Vụ sản xuất chính của ngư dân Quảng Nam (ngày 1.4 - 30.9) vừa kết thúc với kết quả khả quan, các nghề chủ lực thu được giá trị kinh tế cao.
Ngư dân mua đá cây, chuẩn bị vươn khơi, khai thác hải sản xa bờ. Ảnh: N.Q.V |
Ngư dân phấn khởi
Năm ngoái, sản lượng khai thác của nghề cá Quảng Nam đạt khoảng 80 nghìn tấn, nhưng theo số liệu thống kê của Sở NN&PTNT, chỉ riêng vụ cá chính năm nay đã đạt gần 70 nghìn tấn hải sản cho thấy năng lực sản xuất của ngư dân tăng vượt bậc. Tại cảng cá An Hòa (xã Tam Giang, Núi Thành), nhiều tàu câu mực khơi nối đuôi nhau cập bờ, bán hải sản trong những ngày qua. Ngư dân tụ tập nói cười, niềm vui rạng rỡ hiện rõ trên những gương mặt sạm đen vì nắng gió biển khơi. “Chưa bao giờ tôi được chia 55 triệu đồng chỉ sau một chuyến biển như lần này, quả là kỷ lục. Nghe chủ tàu nói, chỉ nghỉ ngơi qua loa thôi rồi lại bám biển. Mong chuyến câu mực khơi cuối cùng của năm tiếp tục thu được kết quả cao” - anh Lý Hữu Nho (thôn Đông An, xã Tam Giang, Núi Thành) nói. Ông Nguyễn Lúc - cán bộ phụ trách thủy sản của UBND xã Tam Giang cho biết, nhiều tàu câu mực khơi đạt sản lượng hơn 40 tấn mực khô/chuyến biển trong vụ sản xuất chính vừa qua. Tính chung, sản lượng của nghề câu mực khơi trong vụ cá chính đạt hơn 7 nghìn tấn. Giá mực xà lại tăng gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm trước. “Rất nhiều tàu đạt doanh thu 4 - 5 tỷ đồng sau chuyến biển 2 - 3 tháng. Hầu hết tàu câu mực khơi của xã đều có được những chuyến biển thành công trong vụ sản xuất chính này” - ông Lúc nói.
Ngư dân theo nghề khai thác hải sản chủ lực khác của Quảng Nam là chụp mực cũng thu được giá trị kinh tế cao sau mỗi chuyến biển trong vụ cá chính vừa qua. Ở vụ cá bắc và trong năm 2016 nói chung, với mỗi ký mực xà tươi thu được, ngư dân bán chỉ được 10 nghìn đồng thì ở vụ cá chính vừa qua đã tăng lên 25 nghìn đồng. “Mực xà ở các vùng biển xa rất nhiều mà nghề chụp mực mới được cải tiến lại tăng gông nên năng suất, sản lượng rất đạt. Tôi chọn chụp mực xà vì đầu ra ổn định, thương lái ký kết hợp đồng với tôi, thu mua để xuất khẩu sang Thái Lan, Trung Quốc. Nếu đầu tư hầm bảo quản đạt thì chất lượng mực sẽ tốt, ngư dân thu lợi khá cao” - anh Huỳnh Ngọc Huệ (thôn Hòa An, xã Tam Giang, Núi Thành) - chủ tàu vỏ thép QNa-91239 có công suất 803CV cho biết. Ở các chuyến biển trong vụ sản xuất chính vừa qua, anh Huệ thu được hàng trăm triệu đồng còn bạn biển được chia không dưới 10 triệu đồng sau mỗi chuyến biển. Nghề chụp mực ở tuyến lộng của ngư dân huyện Thăng Bình cũng rất đạt trong thời gian qua. Phần đông ngư dân chụp mực ống, mực lá, mực nái vì có giá trị rất cao, lên đến hơn 200 nghìn đồng/kg. Nhiều chủ tàu như Trần Công Mậu, Trần Công Tú (thôn Tân An, xã Bình Minh, Thăng Bình) thu được gần 100 triệu đồng sau chuyến biển 5 - 7 ngày.
Tiếp sức ngư dân
Thêm 60 tàu cá sản xuất xa bờ từ nguồn vốn ưu đãi Triển khai Nghị định 67/2014/NĐ-CP, đến thời điểm hiện nay, số tàu cá đã hoàn thành thi công, được cấp phép đi vào sản xuất là 60 chiếc, gồm 2 tàu nâng cấp, 58 tàu cá đóng mới (24 tàu vỏ gỗ, 32 tàu vỏ thép, 2 tàu composite). Số tàu cá đang còn thi công là 5 tàu vỏ thép, trong đó 3 tàu được đóng tại Công ty TNHH Thiên Hậu Phước (xã Tam Giang, Núi Thành), 1 tàu đang đóng tại Công ty TNHH Bảo Duy (TP.Đà Nẵng) và 1 tàu đang đóng tại TP.Hồ Chí Minh. Theo Sở NN&PTNT, tình trạng kỹ thuật của thân tàu, máy chính đẩy tàu của các tàu cá ổn định, không có tình trạng phải nằm bờ do hư hỏng. |
Trong quý II.2017, liên Sở NN&PTNT và Tài chính trình UBND tỉnh hỗ trợ đợt 2 cho 325 tàu cá của ngư dân Quảng Nam sản xuất trên các vùng biển xa với tổng kinh phí là 55,8 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí hỗ trợ chi phí nhiên liệu là 54.135 triệu đồng, hỗ trợ chi phí mua máy thông tin liên lạc là 1.708 triệu đồng. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ của ngư dân trong quý III.2017 đang được ngành chức năng tiếp nhận, tổng hợp để tổ chức thẩm định, xét duyệt, đề xuất UBND tỉnh giải ngân trong thời gian đến. “Sở NN&PTNT chỉ đạo Chi cục Thủy sản thường xuyên triển khai hướng dẫn cho ngư dân xây dựng hồ sơ đề nghị hỗ trợ theo quy định. Đồng thời theo dõi, vận hành trạm bờ của hệ thống thông tin liên lạc sóng HF tầm xa tích hợp thiết bị định vị GPS, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân xác nhận vị trí tàu cá, làm cơ sở cho việc xây dựng hồ sơ đề nghị hỗ trợ theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg của Chính phủ (Quyết định 48)” - ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nói. Ngoài ra, trong vòng 6 tháng qua, Sở NN&PTNT đã phối hợp với Bảo Việt chi nhánh Quảng Nam và UBND các huyện, thành phố, thị xã có nghề cá, tiếp tục triển khai hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên, bảo hiểm tàu cá, giúp ngư dân yên tâm bám biển. Trong tháng 8, Bảo Việt chi nhánh Quảng Nam đã bán phí bảo hiểm và đề nghị UBND tỉnh cấp trả bù với số tiền hơn 5,1 tỷ đồng.
Đến thời điểm này, số lượng tàu cá được UBND tỉnh phê duyệt đủ điều kiện tham gia hoạt động trên vùng biển xa là 506 chiếc. Tính chung trong những năm 2012 - 2016, triển khai thực hiện Quyết định 48, UBND tỉnh đã giải ngân hơn 234,3 tỷ đồng hỗ trợ ngư dân, trong đó hỗ trợ chi phí nhiên liệu hơn 224,5 tỷ đồng cho 3.276 chuyến biển của tàu cá. Hoạt động của Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Nam cũng đã tiếp sức, giúp ngư dân vay vốn không lãi suất để đóng tàu sản xuất xa bờ. Trong vụ cá chính, một số ngư dân tiếp cận chính sách hỗ trợ này. Tính chung sau 5 năm thực hiện, Quỹ hỗ trợ ngư dân đã cho 43 ngư dân vay 63,6 tỷ đồng đóng mới 43 tàu cá. Ngoài ra, quỹ thực hiện hỗ trợ sinh kế cho 1 chủ tàu cá bị tàu nước ngoài cướp phá với mức hỗ trợ 60 triệu đồng; hỗ trợ 1 tàu cá bị tàu nước ngoài đâm chìm với mức 34 triệu đồng.
NGUYỄN QUANG VIỆT