Khắc khoải Triêm Tây

Ghi chép của QUỐC TUẤN 15/11/2017 08:59

Một vài du khách dừng xe đạp nơi bìa làng ngó nghiêng chỉ chỏ rồi lặng lẽ quay xe đi ra. Trước mắt họ không phải là ngôi làng Triêm Tây thơ mộng như khi mùa nắng yên ả nữa...

Tin liên quan

  • Về Triêm Tây nghe hát dân ca
  • Làng du lịch cộng đồng Triêm Tây mở cửa đón khách
  • Làng du lịch cộng đồng Triêm Tây được trao giấy "Chứng nhận ASEAN"
  • Nỗi buồn ở Triêm Tây
  • Những người bạn ở Triêm Tây
Một đoạn bờ kè sinh thái ở Triêm Tây do An Nhiên Farm triển khai, trước và sau cơn lũ. Ảnh: Q.TUẤN
Một đoạn bờ kè sinh thái ở Triêm Tây do An Nhiên Farm triển khai, trước và sau cơn lũ. Ảnh: Q.TUẤN

Đã hơn một tuần từ lúc cơn lũ dữ đi qua, những con ngõ hiền hòa, uốn lượn của Triêm Tây vẫn đầy bùn đất. Cơn nắng hiếm hoi ngày đông chưa thể xua đi không khí trầm lắng nơi làng quê thơ mộng này.

1. Vòng vèo nhảy tránh những vũng bùn trên đường, tôi tìm tới nhà bà Nguyễn Thị Biên - người được cho là dệt chiếu “tinh xảo” bậc nhất ở thôn. Lúc này bà Biên đang lụi hụi trên nóc nhà để… căng mền phơi cho nhanh khô. Tôi ngước lên hỏi thăm tình hình lũ lụt, bà Biên nói vọng xuống: “Chu choa, mi không tới sớm ít bữa mà coi bùn hắn ngập tới đầu gối. Hỏi cái chi? Hỏi dệt chiếu hả, khung đồ còn treo chạy lụt trên mái kèo suýt nữa ướt nhẹp hết bên kia kìa”. Hỏi ra mới biết, do lũ lên trong đêm quá nhanh nên gia đình bà Biên chỉ kịp treo dụng cụ dệt lên mái kèo rồi túi bụi dọn đồ đạc trong nhà chạy lũ. Cũng may đỉnh lũ dừng khi còn cách khung dệt của bà đâu hai, ba tấc.

Sau mấy ngày tổng lực dọn dẹp trong nhà ngoài ngõ, chị em bà Biên cũng tính đem khung dệt xuống chứ không làm lấy gì mà ăn. Nghe tôi mở lời rằng đợt hè rồi vừa khai trương làng du lịch cộng đồng Triêm Tây chắc tình hình nghề chiếu cũng có khấm khá hơn, bà Biên bộc bạch: “Cũng rứa thôi, chắc do mới nên khách chưa biết đến nhiều. Xưa tôi dệt tháng khoảng 100 chiếc bán chợ thì nay tháng cũng được 100 chiếc có khác chút là san sớt bớt một ít qua bán cho khách đến làng thôi”. Rồi bà Biên nhẩm tính tiếc rẻ: “Năm ngoái trung bình một tháng có 4 - 5 đoàn khách tham quan, trải nghiệm nghề dệt chiếu của gia đình tôi, vậy mà năm nay có tháng chẳng khách nào đến, giờ lại thêm trận lụt này nữa…”.
Nhà cụ Phạm Thị Từ (85 tuổi) ở đối diện, hơi chếch nhà bà Biên nhưng muốn vào phải lội qua vũng bùn sền sệt còn sót lại của cơn lũ. Cụ Từ “treo” khung dệt chiếu đã 2 năm nay do không còn đủ sức, trong khi con cháu không ai muốn nối nghề. Cụ chia sẻ rằng mình được con cháu đưa đi “chạy lũ” mới về lại đây. Con cháu sau khi đưa cụ lên nơi cao ráo xong, quay về nhà cũng chỉ khư khư trên ghe trú ngoài hiên chứ không dám vào nhà bởi sợ phên hỏng, kèo sụp bất cứ lúc nào. Nhà cụ Từ ở cách triền sông không xa, nếu không có kiến trúc sư Bùi Kiến Quốc đến đây vào năm 2009 thực hiện kè giữ đất có lẽ gia đình cụ và hàng xóm đã phải rời đi tha hương bởi nạn sạt lở bờ sông. Thậm chí, khi ở lại rồi họ vẫn đau đáu trăn trở, như nhà bà Biên phải so đi tính lại, chờ đợi xem tình hình sạt lở một thời gian dài mới dám bỏ tiền ra sửa lại căn nhà bởi lo sợ con nước có thể cuốn trôi đi mồ hôi bao năm tích cóp của họ.

2. Tôi lững thững ra bờ kè triền sông. Thực ra cách đây vài chục năm chỉ là con lạch nhỏ người ta có thể lội qua, lội về biền bãi được. Còn bây giờ, theo thời gian, dòng nước lũ mỗi năm đã mở rộng thêm bề ngang con lạch đủ để những người lần đầu trông qua cứ ngỡ là một nhánh của sông Thu Bồn. Trời đã hửng nắng ráo, nhưng con nước vẫn cứ xoáy ùng ục vào những mảng tường đá và bê tông của bờ kè. Lũ không đủ sức phá nát kè nhưng Khu du lịch sinh thái Triêm Tây nằm ngay sát đó thì hứng trọn những “dư âm” do cơn lũ để lại. Tre rạp nghiêng ngả, cây cảnh lăn lóc, lá rụng tơi bời… Một nhân viên đang lúi húi dọn dẹp tại đây ngán ngẩm nói: “Cơn lũ năm ngoái nhẹ hơn nhưng cũng khiến đơn vị mất mấy tuần để hồi phục, còn năm nay chắc phải lâu lắm”.

Người dân Triêm Tây dọn dẹp đường làng sau cơn lũ. Ảnh: Q.TUẤN
Người dân Triêm Tây dọn dẹp đường làng sau cơn lũ. Ảnh: Q.TUẤN

Mà nào chỉ có Khu du lịch sinh thái Triêm Tây bị ảnh hưởng, hơn chục điểm đến khác ở đây mang những cái tên mỹ miều như “Me Xanh”, “Sông Quê”… đều xác xơ, đìu hiu. Ông Nguyễn Yên - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Triêm Tây chia sẻ rằng, ông đã gọi cho các nhà hàng kinh doanh từ 2 giờ đêm hôm trước khi nước lớn phải dọn dẹp ngay để hạn chế thiệt hại. Nhờ đó thiệt hại tuy có hạn chế, nhưng phàm đã là “du lịch sinh thái” với những công trình gắn với bờ sông, bến nước thì làm sao tránh khỏi cảnh tiêu điều khi nằm trong vùng lũ. Như nhà hàng Me Xanh của bà Nguyễn Thị Sên, sau cơn lũ năm ngoái bị tả tơi vừa khôi phục thì nay lại tiếp tục xiêu vẹo lan can cầu tre, nhà chòi… nên đành im lìm bên bến vắng những ngày này.

Anh Bùi Trần Hiếu - thành viên nhóm An Nhiên Farm nói rằng, thời gian này Triêm Tây đang vào mùa “bảo trì” và mọi hoạt động du lịch đều bị gián đoạn. Nói đùa là vậy nhưng thành viên của An Nhiên Farm đang rầu não ruột vì dòng nước lũ đã phá hỏng bờ kè sinh thái mà nhóm triển khai từ đầu năm 2017 để chống lại xói lở. Cơn lũ khiến sạp tre quan sát của dự án cuốn đi hàng trăm mét, những gốc rễ bần chua bị khoét bật lên, bờ cỏ kè ngả rạp xuống…, nhưng điều quan trọng là đất đã được giữ lại. Nhìn không xa từ bờ kè sinh thái của An Nhiên Farm về phía xã Cẩm Kim (TP.Hội An) bờ đất không trải thoai thoải mà bị dòng nước lũ khoét lởm chởm, chỗ thò chỗ thụt có nơi vào sâu hơn 10m. Nghe đâu, cuối tháng 11 này chính quyền thành phố sẽ có buổi làm việc trao đổi với một số đơn vị thực hiện kè sông để tìm giải pháp tốt nhất cứu vãn tình hình này.

Những người trẻ của An Nhiên Farm tu sửa lại vườn ươm giống cây bản địa, cây cải tạo đất...
Những người trẻ của An Nhiên Farm tu sửa lại vườn ươm giống cây bản địa, cây cải tạo đất...

3. Sau lũ, không chỉ bờ kè sinh thái mà cả khu vực khoảng 2ha của An Nhiên Farm được UBND thị xã Điện Bàn giao để thực hiện các hoạt động phục hồi cảnh quan thiên nhiên, thực hành nông nghiệp sinh thái… như “bãi chiến trường”. Phần lớn thành viên thực hiện dự án này đều ở miền bắc vào nên họ chưa dự lường được thảm họa lũ lụt ở đây lại khốc liệt đến vậy. Dẫu thế, ngay sau khi cơn lũ đi qua, những người trẻ đầy tâm huyết này bắt tay ngay vào việc gầy dựng lại mọi thứ giữa hoang tàn, trong đó có vườn ươm giống cây bản địa, cây cải tạo đất… hầu hết bị trơ trọi do không kịp “chạy lũ”. Kế bên, vườn cộng đồng - một sáng kiến trong phát triển du lịch sinh thái địa phương cũng xác xơ. Ông Nguyễn Yên cho hay, năm ngoái hợp tác xã triển khai canh tác trước lụt rồi bị mất trắng hơn 8 sào rau củ quả nên năm nay đành chờ qua hẳn mùa mưa mới sản xuất trở lại. Tuy nhiên, ông Yên cũng thừa nhận rằng phần lớn đất nông nghiệp ở đây người dân chỉ sản xuất một vụ ngắn ngày, vì bị phân tán, vụn vặt dẫn đến sản xuất không hiệu quả.

Ông Yên còn cho biết, trước năm 1964, diện tích tự nhiên của Triêm Tây là 51ha nhưng đến bây giờ chỉ có vỏn vẹn 17ha trong đó diện tích sản xuất nông nghiệp khoảng 7ha. Hai mươi năm trước, cói ở Triêm Tây thu hoạch ngoài dùng để dệt chiếu tại làng còn được bán đi nhiều nơi; nhưng bây giờ khoảng 10 hộ dệt chiếu còn “sót” lại của làng phải lặn lội sang Duy Vinh (Duy Xuyên) tìm mua nguyên liệu. Được biết, sau mỗi đận lụt, đất cát lại vùi lấp diện tích trồng cói ít ỏi ở phía bên kia bãi bồi của thôn khiến dăm ba hộ còn níu kéo nghề trồng cói càng thêm nản lòng.

Chớm chiều, tôi rời khỏi làng, đi qua những hàng chè tàu xác xơ người dân chưa kịp “tân trang” sau lũ. Trong đầu còn văng vẳng cuộc trò chuyện của mấy cụ già đang lúi húi giặt rửa phông bạt:

- Lo mà cuốn đồ rồi đi nhận gạo cứu trợ, nghe đâu chuẩn bị mưa to lại rồi đó.

- Có chi mà sợ bà, lụt về thì ta lại lên ghe di tản tiếp thôi.

- Ời. Mình già rồi còn chi nữa để sợ. Nhưng riết ri, tội sắp nhỏ…

Ghi chép của QUỐC TUẤN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khắc khoải Triêm Tây
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO