Là một xã xa xôi hẻo lánh nhất huyện Phước Sơn, nhưng “cơn lốc vàng” ập đến xã Phước Lộc khiến cuộc sống của người dân Bhoong thay đổi...
Tập tục, hủ tục
Ngồi trên chiếc xe Win hơn 2 tiếng đồng hồ, chúng tôi mới có mặt tại UBND xã Phước Lộc. Trụ sở UBND xã được xây dựng trên đỉnh của ngọn núi, quanh năm mây mù bao phủ. Thấy chúng tôi ngán ngẩm với chặng đường đã qua, thầy Nguyễn Văn Ánh - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học và THCS Phước Lộc cười bảo: “Đường như hiện nay là quá ngon rồi đó. Chú chưa thấy cái cảnh mùa mưa trả 2 triệu đồng cho 1 chuyến xe từ Phước Thành vào đây mà còn bị từ chối đâu. Bởi lúc đó muốn chở 1 người đến đây thì phải đi thêm 2 người nữa, đến khi qua ngầm, qua suối thì có người để khiêng xe qua. Thời đó, 2 triệu nó to lắm, vậy mà vẫn bị từ chối vì họ sợ vào rồi bị mắc kẹt trong này, không ra được” - thầy Ánh kể.
Trụ sở UBND xã Phước Lộc nằm ở đỉnh núi. |
Là một xã xa nhất của huyện Phước Sơn, Phước Lộc nằm lọt thỏm giữa muôn trùng núi non. Gần như 100% người dân ở đây đều là người Bhnoong. Lâu nay cuộc sống của người dân địa phương vốn chỉ biết đến cái nương, cái rẫy hay con thú bẫy được. Và đã hằn sâu trong tâm khảm của người dân tộc Bhnoong, những tập tục xưa cũ vẫn là một thứ quyền năng. “Ở đây, ám ảnh con ma rừng vẫn còn rất đậm nét trong tâm tưởng bà con. Nhất là mỗi khi đau ốm, bệnh tật, cứ cho rằng đó là do có tội với rừng, bị ma rừng quở trách. Thế là ở cữ, mời thầy về cúng. Cúng không được thì lại đưa lên rẫy, cách ly với bản làng. Chỉ khi nào bệnh nặng thì họ mới chịu đưa xuống xã để xin cứu giúp, mà thường thì lúc đó bệnh đã rất nặng rồi. Chính quyền đã nhiều lần vận động, tuyên truyền để họ biết, sửa đổi, nhưng đâu rồi lại vào đấy…” - ông Lưu Huyền Thoại, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Lộc kể.
Thôn 8A (xã Phước Lộc) cách trung tâm xã chừng 1 tiếng đồng hộ chạy xe. Toàn thôn có khoảng 27 nóc nhà, nhưng chỉ toàn trẻ em nheo nhóc và người già ở nhà. Hỏi ra mới biết, trai tráng, thanh niên trong làng đều lên “nhà chòi” để ở và đi làm vàng. “Họ đều lên rẫy ở lại, có khi 2 tháng trời mới về nhà. Một số đi làm thuê cho các bãi vàng. Mỗi khi xã tổ chức họp dân để phổ biến, tuyên truyền thì lại phải lặn lội đến từng nhà để gọi người về. Và thường thì chúng tôi chỉ họp được vào ban đêm, chứ ban ngày thì chịu chết…” - ông Thoại tiếp lời. Cái nặng nề nhất còn hằn sâu trong tiềm thức của người Bhnoong nơi đây chính là ám ảnh về bệnh tật. Không cần biết là bệnh gì, gia đình đó phải có heo đen để mổ, mời cả làng đến ăn. Riêng người bệnh phải “cữ”, không được ăn thịt cá, chỉ được ăn lúa rẫy. Ông Thoại nói: “Có lần, cả mấy chục hộ đòi bỏ làng đi nơi khác sinh sống. Họ bảo ở làng cũ đã bị con ma rừng nó ám, nhiều người bị bệnh quá. Giờ không có heo đen cúng thần rừng thì phải đi thôi. Vận động mãi chẳng được, xã đành phải hỗ trợ 1 con heo đen để họ cúng. Biết làm vậy chẳng khác gì tiếp tay cho hủ tục, nhưng đó là biện pháp duy nhất...”.
Mót vàng. Ảnh: N.DƯƠNG |
Cuốn theo vàng…
“Từ khi những công ty được cấp phép vào khai thác vàng, cuộc sống của người dân địa phương phần nào bị xáo trộn. Tính cộng đồng trong dân cư dần mất đi, lối sống từ đó có sự thay đổi rõ rệt. Tình trạng con sinh ra không có cha đã xuất hiện, điều này chưa hề có trước đây… Cả công nhân của các công ty có phép khai thác lẫn trái phép tập trung đông ở địa phương, kéo theo những “văn hóa mới lạ” được du nhập vào cộng đồng người dân tộc. Mà người dân ở đây, khi thấy lạ thì bắt chước”. (Ông Lưu Huyền Thoại - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Lộc) |
Khi mặt trời chếch về bên kia núi, chúng tôi mới tìm đến nhà già Hồ Văn Sách (thôn 8A, xã Phước Lộc). Ở đây có nhiều người đang tập trung xem ti vi. Âm thanh phát ra từ chiếc ti vi cũ kỹ lúc được lúc mất. Toàn xã chưa nơi nào có điện lưới, vì sử dụng điện thủy luân nên ti vi chập chờn. “Ở đây nghèo lắm, cả thôn chỉ được có 2 cái ti vi thôi. Có cái ti vi hay thiệt, toàn phim hay thôi, người đẹp nữa…” - bà Hồ Thị Lan (một người dân địa phương) nói. Tôi góp lời: “Thế chỉ coi phim thôi à? Không xem thời sự coi mấy cái bệnh mà tránh à? Ti vi còn dạy cách làm ruộng nữa đấy”. Bà Lan đáp liền: “Không coi, chỉ coi phim thôi. Coi mấy cái kia không biết chi hết. Coi phim để học theo người ta chớ, đẹp rứa mà. Nhờ coi phim mà mấy đứa đó có tóc đẹp kìa”. Bà Lan cười lộ hàm răng đỏ quạch vì ăn trầu, chỉ tay về mấy cậu thanh niên.
Dù là một nơi xa xôi hẻo lánh, dân cư thưa thớt, nhưng khi “cơn lốc” vàng ập đến, Phước Lộc cũng không “ngoài tầm ảnh hưởng”. Cách chỗ bà Lan ngồi chừng mấy bước chân, 4 cậu thanh niên choai choai đang bàn chuyện rôm rả, miệng thì nói, tai đeo headphone và gật gù theo điệu nhạc. Tóc đã được cắt tỉa rất thời thượng, nhuộm đủ màu, vàng - đỏ có cả. Thấy chúng tôi có vẻ ngạc nhiên, già Hồ Văn Sách thở dài, nói như thanh minh: “Giờ chúng nó học theo mốt ở dưới xuôi cả rồi, có biết gì đến văn hóa của bản làng nữa đâu? Chúng muốn làm gì là làm thôi, không sợ luật lệ của làng nữa”. Như cái Phú, cái Nãi đấy, mới cưới nhau được mấy tháng, giờ chia tay rồi, có bị làng phạt đâu…”. Đó là trường hợp của Hồ Văn Phú và Hồ Thị Nãi, cả hai chừng 19 tuổi, yêu rồi cưới nhau chóng vánh. Được chừng 8 tháng thì Phú bỏ đi tìm người yêu mới vì Nãi đã không còn hợp “gu” với Phú. “Giờ thằng Phú có vợ mới rồi. Cái Nãi cũng đã có chồng. Bọn chúng đơn giản lắm, thích là ở, không thích là đi tìm người khác, chẳng ràng buộc gì cả. Cứ mua trâu, đến nhà người yêu ở đôi ba bữa là thành vợ, thành chồng. Đâu có như hồi xưa, một khi đã cưới nhau về thì ăn đời ở kiếp với nhau, cả thôn bản đã chứng kiến rồi, ai thay lòng đổi dạ thì bị phạt nặng lắm…” - già Sách nói.
“Cơn lốc” vàng đã len lỏi đến từng ngóc ngách trên địa bàn Phước Sơn, giấc mơ kim tiền không chừa một ai. Ngay cả những người dân chất phác giờ cũng tay cuốc, tay xẻng, lũ lượt kéo nhau đi tìm may mắn. Cứ đến hết mùa rẫy, người dân Phước Lộc lại đắm mình trong giấc mơ vàng. “Đã gắn bó với người dân ở đây hơn 18 năm trời nhưng chưa bao giờ thấy họ có sự thay đổi nhiều đến thế. Cuộc sống gia đình trước đây vốn được người dân rất coi trọng, thì nay không còn nữa. Đến mức ở các thôn 5A, 5B của xã đã không còn con gái để trai làng lấy làm vợ. Nhiều đứa con gái mới lớn đi theo những lời ngon ngọt của phu vàng…” - thầy Nguyễn Văn Ánh nói.
Rời làng khi trời đã nhá nhem tối. Tiếng nhạc xập xình vang lên trong gươl làng được lợp những tấm tôn đỏ chói. Một cảm giác hụt hẫng ùa về…
NGUYỄN DƯƠNG