Những ngày này, chính quyền và nhân dân nhiều địa phương thuộc huyện Đại Lộc đang ra sức khắc phục hậu quả lũ cát trên hàng trăm héc ta đất sản xuất để chuẩn bị vụ mùa mới.
Mất đất sản xuất
Đợt lũ vừa qua, xã Đại Nghĩa có tới 30ha đất sản xuất hoa màu bị ảnh hưởng, trong đó 20ha khó có thể cải tạo do bị nước đào xới, xé lạch. Có lạch nước chiều rộng cả trăm mét, sâu hơn 1m kéo dài từ thôn Mỹ Thuận đến Hòa Mỹ, đầu tuyến giáp sông khoảng 2.000m. Xu thế hình thành dòng sông mới nối dài từ xóm vạn chài thôn Phiếm Ái lên tới đầu làng Mỹ Thuận rất có thể xảy ra trong thời gian tới. Khoảng 10ha còn lại, nhiều diện tích bị cát bồi lấp nghiêm trọng, có thửa ruộng cát bồi từ 0,5 - 0,8 tấc. Ở những vùng cát bồi nhẹ, bà con đã tự cải tạo và đang tiến hành làm đất chuẩn bị xuống giống nhưng đối với những diện tích bồi quá nặng, người dân đành bất lực.
Nông dân Đại Lộc khắc phục hậu quả lũ cát để ổn định sản xuất. |
Những ngày này, một số cánh đồng Đại Nghĩa phủ lên một màu trắng toát, hậu quả từ lũ cát. Lũy tre dày có chiều dài 1.000m được trồng ven sông từ năm 2011 để chống sạt lở bị lũ đào xới, số trốc gốc trôi sông, số dạt vào diện tích đất sản xuất khiến bà con tốn công sức dọn dẹp, cải tạo. Ngoài ra, 27 cột trụ điện phục vụ thủy lợi hóa đất màu bị ngã và gãy đổ ảnh hưởng đến nguồn nước tưới khi mùa vụ đã cận kề. Ông Đặng Văn Lập - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Nghĩa cho biết: “Có thể nói đây là đợt lũ gây thiệt hại nặng nề đối với ngành nông nghiệp địa phương. Nhiều cánh đồng tan hoang sau lũ, một bộ phận nông dân bị mất trắng đất sản xuất. Bên cạnh việc sớm ổn định về mặt sản xuất, ổn định dân sinh là vấn đề cấp thiết”.
Tại vùng “rốn lũ” Đại Hưng, đời sống và sinh hoạt của nhân dân sau lũ dần ổn định trở lại. Tuy nhiên, phần lớn diện tích đất sản xuất lúa và hoa màu bị bồi lấp, úng thủy trong khi mùa vụ đến gần. Bà Trương Thị Thanh Thủy (tổ 2, thôn Thạnh Đại) nói: “Chúng tôi không biết làm gì để sống nữa, đất không có để canh tác, mỗi đợt lũ về nhà cửa, đường sá bị chìm trong cát, đi không được ở cũng chẳng xong”. Còn bà Trương Thị Lài (cùng thôn Thạnh Đại) chia sẻ: “Cả gia đình tôi chủ yếu sống nhờ mấy sào ruộng và hoa màu nhưng đợt này, 2 sào ruộng và 3 sào màu đã bị úng thủy toàn bộ. Cả 3 sào chuối trong vườn cũng bị cát xâm thực”. Ông Hà Văn Minh - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Hưng cho biết: “Hiện khoảng 50ha đất sản xuất gồm đất lúa, đất màu của xã (chủ yếu tại Thạnh Đại, Đại Mỹ) đã bị bồi lấp, úng thủy, không thể triển khai sản xuất được. Về 20ha bị úng thủy, nguyên nhân là tuyến kênh mương 1km dẫn từ đồng ruộng đi dọc theo tuyến ĐH đổ ra sông Kôn bị cát bồi lấp, không tiêu nước được. Chưa kể, khu vực hồ lắng ngăn lũ cát của xã hiện đã bị cát bồi lấp 2/3 lòng hồ, nếu không nạo vét kịp thời, nguy cơ cát tràn ra đồng ruộng là rất lớn. Hiện tại, còn một số đoạn đường ĐH bị ngập sâu trong nước hơn nửa mét khiến việc lưu thông gặp bất lợi. Khu vực đầu thôn Đại Mỹ (thôn 1), nơi đầu nguồn của lũ cát, một số đoạn đường còn bị cát bao vây.
Nỗ lực khắc phục
Tại Đại Hưng, sau đợt lũ cát, phần lớn bà con trong thôn đã tự cải tạo, khắc phục lượng cát tràn vào nhà cửa, vườn tược, cổng ngõ, đường sá. Những ngày qua, các lực lượng xung kích đã giúp dân nạo vét lòng kênh mương để khơi thông dòng chảy tiêu nước và cải tạo đường dân sinh. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nỗ lực giải cứu tuyến kênh mương dài 1km không đem lại hiệu quả cao do kênh mương vừa được khơi thông xong đã bị sụt lún, cát bồi lấp trở lại. Một vài đoạn đường đầu thôn Đại Mỹ bồi lấp mỏng, bộ đội và dân đã kịp thời khai thông, còn đoạn bồi quá nặng, chỉ có thể trông chờ vào xe cơ giới. Xã đã làm tờ trình xin kinh phí để thuê xe cơ giới cải tạo trong vòng 1 tuần. Đối với hồ lắng bị bồi lấp, đoàn công tác của huyện đã đi kiểm tra, nắm bắt tình hình, thời gian tới địa phương sẽ có kế hoạch đưa xe cơ giới vào nạo vét toàn bộ lòng hồ để bảo vệ đồng ruộng. Tuyến kênh mương dài 1km thường xuyên bị bồi lấp, gây úng thủy, xã Đại Hưng đã đưa vào kế hoạch bê tông hóa thời gian đến. “Những chân ruộng bị úng thủy, xã đã khuyến khích bà con chuyển sang trồng sen. Diện tích còn lại, thông dòng được tới đâu sẽ khuyến khích bà con xuống giống tới đó. Còn với những hộ mất hẳn đất sản xuất, địa phương sẽ xem xét hỗ trợ cho dân mượn tạm đất 5% để sản xuất trong một vài vụ. Dự kiến sẽ đẩy nhanh tiến độ cải tạo đất, xuống giống đảm bảo kịp lịch thời vụ (bắt đầu từ ngày 15.12 và kết thúc 10.1.2014)” - ông Hà Văn Minh chia sẻ. Đại Lộc cũng đã hỗ trợ cấp thiết 3 tấn giống để giúp bà con vùng rốn lũ tổ chức sản xuất, ổn định đời sống.
Còn tại Đại Nghĩa, theo Phó Chủ tịch UBND xã Đặng Văn Lập, trước mắt địa phương vận động nhân dân và hợp tác xã kịp thời khôi phục hệ thống trụ điện phục vụ nước tưới cho hoa màu. Đối với những hộ có diện tích đất sản xuất bị mất trắng do bị đào xới, địa phương đang tính phương án chuyển đổi đất, tuy nhiên khó khăn hiện nay là quỹ đất vòng 2 còn lại quá khiêm tốn, lại nằm ở vị trí quá xa, không thuận tiện cho việc đi lại của bà con. “Địa phương đã kiến nghị với Phòng NN&PTNT huyện đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ số hộ dân bị mất trắng đất sản xuất. Đồng thời xã cũng đã làm tờ trình xin kinh phí hỗ trợ cải tạo, san ủi 20ha bị xói lở, xé lạch để trả lại đất cho nông dân” - ông Lập nói.
H.LIÊN - T.LIỄU