Một đề án thích ứng với thiên tai cho miền Trung cùng những điều chỉnh liên quan đến quy định quản lý vận hành liên hồ chứa, xây dựng hệ thống quan trắc độc lập cho từng hồ thủy điện… là đề xuất của Quảng Nam với Chính phủ trong bối cảnh thiên tai, biến đổi khí hậu tiếp tục diễn biến cực đoan, khó lường.
Miền núi vẫn lo sạt lở
Kinh nghiệm từ mùa mưa lũ năm 2020 giúp Quảng Nam sớm có những giải pháp kịp thời, linh hoạt để ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, góp phần giảm đáng kể những thiệt hại trong mùa mưa lũ 2021. Tuy nhiên, những diễn biến phức tạp của mưa lũ tiếp tục gây ảnh hưởng, tác động tiêu cực đến các địa bàn, nhất là ở miền núi.
Tại huyện Nam Trà My, đợt mưa lớn vào cuối tháng 11 vừa qua đã làm xói lở nón bảo vệ mố cầu vào làng tái định cư Bằng La, đồng thời tạo ra vết nứt lớn, nguy cơ sạt lở tại trường mẫu giáo của xã Trà Leng.
Chính quyền đã phải cắm cảnh báo không lưu thông qua cầu và sơ tán toàn bộ học sinh, giáo viên tại trường mẫu giáo, tìm kiếm địa điểm dạy học mới. Nhiều tuyến giao thông bị gián đoạn do sạt lở với khối lượng khá lớn
Ông Trần Văn Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho hay, mưa lũ năm 2021 dù không phức tạp như năm 2020, song cũng gây khá nhiều thiệt hại.
“Sạt lở vẫn là nỗi lo lớn nhất của địa phương trong mùa mưa lũ. Chúng tôi đã chủ động sơ tán người dân ở các vùng nguy hiểm, huy động lực lượng di dời tài sản, kịp thời tập trung lực lượng xung kích giúp dân dọn dẹp nhà cửa, sớm ổn định chỗ ở sau khi sơ tán” - ông Mẫn nói.
Tại huyện Bắc Trà My, chính quyền đã phải sơ tán hàng chục hộ dân ở tổ Đàng Bộ (thị trấn Trà My) mỗi khi có mưa lớn do lo ngại sạt lở từ ngọn đồi sau nhà dân. Chính quyền địa phương đang kiến nghị hỗ trợ xây dựng khẩn cấp tuyến kè để bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân trong khu vực này.
Buộc phải thích ứng
Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh thông tin, qua kiểm tra thường xuyên tại các địa bàn chịu ảnh hưởng của thiên tai, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương chủ động triển khai phương án ứng phó, đẩy mạnh tuyên truyền, phát huy “4 tại chỗ” ở mức cao nhất để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân.
Các địa phương được quán triệt phải hết sức cảnh giác, kịp thời di dời, sơ tán dân ở vùng nguy cơ, khuyến cáo người dân không được chủ quan để tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.
Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến với Chính phủ về công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho hay, rút kinh nghiệm từ năm 2020, Quảng Nam đã rất tích cực, chủ động bố trí lực lượng, quản lý tàu bè, sơ tán dân kịp thời và khắc phục ngay khi có sạt lở, giảm thiểu được nhiều thiệt hại.
“Về lâu dài, chắc chắn phải sống thích ứng với thiên tai và biến đổi khí hậu, không có lựa chọn nào khác. Do đó, đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành xây dựng đề án thích ứng an toàn với thiên tai, biến đổi khí hậu cho khu vực miền Trung trong giai đoạn hiện nay và sắp tới. Miền Trung có đặc điểm rất riêng, nếu cứ tập trung phát triển kinh tế, không tính tới thích ứng với thiên tai, biến đổi khí hậu sẽ gây tác hại khôn lường cho tính mạng, tài sản” - ông Thanh nói.
Nhận định 10 hồ thủy điện theo hệ thống bậc thang và các hồ thủy điện khác đã vận hành khá tốt trong thời gian gần đây, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng những bất cập trong quy định vận hành liên hồ chứa, cần khẩn trương khắc phục các mặt hạn chế, phát huy những mặt mạnh trong việc cắt lũ, giảm lũ của hồ chứa thủy điện.
Quảng Nam kiến nghị Bộ TN-MT nghiên cứu điều chỉnh Quyết định 1865 để quản lý vận hành liên hồ chứa theo thời gian thực được tốt hơn, đảm bảo giảm lũ, phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp, chống hạn…
Quảng Nam cũng kiến nghị các bộ ngành yêu cầu các chủ hồ phải lắp đặt hệ thống quan trắc lưu lượng lũ về hồ, kết nối dữ liệu về tỉnh, đảm bảo tính khoa học để làm cơ sở cho việc vận hành hồ chứa mùa mưa lũ.
Chính phủ, các bộ ngành cũng cần chú trọng việc lắp đặt hệ thống cảnh báo tự động thông minh, cảnh báo sạt lở đất ở miền núi, quan tâm chính sách bảo vệ và nâng cao chất lượng trữ lượng rừng đầu nguồn, thay đổi phương thức canh tác, tiến tới giảm thiểu lũ lụt cho vùng hạ du.