Khắc phục tình trạng sạt lở ở Đại Cường (Đại Lộc): Khó khăn về kinh phí

04/12/2012 00:32

Tình hình sạt lở ven sông Thu Bồn qua địa bàn xã Đại Cường (Đại Lộc) diễn biến hết sức nghiêm trọng khiến nhà cửa của 42 hộ dân thuộc thôn Quảng Đại 1 đang có nguy cơ đổ xuống sông.

alt
Bờ sông bị xâm thực sâu vào đất thổ cư của người dân tổ đoàn kết số 3.

Lực bất tòng tâm

Những năm qua, tình hình sạt lở ven sông Vu Gia - Thu Bồn qua địa bàn xã Đại Cường diễn biến phức tạp. Nằm ở chóp mũi hợp lưu của hai dòng sông Vu Gia - Thu Bồn, địa phương luôn bị uy hiếp bởi thiên tai vào mùa mưa bão. Trong đó, nhà cửa của 42 hộ dân ở tổ đoàn kết số 3 (thuộc thôn Quảng Đại 1) nằm ven sông Thu Bồn có nguy cơ cao đổ ập xuống sông. Bà Võ Thị Thúy Nguyệt - Chủ tịch UBND xã Đại Cường cho biết, trong năm 2008, địa phương đã bàn kế hoạch di dời và bố trí khu tái định cư (TĐC) tại đầu làng thôn Quảng Đại 2 (cách nơi ở cũ của 42 hộ dân 1,5km). Nhưng các chủ hộ thấy quá xa vùng đất đang sản xuất nên không đồng ý, hơn nữa, đa số người dân còn mưu sinh bằng nghề sông nước.

Đến tháng 6.2009, UBND xã họp lấy ý kiến nhân dân trong tổ. Người dân đề xuất được di dời về ở tại khu đất sản xuất lúa thuộc đội 6 (thôn Thanh Vân), sau đó xã Đại Cường đã có văn bản báo cáo, xin phê duyệt phương án di dời khẩn cấp lên phòng chức năng, UBND huyện Đại Lộc và Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh (Sở NN&PTNT). Trong khi chờ được giải quyết, cơn bão số 9 kéo theo trận lũ lụt lịch sử năm 2009 khiến mực nước sông lên cao khiến người dân phải di chuyển khẩn cấp đến nơi ở tạm. Ảnh hưởng của trận thiên tai làm cho phần lớn nhà cửa của nhân dân bị sụp đổ, xiêu vẹo. Dòng nước dữ tiếp tục cuốn theo 1,5ha đất thổ cư và 3,5ha đất sản xuất.

alt
Bà Tăng Thị Ba mong Nhà nước khắc phục tình trạng sạt lở, sớm ổn định cuộc sống.

Nhận thấy nguy cơ tài sản, đặc biệt là tính mạng của 42 hộ dân đang bị đe dọa trước mắt, song theo bà Nguyệt, với khả năng của xã và huyện thì không thể nào kham nổi kinh phí đầu tư san lấp mặt bằng khu TĐC, xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu và các thiết chế văn hóa khác cũng như hỗ trợ di dời lên đến hàng chục tỷ đồng. Vì vậy, hết năm này qua năm nọ, nguyện vọng cấp thiết nói trên của cán bộ, nhân dân địa phương vẫn chưa được thực hiện.  

Phương án nào?

Bà Huỳnh Thị Ênh, một người dân địa phương cho biết, khu vực đất đai ven sông bắt đầu bị sạt lở nặng trong những năm gần đây. Đến nay, đất sản xuất và đất thổ cư bị bờ sông thâm nhập sâu khoảng 100m. Một số hộ dân rời khỏi tổ đoàn kết đi đến nơi khác mua đất làm nhà, nền đất cũ đã trôi theo dòng nước. Nhà nước có chủ trương di dời 42 hộ dân còn lại từ cách đây 4 - 5 năm, nhưng chờ đợi mãi không thấy đâu, bà muốn xây tường rào cổng ngõ mà không dám làm.  

Theo ông Phạm Hạn - Tổ trưởng tổ đoàn kết số 3, may mắn năm nay chưa xảy ra bão lụt lớn, không gây hại nhà cửa nhưng người dân vẫn thấp thỏm. Bà con mong muốn cấp trên quan tâm, sớm có biện pháp để dân bớt lo lắng vì sạt lở. Nhà nước có thể đầu tư làm bờ kè chống sạt lở hoặc tổ chức di dời để người dân yên tâm mưu sinh, xây dựng nhà cửa kiên cố. Theo bà Võ Thị Thúy Nguyệt, nhằm tạo điều kiện cho nhân dân ổn định cuộc sống và an tâm sản xuất, địa phương rất mong các cấp, các ngành có liên quan khẩn trương đầu tư xây dựng khu TĐC để di dời bà con ra khỏi vùng nguy hiểm. Lưới điện RE2 muốn kéo xuống tận nơi phục vụ nhân dân trong tổ cũng không được vì sợ lãng phí. Thế nên, hệ thống điện mà bà con đang sử dụng không đảm bảo ổn định, đường dây từng nhà kéo về mắc trên trụ tạm rất nguy hiểm vào mùa mưa. Còn ông Phan Đức Tính - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc thì cho rằng, về lâu dài, đoạn bờ sông xung yếu qua khu vực tổ đoàn kết số 3 cần phải được kè là phương án tối ưu. Vì như vậy, quỹ đất thổ cư và đất sản xuất, cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa sẽ được giữ lại.

Trung ương chưa bố trí vốn cho khu tái định cư Thanh Vân
Bộ Kế hoạch - đầu tư đã có Công văn số 9186/BKHĐT-KTNN trả lời về hồ sơ đề nghị thẩm định nguồn vốn và phần vốn ngân sách Trung ương của dự án Khu TĐC Thanh Vân (xã Đại Cường, huyện Đại Lộc) sau khi UBND tỉnh gửi Báo cáo số 168/BC-UBND. Theo đó, trên địa bàn tỉnh hiện nay có 1 dự án đang đầu tư dở dang và 3 dự án khởi công mới đã được thẩm định với số vốn Trung ương chưa hỗ trợ là 19 tỷ đồng. Dự kiến kế hoạch 3 năm tới (2013 - 2015), chương trình bố trí dân cư hỗ trợ cho Quảng Nam khoảng 19 - 20 tỷ đồng. Số vốn này chỉ đủ bố trí cho dự án đang đầu tư dở dang và các dự án khởi công mới đã thẩm định, không có vốn bố trí cho dự án khu TĐC Thanh Vân. Đây là dự án di dân ra khỏi vùng có nguy cơ cao xảy ra sạt lở ven sông, Bộ Kế hoạch - đầu tư sẽ phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ một phần kinh phí để tỉnh thực hiện khi có điều kiện về nguồn vốn.
Trên tinh thần công văn trên, UBND tỉnh cũng đã có văn bản giao Sở Kế hoạch - đầu tư chủ trì, phối hợp Sở Tài chính, Sở NN&PTNT, Chi cục Phát triển nông thôn căn cứ các quy định, ý kiến của Bộ Kế hoạch - đầu tư, khả năng cân đối nguồn vốn địa phương để tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện dự án khu TĐC Thanh Vân đảm bảo hiệu quả, đúng quy định.

GIA KHẢI

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khắc phục tình trạng sạt lở ở Đại Cường (Đại Lộc): Khó khăn về kinh phí
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO