Thủy sản

Khắc phục "thẻ vàng" thủy sản tại Quảng Nam: Không còn đường lùi

VIỆT NGUYỄN 17/04/2024 09:03

Đợt kiểm tra vào tháng 4 này Ủy ban châu Âu sẽ quyết định gỡ hay không gỡ thẻ vàng thủy sản đối với Việt Nam, và Quảng Nam đang nỗ lực cùng cả nước nhanh chóng khắc phục hiệu quả các hạn chế đã được chỉ ra trước đó.

cau-muc.jpg
Nhiều tàu câu mực của ngư dân Quảng Nam thường xuyên vi phạm vượt ranh giới cho phép khai thác hải sản. Ảnh: Q.VIỆT

Giải quyết các hạn chế

Từ năm 2023 đến nay, Sở NN&PTNT và Bộ đội Biên phòng tỉnh đã xử phạt 134 vụ vi phạm khai thác hải sản với tổng số tiền hơn 2,6 tỷ đồng. Về đội tàu cá không đăng ký, không có giấy phép và không đăng kiểm trên địa bàn tỉnh đến nay vẫn còn đến 1.000 chiếc.

Ông Phan Đình Châu - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Đăng kiểm tàu cá & quản lý cảng cá Quảng Nam cho biết, góp phần gỡ thẻ vàng thủy sản, đơn vị tích cực tuyên truyền, vận động ngư dân ghi nhật ký khai thác phải đảm bảo đúng, đầy đủ thông tin nghề khai thác, vị trí mẻ lưới phù hợp với dữ liệu giám sát hành trình (GSHT). Ngành chức năng ghi sổ sách thông tin tàu cá thông báo ra vào cảng khớp với biên bản kiểm tra, giám sát tàu cá.

“Công tác xác nhận nguồn gốc hải sản khai thác thực hiện nghiêm túc. Chúng tôi lưu trữ hồ sơ sổ sách bằng bản giấy và trên phần mềm điện tử đảm bảo khoa học, truy xuất được nguồn gốc, kịp thời phục vụ công tác kiểm tra theo yêu cầu” - ông Châu nói.

Thời gian qua, các cơ quan chức năng của tỉnh đã phối hợp theo dõi, xử lý thông tin tàu cá mất kết nối GSHT và vượt ranh giới khai thác hải sản ở các vùng biển xa.

Quảng Nam cũng đã cập nhật 100% tàu cá có chiều dài từ 12m trở lên vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia thủy sản Vnfishbase. Từ năm 2023 đến nay, Quảng Nam không có tình trạng tàu cá bị lực lượng chức năng nước ngoài bắt giữ, xử lý.

Tuy vậy, tiềm ẩn nguy cơ rất lớn khi trong các tháng đầu năm 2024 đã có 44 tàu câu mực khơi và lưới chụp của tỉnh được xác định vượt ranh giới cho phép khai thác hải sản.

Mặc dù có khá nhiều chuyển động tích cực nhưng nghề cá Quảng Nam vẫn còn không ít hạn chế. Tỉnh vẫn chưa hoàn thiện truy xuất nguồn gốc hải sản. Nhật ký khai thác, nhật ký thu mua, chuyển tải ngư dân chỉ ghi chép đối phó.

Theo quy định tại Điều 49 Luật Thủy sản 2017, các tỉnh, thành phố có biển phải xác định, công bố hạn ngạch giấy phép khai thác hải sản ở tuyến lộng và ven bờ dựa trên trữ lượng nguồn lợi hải sản. Tuy nhiên, Quảng Nam chưa đủ năng lực để khảo sát, đánh giá trữ lượng nguồn lợi hải sản vùng ven bờ, vùng lộng và chưa hoàn thiện rà soát, thống kê cụ thể số lượng tàu thuyền đang hoạt động khai thác hải sản tại vùng lộng, vùng bờ nên chưa thể công bố hạn ngạch giấy phép khai thác hải sản ở các tuyến nói trên. Việc này sẽ cần thời gian để khắc phục.

Sản lượng hải sản qua cảng cá chỉ định mới chỉ đạt 8% tổng sản lượng toàn tỉnh. Việc này càng khó hơn khi cảng cá chỉ định An Hòa (xã Tam Giang, Núi Thành) đã không còn phục vụ nghề cá.

Ngành chức năng xử phạt các vi phạm mất kết nối GSHT tàu cá còn chưa triệt để. Việc xác minh, điều tra các trường hợp tàu mất kết nối GSHT trên 6 giờ mà không báo vị trí gặp không ít khó khăn.

Quảng Nam vẫn còn nhẹ tay trong xử phạt tàu cá từ 24m trở lên vi phạm khai thác hải sản và các tàu cá khác không đủ điều kiện mà vẫn đánh bắt hải sản trên biển.

Cơ hội cuối

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, đây là cơ hội cuối cùng để gỡ thẻ vàng đối với ngành thủy sản Việt Nam. Tháng 4 là thời điểm quyết định cho hành trình suốt hơn 6 năm dài bị thẻ vàng thủy sản siết chặt.

Ông Lê Minh Hoan yêu cầu cộng đồng ngư dân hiểu rõ câu chuyện thẻ vàng thủy sản để thực hiện tốt, khắc phục triệt để các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không đúng quy định (IUU) để gỡ bằng được thẻ vàng thủy sản.

“Nhiệm vụ chống khai thác IUU vừa thực hiện nhiệm vụ kinh tế, bảo vệ chủ quyền biển đảo vừa là hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế. Đề nghị ngành thủy sản cả nước hành động hiệu quả vì chúng ta không còn đường lùi” - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo chống khai thác IUU Quảng Nam cho biết, tỉnh đã lập danh sách toàn bộ tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU gửi về các địa phương để xác định vị trí tàu và theo dõi, giám sát hàng ngày, tránh vi phạm.

Các lực lượng thủy sản, biên phòng, quản lý cảng cá thường xuyên theo dõi hệ thống GSHT tàu cá, kịp thời phát hiện trường hợp vi phạm để cảnh báo, chấn chỉnh.

“Cùng với nhắc nhở, yêu cầu tàu cá mất kết nối GSHT trên biển phải về bờ sửa chữa, khắc phục, chúng tôi sẽ xử phạt mạnh để răn đe nếu tàu cá vẫn còn trên biển 10 ngày kể từ khi mất kết nối GSHT” - ông Ngô Tấn nói.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho biết, từ đầu năm đến nay, Quảng Nam bước vào giai đoạn cao điểm thực hiện chống khai thác IUU. UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương khẩn trương khắc phục những tồn tại trong chống khai thác IUU thời gian qua.

Các ngành chức năng, các địa phương đa dạng hình thức tuyên truyền, tổ chức cho ngư dân cam kết không vi phạm khai thác IUU. Ngành thủy sản phối hợp với biên phòng, quản lý cảng cá giám sát chặt tàu cá hoạt động trên biển, tổ chức kiểm tra kỹ càng khi tàu xuất bến, cập cảng và truy xuất nguồn gốc hải sản.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khắc phục "thẻ vàng" thủy sản tại Quảng Nam: Không còn đường lùi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO