Khắc chữ vào đá

HỨA XUYÊN HUỲNH 24/09/2019 14:15

Có những tác phẩm thơ nhạc, kể cả giai thoại văn chương cứ “ăn sâu” vào trí nhớ và đôi khi dị bản lại có sức sống hơn cả nguyên tác… buộc người trong cuộc phải lên tiếng.

Phần nhạc và phần lời “Dạ cổ hoài lang” được khắc trên đá tại khu lưu niệm. Ảnh: H.X.H
Phần nhạc và phần lời “Dạ cổ hoài lang” được khắc trên đá tại khu lưu niệm. Ảnh: H.X.H

“Dị bản” kiếm

Tôi lẳng lặng chỉnh sửa nội dung status (dòng trạng thái) trên tài khoản Facebook cá nhân ghi lời bài “Dạ cổ hoài lang”, ngay khi đang đứng trước khu lưu niệm cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Cách đó vài giờ, trước quảng trường chính của tỉnh Bạc Liêu, nơi dựng biểu tượng đờn kìm nổi tiếng cách không xa nhà hát Cao Văn Lầu, tôi cao hứng “trích dẫn” hai câu đầu trong bài dạ cổ: “Từ là từ phu tướng/ Bảo kiếm sắc phong lên đàng…”.

Sửa, vì theo lời của hướng dẫn viên, tôi tình cờ biết mình rơi vào nhóm… sử dụng một trong 16 dị bản của bài hát danh tiếng này. Bản chính được thừa nhận: “Từ là từ phu tướng/ Báu kiếm sắc phán lên đàng”. Xem như câu thứ hai của bản dạ cổ tôi gõ sai đến hai chữ, báu/bảo và phán/phong. Bản gốc này không chỉ được chép in trang trọng tại gian trưng bày nơi có bức tượng sáp tỷ lệ 1:1 của cố nhạc sĩ, mà còn khắc trên tường phía sau tượng đài nhạc sĩ trong khu lưu niệm “Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu” ở TP.Bạc Liêu. Với bản khắc lên đá, mé ghi phần nhạc 20 câu, mé phải tương ứng 20 câu phần lời. Những dòng chữ này ghi rõ “theo Quyết định số 2257/QĐ-UBND ngày 17 tháng 9 năm 2010 của Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu”.

Bản nhạc 100 tuổi mới được “xác nhận bản thảo” sau hơn 90 năm kể từ ngày ra đời, đủ thấy dị bản là chuyện dễ xảy ra.

Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển cũng từng nhắc đến dị bản của “Dạ cổ hoài lang”. Ông dẫn lời giáo sư Trần Văn Khê trong một hội thảo cho rằng cách dùng từ ngữ của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu (báu kiếm) là… nửa Hán nửa Nôm. Vì nếu thuần Việt phải là “kiếm báu”, nếu Hán Việt là “bảo kiếm”. Nhạc sĩ gốc Quảng Vũ Đức Sao Biển, người ký âm bản “Dạ cổ hoài lang” theo cách xướng âm của thanh nhạc Tây phương, cũng từng đưa 5 câu (câu 7 đến câu 11) bài dạ cổ vào “Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang” ngọt ngào của mình. Chuyện này mọi người đã biết.

Thế đấy, đến chuyên gia âm nhạc mà còn thắc mắc, thì trách sao nhiều người không nghe “báu kiếm” thành “bảo kiếm” hoặc “kiếm báu”. Ngay thời điểm ra đời cũng còn nhiều cách lý giải, riêng tỉnh Bạc Liêu khẳng định bản “Dạ cổ hoài lang” ra đời đúng rằm tháng 8 âm lịch. Vì chẵn 100 năm, nên dịp Trung thu cách đây ít ngày, Bạc Liêu đã tổ chức lễ lớn cho “Dạ cổ hoài lang”.

Tác giả đòi… khắc lại thơ

Nhưng không phải chữ nào khắc vào đá đều đúng.

Ai có dịp vào viếng Thành cổ Quảng Trị hay xuôi dòng Thạch Hãn, thế nào cũng nghe nhắc đến bài thơ của cựu binh Lê Bá Dương, “Lời người bên sông”. Bài thơ quen thuộc có 4 câu: “Đò lên Thạch Hãn ơi… chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm”. Những câu thơ này được Cục Bản quyền tác giả (Bộ VH-TT-DL) cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả số 4633/2013/QTG, ký ngày 2.12.2013.

Tôi phải ghi cụ thể như vậy, để xác quyết rằng 4 câu thơ vừa dẫn là chính xác. Vì đã có những dị bản khác, được khắc và dựng trên bia đá ở đôi bờ Thạch Hãn, đều có thiếu sót, thậm chí cựu binh Lê Bá Dương còn phải lên tiếng đề nghị chỉnh sửa. Ngoài việc cả hai tấm bia không khắc tên tác giả, riêng tấm bia ở bờ nam sông Thạch Hãn có sai lệch so với chính bản. Thí dụ: Đò lên Thạch Hãn xin chèo nhẹ, Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm.

May cho người yêu thơ khi dị bản sớm được chính tác giả (trú tại Khánh Hòa) phát hiện. Phải chỉnh sửa, vì nói như cựu binh Lê Bá Dương, ông không muốn tiếp tục gây ra những hiểu lầm không đáng có. Bây giờ thì cả hai tấm bia đã được trả lại tên cho… thơ.

“Đốt tiền tù chết à!”

Giờ đây, khách đến thăm nhà Công tử Bạc Liêu (Trần Trinh Huy) có thể sẽ gặp con trai của công tử, ông Trần Trinh Đức. Ông Đức từng sa cơ đến nỗi phải chạy xe ôm mưu sinh ở TP.Hồ Chí Minh, sau được địa phương bố trí một chỗ ngồi trong biệt thự cũ. Ở đó, ông vừa làm nhân chứng, vừa bán sách viết về cha mình. Trong những cuốn sách ông bán, có truyện dài “Công tử Bạc Liêu” của nhà văn Nguyên Hùng. Cuối sách có kèm bài thuyết trình ngắn của chính ông Đức, trong đó muốn “đính chính” chút ít giai thoại về người cha.

Giai thoại thú vị nhất có lẽ là chuyện đốt tiền. “Đốt tiền” đi vào nhạc của Thanh Sơn (Nghe danh Công tử Bạc Liêu/ Đốt tiền nấu trứng tỏ ra mình giàu), nên càng gây đồn đoán. Thế rồi, theo thời gian, nhiều người vào cuộc “giải mã”. Thôi thì cứ tam sao thất bản…

Ngay truyện dài của nhà văn Nguyên Hùng cũng nhắc chuyện này trong chương 15: “Cuộc chơi ngông thiên hạ đàm tiếu/ Cần kiểm tra cái đúng cái sai”. Chính cậu Ba (tức Công tử Bạc Liêu, Hắc công tử) kể về lần đi cùng cô Bảy Hột Điều (ở Sài Gòn) và Phước Georges (tức Bạch công tử, ở Mỹ Tho) vào rạp xem phim Tarzan. Trong rạp, cô Bảy sơ ý làm rớt tờ tiền Con công (tiền Pháp, mệnh giá năm đồng), cúi xuống tìm. Do trong rạp phim tối, cậu Ba định móc máy quẹt ra, nhưng Bạch công tử đã đưa tờ tiền Con đầm (hai chục đồng) đốt cho cô Bảy tìm tờ bạc năm đồng!…

Có chỗ, cũng với câu chuyện này, lại thấy “thay” tên cô Bảy Hột Điều thành cô Ba Trà. Tại nhà Công tử Bạc Liêu, tôi nghe hướng dẫn viên “thay” cô Ba cô Bảy bằng một người nổi tiếng khác - Nghệ sĩ nhân dân Phùng Há. Cũng với tình huống tương tự, nhưng bà Phùng Há lại… đánh rơi bông tai giả, khiến cả hắc bạch công tử đều xòe tiền ra đốt (tiền của Công tử Bạc Liêu mệnh giá lớn hơn). Lúc vào thăm khu lưu niệm cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, đến gian trưng bày có treo bức ảnh của Nghệ sĩ nhân dân Phùng Há, nữ hướng dẫn viên cũng kể lại y như vậy.

Cuối truyện dài của Nguyên Hùng, ông Trần Trinh Đức không cải chính vụ đốt tiền mà chỉ giải thích chuyện Công tử Bạc Liêu mua máy bay đi thăm đồng không phải để khoe của. Nhưng tối hôm đó, ngồi cạnh ông suốt buổi tiệc giao lưu với lãnh đạo TP.Bạc Liêu, tôi nghe ông nói nhiều về sự sai lệch của “giai thoại đốt tiền”. “Hồi đó tôi có hỏi, và ba tôi khẳng định không hề đốt tiền. Luật của người Pháp nghiêm lắm, đốt tiền tù chết à!” - ông giải thích.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khắc chữ vào đá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO