Công tác thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường, khắc phục ô nhiễm tại các cụm công nghiệp (CCN) được huyện Đại Lộc chú trọng. Một số doanh nghiệp (DN) vi phạm dù đã bị nhắc nhở, xử phạt vẫn chưa khắc phục, các ngành chức năng của huyện quyết thực hiện các biện pháp mạnh.
Yêu cầu DN khắc phục triệt để
Đại Lộc có 15 CCN, trong đó 13 CCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích được phê duyệt gần 392ha, thu hút 47 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 3.997 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 31.000 lao động địa phương. Thời gian qua, huyện đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch và các quyết định liên quan đến công tác bảo vệ môi trường trong các cụm công nghiệp (CCN) và làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện.
Đến nay, hầu hết các công ty, DN đã chấp hành tốt các cam kết như tổ chức thu gom và xử lý chất thải theo đúng quy định, đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung trước khi thải ra môi trường. Bố trí diện tích cây xanh đảm bảo theo quy định trên 10% tổng diện tích… Hoạt động thanh, kiểm tra và giám sát việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường ở các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nói chung và CCN nói riêng được huyện thường xuyên chỉ đạo thực hiện. Hằng năm, các ngành chức năng của tỉnh phối hợp với huyện tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện, qua đó đã phát hiện và xử lý các cơ sở vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường theo đúng quy định.
Từ thực tế hoạt động kiểm soát môi trường trong thời gian qua cho thấy, một số nhà máy sản xuất chưa tập trung khắc phục sự cố về bảo vệ môi trường, trong quá trình sản xuất gây mùi hôi, làm ô nhiễm không khí, ảnh hưởng đời sống, sinh hoạt của người dân. Điển hình như cơ sở sản xuất, chế biến bột cá của Công ty TNHH Đại Hòa (CCN Mỹ An, xã Đại Quang) gây ô nhiễm môi trường nhiều năm qua. Trong quá trình sản xuất, nhà máy sử dụng nguyên liệu chính là vỏ tôm, đầu cá để chế biến thành sản phẩm cung cấp cho các đơn vị sản xuất thức ăn gia súc gia cầm, thức ăn thủy, hải sản. Mùi hôi từ nhà máy bốc ra, gặp gió thổi mạnh lan rộng đến một số xã trong huyện.
Qua thanh kiểm tra, doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ các quy định bảo vệ môi trường, lực lượng chức năng nhắc nhở, lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính, yêu cầu khắc phục. Ngoài tình trạng ô nhiễm môi trường của Công ty TNHH Đại Hòa, tại các kỳ họp HĐND huyện và các kỳ tiếp xúc cử tri, các địa phương và bà con cử tri đều tỏ ra bức xúc trước tình trạng gây ô nhiễm môi trường của một số công ty khác như Công ty CP Prime Đại Lộc, Công ty Cao su Đà Nẵng, Công ty Chế biến thủy sản Hải Thành Công - Đại Lộc, Nhà máy sản xuất cồn Tùng Lâm (Đại Tân)…
Tăng cường kiểm tra, giám sát
Trước kiến nghị của bà con, UBND huyện nhiều lần tổ chức các buổi làm việc với các công ty, yêu cầu một số công ty bổ sung phương án đánh giá tác động môi trường, nếu thiếu. UBND huyện cũng yêu cầu các DN nêu trên tiếp tục nghiên cứu, đầu tư công nghệ tiên tiến xử lý giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nhất là mùi hôi do nhà máy sản xuất, phát thải ra môi trường. Yêu cầu Công ty TNHH Đại Hòa, Công ty TNHH Chế biến thủy hải sản Thành Công cải tiến công nghệ, hoạt động sản xuất và thực hiện đầy đủ các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong quá trình hoạt động, quản lý chặt chẽ nguyên liệu đầu vào, lò sấy, kho bảo quản… cần được đầu tư đúng theo đề án bảo vệ môi trường, yêu cầu các DN không để mùi hôi thối do hoạt động chế biến của các nhà máy gây ảnh hưởng tới đời sống nhân dân trong thời gian đến, nếu không thực hiện đúng các quy định pháp luật dẫn tới ô nhiễm thì bị xử lý theo quy định.
UBND huyện giao Phòng TN-MT tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường của DN, tham mưu cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm các quy định của pháp luật. Từ sự nỗ lực kiểm soát môi trường, hoạt động sản xuất của một số DN đã giảm thiểu đáng kể mùi hôi trong quá trình sản xuất phát tán ra môi trường xung quanh…
Theo ông Trần Văn Mai - Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, phương châm trong phát triển công nghiệp của huyện là sản xuất phải gắn liền với cam kết về bảo vệ môi trường sản xuất, môi trường sống. Vì thế, thời gian đến, UBND huyện yêu cầu các cấp, các ngành và các địa phương trong huyện cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các DN, tổ chức, cá nhân nêu cao ý thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường. Tăng cường công tác hướng dẫn, tập huấn cho cán bộ các cấp làm công tác quản lý nhà nước về môi trường, các lãnh đạo DN và cá nhân liên quan về quy trình, thủ tục, trách nhiệm thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường. Chú trọng hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các đơn vị vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Kiên quyết không phê duyệt, cấp phép xây dựng các dự án đầu tư khi chưa thực hiện thủ tục về đánh giá tác động môi trường và chưa có kế hoạch bảo vệ môi trường.