Xuất phát từ nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, năm 2019 Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Núi Thành thực hiện mô hình sản xuất rau an toàn trong nhà lưới tại xã Tam Anh Bắc và bước đầu đem lại hiệu quả về nhiều mặt…
Mô hình được thực hiện trên vùng đất thịt nhẹ trong khu vườn nhà ông Nguyễn Văn Thanh (thôn Đức Bố 2, xã Tam Anh Bắc) với diện tích 700m2 và trồng dưa leo, bí đao, rau ăn lá các loại. Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Núi Thành đầu tư gần 84,9 triệu đồng để xây dựng nhà lưới, mụa giống, phân bón, đồng thời phối hợp với chủ hộ lắp đặt nhà lưới, hệ thống tưới phun và hướng dẫn kỹ thuật sản xuất rau sạch theo quy trình.
Hộ ông Nguyễn Văn Thanh đầu tư kinh phí đối ứng 150 triệu đồng để tổ chức sản xuất rau theo đúng quy trình hướng dẫn. Theo đó, đối với dưa leo F1 Tiểu Yến, ông Thanh gieo vào ngày 14.9.2019 và sau 39 ngày (ngày 23.10.2019) cho thu hoạch lứa quả đầu tiên với trọng lượng bình quân 0,2kg/quả; đối với giống bí đao F1 TN98, gieo vào ngày 21.8.2019 và sau 23 ngày (ngày 14.10.2019) cho thu hoạch lứa quả đầu với trọng lượng bình quân 1,35kg/quả. Mô hình còn trồng các loại cải xanh TN44, xà lách TN513 và xà lách tím bắt đầu từ ngày 25.9.2019; nay rau đang sinh trưởng phát triển tốt.
Ông Nguyễn Văn Thanh – chủ mô hình chia sẻ: “Trồng cây bí đao, dưa leo, rau các loại trong nhà lưới rất dễ làm, tôi không phải sử dụng thuốc trừ sâu, nhưng các loại cây trồng cho năng suất cao hơn hẳn so với trồng ở ngoài; mặt khác, mưa to cũng không sợ bị hư hại, có thể sản xuất rau trong cả mùa mưa. Điều cần chú ý là sản xuất rau trong nhà lưới phải dùng giống dưa leo tự thụ phấn, giống bí đao thụ phấn nhân tạo”.
Theo ông Thanh, trong thời gian dưa leo, bí đao ra hoa và cho quả cần phải tưới và tiêu nước hợp lý; chú ý bón thúc phân và phòng trừ sâu bệnh kịp thời; nếu không có phân chuồng hoai mục thì sử dụng phân hữu cơ vi sinh thay thế. Đối với các loại rau ăn quả, không bón đạm trong vòng 8 đến 10 ngày trước khi thu hoạch, không dùng phân tươi, chưa ủ hoai mục để bón cho các loại cải xanh, xà lách xanh, xà lách tím trong nhà lưới. Với sự tuân thủ đúng quy trình sản xuất theo hướng dẫn của Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp, mô hình sản xuất rau an toàn trong nhà lưới của ông Thanh đem lại hiệu quả đáng mừng.
Theo tính toán, năng suất dưa leo trong mô hình dự kiến đạt năng suất 1,5 tấn/sào, tổng thu hơn 12,2 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi gần 9 triệu đồng/sào; bí đao đạt năng suất 2,2 tấn/sào, tổng thu hơn 13,7 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi hơn 10,3 triệu đồng/sào.
Kỹ sư Trần Văn A - cán bộ Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Núi Thành nhận xét, mặc dù chi phí đầu tư cho sản xuất rau an toàn khá cao, nhưng lại cho thu nhập cao hơn so với sản xuất cây trồng khác trên cùng chân đất; đặc biệt bí đao có lãi hơn 10 triệu đồng/sào là rất cao và có thể dự trữ bán trong mùa mưa. Thực tế dưa leo trong mô hình đạt năng suất hơn 1,5 tấn/sào, bí đao 2,2 tấn/sào là mức khá cao so với sản xuất lâu nay tại địa phương. Cộng vào đó, mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới được sản xuất quanh năm, tăng hệ số quay vòng của đất sản xuất, hạn chế những bất lợi của thời tiết, sâu bệnh, đặc biệt là chủ động sản xuất rau trong vụ đông, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Kỹ sư Bùi Văn Gát - Trưởng phòng NN&PTNT kiêm Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Núi Thành cho biết, mô hình sản xuất rau an toàn trong nhà lưới thuộc mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao năm 2019, ứng dụng các kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu, là mô hình có quy mô lớn lần đầu được hỗ trợ sản xuất ở huyện Núi Thành. Từ hiệu quả đạt được của mô hình, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện đề nghị người trồng rau tăng cường đầu tư các công nghệ, kỹ thuật mới vào sản xuất, có ý thức, trách nhiệm, đạo đức trong sản xuất rau an toàn, rau sạch; liên kết sản xuất, học hỏi kinh nghiệm, hình thành tập quán sản xuất rau an toàn. Về phía huyện, dựa trên quy hoạch tổng thể của địa phương sẽ hình thành các vùng sản xuất rau an toàn, bền vững; nhân rộng mô hình sản xuất rau an toàn trong nhà lưới ra các địa phương khác, đồng thời xây dựng thương hiệu cho vùng sản xuất rau an toàn, rau sạch, rau hữu cơ.
“Chương trình hỗ trợ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao hiện nay, trong đó có sản xuất rau an toàn vừa có tính cấp bách, vừa có tính lâu dài vì môi trường, vì sức khỏe cộng đồng, đòi hỏi sự quan tâm hiệu quả hơn nữa của các cấp, các ngành và toàn xã hội nhằm góp phần xây dựng nền nông nghiệp sạch, bền vững mà nước ta đang cam kết thực hiện trong thời kỳ hội nhập quốc tế” - Kỹ sư Bùi Văn Gát nói.