Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên ở miền núi: Xây dựng nguồn lực người địa phương

XUÂN PHÚ 04/08/2023 08:08

Đội ngũ giáo viên thiếu và không ổn định là câu chuyện đau đầu đối với giáo dục miền núi nhiều năm qua. Để tìm lời giải cho “bài toán” khó này cần những giải pháp căn cơ, đặc biệt là xây dựng đội ngũ ngay từ chính miền núi.

Nhiều năm qua tỉnh tổ chức thi tuyển GV, trong đó có nhiều chỉ tiêu tuyển dụng cho miền núi song vẫn thiếu GV. Ảnh: X.P
Nhiều năm qua tỉnh tổ chức thi tuyển GV, trong đó có nhiều chỉ tiêu tuyển dụng cho miền núi song vẫn thiếu GV. Ảnh: X.P

Chuyện không mới

Thật ra không phải đến bây giờ câu chuyện thiếu giáo viên (GV) ở miền núi mới xảy ra. Tuy nhiên, trước thực trạng đội ngũ GV miền núi không an tâm công tác vì chẳng biết bao giờ được về đồng bằng, còn người dưới đồng bằng khi trúng tuyển qua kỳ thi tuyển viên chức không muốn đi lên miền núi, Giám đốc Sở GD-ĐT Thái Viết Tường cho rằng cần có giải pháp căn cơ để tháo gỡ.

Cạnh đó, người đứng đầu ngành GD-ĐT còn chỉ ra một số vướng mắc, khó khăn nảy sinh hiện nay khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, đó là thừa GV các môn khoa học tự nhiên và thiếu GV khoa học xã hội (do học sinh chọn học môn khoa học xã hội nhiều hơn khoa học tự nhiên).

Theo một lãnh đạo Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh, hàng năm có khoảng 60% học sinh của trường thi đậu vào ngành sư phạm. Tuy nhiên, các em sau khi học xong ra trường không được xét tuyển dụng mà phải cạnh tranh qua thi tuyển. Một số em không thể cạnh tranh nên ở nhà rất uổng phí, trong khi giáo dục miền núi rất cần GV người tại chỗ.

Một trong những vấn đề nan giải đối với miền núi đó là không có nguồn GV để tuyển dụng.

Ông Lê Đức Hảo - Trưởng phòng Nội vụ huyện Nam Trà My cho biết, năm 2022 chỉ tiêu tuyển dụng GV của huyện là 262 song dự thi 160 và trúng tuyển chỉ là 97. Thế nhưng, một số không nhận công tác vì trúng tuyển nơi khác hoặc điều kiện đi lại xa xôi.

“Việc các huyện tổ chức thi tuyển GV đối với miền núi có nhiều khó khăn, đề nghị tỉnh có giải pháp ưu tiên cho miền núi và tổ chức thi chung cho cả tỉnh như trước đây” - ông Hảo nói.

Trước đó vào năm 2021, cả tỉnh có 46 thí sinh trúng tuyển nhưng sau đó từ chối nhận quyết định, trong đó có không ít người thuộc diện đi miền núi.

Ở góc nhìn khác, lãnh đạo nhiều huyện miền núi than phiền địa phương là nơi để GV trẻ thực tập, tích lũy kinh nghiệm rồi xin đi nơi khác nên chất lượng giáo dục miền núi khó có điều kiện nâng cao.

Trưởng phòng GD-ĐT Nam Trà My - ông Võ Đăng Thuận bày tỏ băn khoăn khi giáo dục miền núi luôn đối mặt với tình trạng thiếu ổn định về đội ngũ vì không thể giữ chân GV gắn bó lâu dài. Vốn đã thiếu người, nhiều GV lên công tác thời gian ngắn tìm cách xin về đồng bằng. Bài toán thiếu GV nhưng vẫn phải cho GV chuyển công tác cứ xoay vần với giáo dục miền núi.

Xây dựng nguồn lực tại chỗ

Theo thống kê của Sở Nội vụ, tổng biên chế sự nghiệp GD-ĐT giao năm 2023 là 23.706 biên chế; trong đó cấp huyện 20.490, Sở GD-ĐT 3.216. Dù số người làm việc hiện nay là 23.702 người, song số biên chế là 21.380 người (cấp huyện 18.398 người, Sở GD-ĐT 2.982 người), còn lại hợp đồng lao động lên đến 2.322 người (cấp huyện 2.109 người, Sở GD-ĐT 213 người).

Một số địa phương miền núi có số lượng hợp đồng nhiều, nhất là Nam Trà My 228, Bắc Trà My 138. Kế hoạch năm học 2023 - 2024, do số học sinh tăng, toàn tỉnh có nhu cầu 24.561 người. So với biên chế giao năm 2023, các đơn vị sự nghiệp giáo dục thiếu 855 người; trong đó các huyện, thị xã, thành phố thiếu 748 biên chế, các đơn vị trực thuộc Sở GD-ĐT thiếu 107 biên chế.

Theo bà Trần Thị Bích Thu - Trưởng ban Văn hóa xã hội HĐND tỉnh, tình trạng thiếu GV ở các huyện miền núi ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới và chất lượng giáo dục. Vì vậy, cần tiếp tục tổ chức tuyển dụng để bổ sung nguồn GV.

“Để giải quyết căn cốt việc thiếu GV miền núi, nên khảo sát số lượng, ngành đào tạo phù hợp với nhu cầu và dự báo thiếu hụt GV. Qua đó, lựa chọn những học sinh có học lực khá, giỏi tại các trường phổ thông dân tộc nội trú của tỉnh để xây dựng kế hoạch đào tạo GV theo phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng và thực hiện các chính sách hỗ trợ về học phí, chi phí sinh hoạt theo Nghị định số 116/2020 của Chính phủ” - bà Thu nêu.

Tại kỳ họp HĐND tỉnh mới đây, nói về giải pháp để giải quyết câu chuyện thiếu đội ngũ GV miền núi, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Văn Dũng cho rằng, vấn đề căn cơ phải là xây dựng đội ngũ GV người địa phương, còn người Kinh lên công tác lâu dài dù có chính sách nhưng không an tâm công tác.

“Thế nên, cần nghiên cứu chọn người tại chỗ để đào tạo gắn với chính sách hỗ trợ đi học, sau này tuyển dụng vào làm việc để ổn định lâu dài đội ngũ GV cho miền núi” - ông Dũng nhấn mạnh.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên ở miền núi: Xây dựng nguồn lực người địa phương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO