Để gỡ “thẻ vàng” thủy sản của Ủy ban châu Âu (EC), Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 45/CT-TTg ngày 23.10.2017 (Chỉ thị 45), cụ thể hóa nhiều nhiệm vụ, giải pháp cấp bách nhằm khắc phục cảnh báo về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định IUU, đồng thời giao các bộ, ngành, 28 địa phương có nghề cá trong cả nước khẩn trương thực hiện. Tuy nhiên, tại hội nghị trực tuyến với 28 tỉnh, thành phố khu vực duyên hải có đánh bắt, khai thác hải sản, vào cuối tuần qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đánh giá, hiệu quả trong thực hiện Chỉ thị 45 đến thời điểm này là rất ít.
Ngành thủy sản Quảng Nam cần xác nhận nguồn gốc nguyên liệu hải sản theo khuyến nghị của EC. Ảnh: V.NGUYỄN |
Nhiều khoảng trống
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, toàn quốc có 28.600 tàu cá sản xuất xa bờ, tổng sản lượng hải sản khai thác 3,2 triệu tấn/năm. Giá trị thủy sản xuất khẩu của nước ta mỗi năm hơn 8,4 triệu USD, trong đó xuất khẩu vào thị trường châu Âu chiếm 10%. Nghề cá ngày càng được đầu tư hiện đại, giải quyết việc làm cho hơn 1 triệu lao động, giúp nhiều gia đình ngư dân thực sự làm giàu từ biển. Tuy nhiên, nghề cá trong những năm qua đã cho thấy rất nhiều lỗ hổng và việc EC phạt “thẻ vàng” đã phản ánh đúng những bất cập nội tại. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, sự nhập cuộc của các bộ, ngành, 28 địa phương có nghề cá sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 45 còn chậm chạp. EC gia hạn phạt “thẻ vàng” thêm 6 tháng nữa là minh chứng. Luật Thủy sản 2017 có hiệu lực từ ngày 1.1.2019 đã luật hóa các khuyến nghị của EC về IUU, tuy nhiên cả nước cần thực hiện tốt Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng của FAO; giám sát tàu cá; phân vùng khai thác; không cấp phép cho tàu cá vi phạm IUU. Đặc biệt, tăng mức xử phạt hành chính đối với các vi phạm IUU để đảm bảo tính răn đe, tương đồng với các quốc gia khác trong khu vực. “Nhiều địa phương chưa nghiêm túc triển khai Chỉ thị 45. Thời gian gần đây, nhiều tỉnh vẫn để xảy ra trường hợp ngư dân trên địa bàn sản xuất ở các vùng biển không thuộc chủ quyền của Việt Nam như Kiên Giang, Bình Định, Cà Mau, Bình Thuận, Quảng Ngãi. Có đến 589 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý tại các vùng biển tranh chấp” - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nói.
Tại Quảng Nam, tổng số tàu đăng ký sản xuất xa bờ toàn tỉnh là 788 chiếc, đem lại sản lượng hải sản gần 50 nghìn tấn mỗi năm. Tuy nhiên, từ khi Chỉ thị 45 ban hành đến nay, tổng số tàu cá cập cảng cơ quan chức năng thống kê được chỉ có 75 lượt, tổng sản lượng hải sản khai báo chỉ có 740,3 tấn. Đến nay, Quảng Nam chưa xác nhận, chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu hải sản sau khai thác. Bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho biết, Quảng Nam mới chỉ kiểm soát tàu cá cập cảng ở cảng An Hòa (xã Tam Giang, Núi Thành) còn các cảng khác như Tam Quang (Núi Thành), Thanh Hà (Hội An), An Lương (Duy Xuyên) hay các bến cá khác chưa thực hiện được. Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh chưa doanh nghiệp nào có yêu cầu xác nhận nguồn gốc nguyên liệu hải sản.
Phải đồng bộ vào cuộc
Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, trong thời gian đến, Quảng Nam sẽ thực hiện nghiêm Chỉ thị 45 của Thủ tướng Chính phủ cũng như các thông tư, quyết định của Bộ NN&PTNT về thực hiện các khuyến nghị của EC, để đồng hành với nghề cá cả nước tiến đến gỡ “thẻ vàng” thủy sản. Theo đó, sẽ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên các tàu cá sản xuất xa bờ; nâng cấp, bảo dưỡng thường xuyên trạm bờ để đảm bảo kết nối thông tin liên tục giữa biển và bờ; triển khai thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tàu cá trước khi xuất bến, tham gia khai thác hải sản và về bờ, cập bến, lên cá. |
Đánh giá về kết quả thực hiện Chỉ thị 45 thời gian qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho rằng, có tình trạng một số địa phương vào cuộc với tâm thế đối phó. “Thời gian không còn nhiều, vào tháng 10.2018 đoàn nghị viện châu Âu sẽ sang kiểm tra về IUU tại Việt Nam. Đến tháng 1.2019 đoàn thanh tra của EC sẽ quay lại, kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện các khuyến nghị của EC về IUU để đi đến quyết định gỡ “thẻ vàng” hay tăng phạt “thẻ đỏ”. Bởi vậy, ngay từ bây giờ các bộ, ngành, 28 địa phương ven biển cần đồng loạt vào cuộc, triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp để chấn chỉnh tình hình” - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói. Phó Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT khẩn trương hoàn thiện nghị định hướng dẫn thi hành Luật Thủy sản; hoàn thiện nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản; ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng mà Việt Nam vừa gia nhập; hoàn thành việc gia nhập Hiệp định về Đàn cá di cư của Liên hiệp quốc. Đặc biệt, đẩy mạnh tuyên truyền và thiết lập cơ chế chỉ đạo, điều hành kịp thời, thông suốt, hiệu quả về IUU từ trung ương đến địa phương.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đã giao trách nhiệm cho các lực lượng biên phòng, cảnh sát biển tăng cường tuần tra, kiểm soát tại các khu vực chồng lấn, tranh chấp để kịp thời phát hiện, xử lý tàu cá nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam cũng như ngăn chặn tàu cá nước ta vi phạm vùng biển nước ngoài. Ngành ngoại giao thực hiện tốt công tác bảo hộ ngư dân, cung cấp các bằng chứng về việc các nước trong khu vực bắt giữ trái phép tàu cá và ngư dân Việt Nam trên vùng biển nước ta hoặc vùng biển chưa phân định, chồng lấn giữa các nước. Ngành công thương tham mưu các giải pháp để mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu cho hải sản Việt Nam cũng như tham mưu hoạch định các giải pháp, biện pháp ứng phó với những rào cản thương mại, ảnh hưởng đến sản xuất, tiêu thụ hàng hải sản của nước ta.
Với trách nhiệm, nhiệm vụ được giao, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường yêu cầu 28 địa phương có nghề cá tăng cường công tác kiểm soát đồng thời tàu cá xuất bến, tàu cá tại cảng, sản lượng hải sản cập bến theo quy định; thực hiện nghiêm công tác ghi nhật ký khai thác hải sản. “Bộ NN&PTNT đã có thông tư hướng dẫn, đề nghị các địa phương chấn chỉnh ngay việc xác nhận, chứng nhận sản phẩm hải sản sau khai thác bằng hồ sơ, dữ liệu cụ thể. Hành trình khai báo trong sổ nhật ký của ngư dân phải khớp với dữ liệu hành trình của hệ thống giám sát tàu cá. Tàu cá được xác nhận phải khớp với danh sách tàu cá ra vào cảng và được kiểm tra đối chiếu với danh sách tàu cá vi phạm IUU” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
VIỆT NGUYỄN