Ô nhiễm môi trường tại 2 cụm công nghiệp (CCN) Đại Quang và Mỹ An (Đại Quang, Đại Lộc) khiến người dân bức xúc. Dù địa phương và ngành chức năng đã vào cuộc, nhưng tình trạng trên chưa được khắc phục triệt để.
Khu vực bể chứa nước thải đầu ra của Công ty CP Prime Đại Lộc. Ảnh: H.LIÊN |
Sống chung với ô nhiễm
Người dân các thôn Hòa Thạch, Đông Lâm, Phương Trung và một số thôn lân cận trên địa bàn xã Đại Quang rất bức xúc khi phải sống chung với mùi hôi thối, khí đá, bụi đá và tình trạng xả thải, gây ô nhiễm nguồn nước của nhiều nhà máy đóng trên địa bàn xã. Đó là một số nhà máy thuộc 2 CCN Đại Quang và Mỹ An gồm: Công ty CP Prime Đại Lộc, Công ty CP Prime Đại Quang; Xí nghiệp Cao su Đà Nẵng, Công ty TNHH Đại Hòa. Ông N.M.Phúc (thôn Hòa Thạch) bức xúc: “Có sống ở đây mới biết. Chúng tôi kiến nghị lên trên, tình hình có giảm nhưng một thời gian sau, đâu lại vào đấy. Chúng tôi mong ngành chức năng có biện pháp xử lý triệt để”. Còn theo nhiều người dân làng mới Phương Trung, khói đá, bụi đá do hoạt động sản xuất của Công ty CP Prime Đại Lộc và Prime Đại Quang gần đấy khiến không khí, môi trường sống trở nên nặng nề, ngột ngạt. Chưa kể, một lượng lớn nước thải đen ngòm từ 2 nhà máy trên trực tiếp thải ra Bàu Đá (thôn Phương Trung) rồi tràn vào khe suối chảy qua các thôn Hòa Thạch, Tam Hòa, qua khe nhỏ đổ ra cầu Chìm (thôn Trường An) rồi đổ ra sông Vu Gia.
Theo ông Trương Phụng - Trưởng thôn Hòa Thạch, việc xả nước thải, khí thải của một số nhà máy trên địa bàn xã khiến nhiều diện tích lúa ở 2 thôn Đông Lâm, Hòa Thạch bị hư hại. Tuy nhiên, việc làm rõ nhà máy nào trực tiếp gây thiệt hại cho dân hết sức khó khăn. Ông Lê Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Quang cho biết: “Xí nghiệp Cao su Đà Nẵng và Công ty TNHH Đại Hòa (thuộc CCN Mỹ An) liên tục bị người dân khiếu kiện vì thải mùi hôi thối ra môi trường, nhưng 2 nhà máy đều không thừa nhận hậu quả này. Gần đây, Công ty TNHH Đại Hòa, do có đầu tư thêm 1 cơ sở gần đó và cải tiến công nghệ nên phần nào khắc phục mùi hôi thối. Còn Xí nghiệp Cao su Đà Nẵng, trước đây xí nghiệp xả thải trực tiếp ra ruộng. Nay, việc xả thải được xí nghiệp thực hiện theo đường ống, ra khe 1 (làng Hòa Thạch). Tuy nhiên, việc xử lý nguồn nước thải bên trong ra sao, địa phương không nắm rõ”. Cũng theo ông Dũng, 2 công ty Prime Đại Lộc và Prime Đại Quang vốn có chung bể chứa nước thải, xả thải ra các khu vực nói trên. Việc phần lớn diện tích lúa của bà con bị thiệt hại, xã đã làm văn bản trình với cấp trên bởi sự việc vượt khả năng giải quyết của địa phương.
Chưa triệt để
Đề cập tình hình xử lý của địa phương trước vấn nạn ô nhiễm tại 2 CCN, ông Trương Văn Huấn - Phó Trưởng phòng TN-MT huyện Đại Lộc thông tin: Đối với 2 đơn vị hoạt động tại CCN Mỹ An, huyện đã chỉ đạo Phòng TN-MT, Cảnh sát môi trường huyện tiến hành kiểm tra trước Tết Nguyên đán 2013. Ở Công ty TNHH Đại Hòa, đoàn kiểm tra phát hiện khí thải vượt chuẩn cho phép nhiều lần, đã xử phạt đơn vị trên 55 triệu đồng, đồng thời yêu cầu khắc phục. Tháng 1.2013, qua kiểm tra, công ty trên đã lắp đặt hệ thống sấy cá, cơ bản khắc phục được mùi hôi. Xí nghiệp Cao su Đà Nẵng, do cao su tồn kho, quá trình sản xuất hạn chế nên dẫn đến thiếu sót, vi phạm về khí thải, nước thải, địa phương đã lập biên bản, yêu cầu công ty này nhanh chóng khắc phục. Riêng, 2 công ty Prime Đại Lộc và Prime Đại Quang, qua phân tích mẫu khí thải và nước thải, 2 đơn vị trên có vi phạm một số tiêu chuẩn. Địa phương chưa đủ cơ sở chứng minh 12/45ha lúa của 2 thôn Đông Lâm và Hòa Thạch bị hư hại là do 2 nhà máy này gây ra. Tuy nhiên, từ khi 2 nhà máy đi vào hoạt động đến nay (2008-2012), nhiều diện tích lúa lân cận khu vực nhà máy thường xuyên bị cháy lá, lép hạt.
Vụ đông xuân 2013 vừa qua, trực tiếp đến khu vực sản xuất lúa xung quanh 2 nhà máy trên, chúng tôi được chị Nguyễn Thị Xinh (thôn Đông Lâm) chia sẻ: “Tôi có 2 sào ruộng. Mấy năm trước, khu vực này cho năng suất khá cao, nhưng gần đây lúa thường xuyên bị lép hạt. Nhất là vụ hè thu, gia đình tôi mất từ 50 - 70% năng suất”. Cũng theo chị Xinh, vào mỗi vụ thu hoạch, đoàn công tác của xã và huyện đều đến khảo sát tỷ lệ thiệt hại của nhân dân”. Trong khi đó, theo ông Lê Thời (thôn Hòa Thạch), “vụ mùa trước, tôi nhận được mức hỗ trợ 500.000đồng/vụ. Vụ này, chính quyền địa phương đã thống kê thiệt hại nhưng chưa biết mức hỗ trợ như thế nào”.
Theo Phó trưởng phòng TN-MT huyện Trương Văn Huấn, cuối năm 2012, Công ty CP Prime Đại Lộc đã hỗ trợ thiệt hại cho người dân hơn 201 triệu đồng. Tuy nhiên, đến nay địa phương vẫn chưa nhận được văn bản chính thức của ngành chức năng ở tỉnh công bố nguyên nhân cụ thể tại sao lúa bị thiệt hại và giải pháp lâu dài để khắc phục ô nhiễm môi trường.
Hoàng Liên