều trên các mảnh rừng, sông suối. Nhà đầu tư cần phải có đủ thời gian và sự kiên nhẫn lẫn tài chính để có thể cùng chính quyền địa phương rà phá, thu gom bom mìn mới có thể có nhiều đất sạch để đầu tư. Ngoài ra, giao thông tỉnh này phần lớn là đường đất, thiếu điện vùng sâu, vùng xa, nhân lực yếu và thiếu. Một doanh nghiệp kinh doanh thịt bò Quảng Ngãi  hỏi không biết địa phương có đủ nguồn nguyên liệu để đầu tư một nhà máy chế biến thịt bò hay không? Một doanh nghiệp khác ở Quảng Nam cho hay khó có thể đầu tư vào khu công nghiệp hay cụm công nghiệp tại tỉnh này khi chính quyền Sê Kông  xác nhận chỉ mới quy hoạch một khu công nghiệp 300ha tại Đắc Chưng, nhưng chưa hề có sự đầu tư nào về hạ tầng.

Một trở ngại nữa là cơ chế. Ông Đỗ Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Đà Nẵng than phiền hiện vẫn còn nhiều trở ngại trong việc quá cảnh liên vận hàng hóa sang các cửa khẩu Lào - Thái Lan vì thiếu thiết bị cầu hàng và trở ngại từ tay lái nghịch. TS.Lê Đức Tánh - Chủ tịch HĐQT Công ty Helen Care cho rằng doanh nghiệp đã gặp khá nhiều rắc rối từ những thủ tục pháp lý khi đầu tư vì luật thay đổi thường xuyên.

Những ý kiến của doanh nghiệp đã được giải đáp. Bí thư - Tỉnh trưởng Sê Kông Khăm-Phởi-Bút-Đa-Viêng nói chính quyền đã nhìn thấy những khác biệt, nhược điểm của cơ chế, chính sách, từ vận chuyển hàng hóa đến quy hoạch đầu tư các cụm công nghiệp hay thủ tục đầu tư. Sẽ đề nghị Chính phủ Lào xem xét, giải quyết, đàm phán, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt sang đầu tư.

TRỊNH DŨNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kêu gọi đầu tư vào Sê Kông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO