Ngày 5.1.2019, tại làng Phong Ngũ, xã Điện Thắng Nam (thị xã Điện Bàn) sẽ diễn ra lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh cho ngôi mộ tiền hiền Hà Đức Ân và nhà thờ tộc Hà Đức. Đây là dịp để tri ân công đức tiền nhân mở đất lập làng, đắp bồi thêm truyền thống một dòng họ trải hơn 400 năm. Hành trình mở nước về phương Nam cũng lưu thêm dấu vết lịch sử đáng tự hào.
Nhà thờ tộc Hà Đức. |
“Quảng Nam thừa tuyên đạo” - đạo thứ 13 của đất nước đã định danh sau cuộc bình Chiêm của vua Lê Thánh Tông năm 1471. Tuy nhiên phải đến thời chúa Tiên Nguyễn Hoàng, xứ Thuận Quảng mới thực sự được định vị, lập xã, lập làng một cách quy củ hơn. Trong đoàn quân cùng Nguyễn Hoàng “Hoành Sơn nhất đái vạn đại dung thân” có vị tướng Hà Đức Ân, vốn sinh thành ở Thanh Hóa (khoảng năm 1533), vâng mệnh tiến về phương Nam.
Công tích lập xã, lập làng
Năm 1558, ngài Hà Đức Ân cùng đoàn quân của chúa Tiên đánh dẹp dư đảng nhà Mạc và các toán quân Chiêm Thành quấy phá miền Thuận Quảng. Khi vỗ yên xong, đại quân kéo về dinh Nam - Ngãi và chọn đất ở lại. Một tư liệu lịch sử có ghi việc này: “chiếm được một mảnh đất ở Quảng Nam, cây cỏ, đất đai phì nhiêu. Dân lo vỡ ruộng mới, ngày thì phá rừng chặt bụi, đêm leo lên cây cao mà ngủ” (cho được an toàn - NV).
Đến năm 1580, Thượng tướng quân Lộc dương hầu Hà Đức Ân đã kiến lập xã hiệu và rồi sau đó cử ông Võ Văn Đợi làm xã trưởng. Những xã hiệu này gắn với 6 làng từ Phong Nhứt đến Phong Lục (lục giáp) bao gồm vùng đất Điện Thắng Nam và một phần phía bắc phường Điện An (thị xã Điện Bàn) ngày nay.
Sau khi qua đời, ngài tiền hiền Hà Đức Ân được an táng giữa cánh đồng trên vùng đất cao thuộc xứ đất Thượng Thổ, nay là thôn Phong Ngũ Tây xã Điện Thắng Nam. Tưởng nhớ công ơn to lớn của bậc tiên khai, bà con dân làng và con cháu trong tộc Hà đắp ngôi mộ bằng đất rất to rộng khoảng 500m2, cao hơn 2m. Qua nhiều đời, ngôi mộ được tôn tạo, đến năm 1944 lập văn bia, năm 1973 xây mộ. Năm 1978, đáng lẽ phải di dời mồ mả để quy hoạch đồng ruộng, nhưng với công ơn to lớn của ngài trong việc khai khẩn đất đai, chiêu dân lập ấp, chính quyền cho giữ lại ngôi mộ. Năm 1998 thì đại trùng tu khang trang hơn. Giờ đây lăng mộ có diện tích khuôn viên 500m2, theo kiểu mộ cổ, nằm ở giữa đồng, bên ngôi chùa Châu Phong.
Việc thờ phụng ngài Hà Đức Ân được nhiều triều vua chỉ dụ cho chính quyền và nhân dân sở tại. Như đời Thành Thái thứ 16 (1904) có sắc: “Sắc Quảng Nam tỉnh, Diên Phước huyện, Hạ Nông Trung tổng, Châu Phong xã, Ngũ Giáp thôn phụng sự tiền hiền Hà Đức Ân đại lang. Nẫm trứ linh ứng hướng lai vị hữu dự phong. Tứ kim phi thừa trẫm mệnh diến niệm thần phủ, tước phong vi Dực bảo trung hưng linh phù chi thần. Chuẩn nhưng cựu phụng sự. Thần kỳ tướng hữu bảo ngã lê dân. Khâm tai! Thành Thái thập lục niên, thập nhất nguyệt, nhị thập ngũ nhật”. (Tạm dịch nghĩa: “Sắc cho làng Ngũ Giáp, xã Châu Phong, tổng Hạ Nông Trung, huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam phụng thờ tiền hiền Hà Đức Ân đại lang. Thần rất linh ứng, từ trước chưa được dự phong thưởng. Nay ta vâng theo mệnh lớn, nhớ tới công lao của thần, đáng được phong là: Dực bảo trung hưng linh phù chi thần. Nay chuẩn cho thờ thần như trước. Thần hãy giúp đỡ che chở cho nhân dân. Hãy kính noi theo! Ngày 25 tháng 11 năm Thành Thái 16”).
Ngôi nhà thờ và truyền thống
Năm 1610, các vị hậu hiền đã chọn ngôi nhà của ngài Hà Đức Ân để làm nơi thờ phụng và lưu giữ những giá trị truyền thống quý báu của gia tộc. Từ ngôi nhà thờ thủy tổ Hà Đức Ân, con cháu đời sau đã mở rộng và nâng cấp nơi đây trở thành nhà thờ tộc Hà Đức. Đây là công trình bao gồm quần thể di tích của gia tộc có niên đại đến nay hơn 400 năm.
Bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh cho ngôi mộ tiền hiền Hà Đức Ân và nhà thờ tộc Hà Đức. |
Tưởng nhớ công lao to lớn của ngài và các bậc tiền nhân, các thế hệ kế tiếp đã trùng tu, tôn tạo ngôi từ đường. Theo tài liệu và các hiện vật còn lưu lại, nhà thờ tộc Hà Đức được sửa chữa, trùng tu nhiều lần. Năm 1874 nhà thờ được dựng bằng sườn gỗ lợp tranh, có ba gian thờ. Năm 1912 được xây lại tường bằng gạch vữa vôi. Năm 1955 thì được xây dựng quy mô trên nền móng cũ, gồm tam gian, tứ vị, chạm trổ hoa văn tinh xảo. Tường nhà thờ xây bằng gạch cổ, vữa vôi, cột bằng gỗ mít tròn to, mỗi cột được đứng trên một viên đá vuông tròn (biểu tượng cho trời đất), trính, kèo đều chạm rồng ngậm ngọc, đòn tay và rui bằng gỗ lim, mái lợp ngói âm dương. Trong kháng chiến, nhà thờ là nơi sinh hoạt, họp hội của lực lượng cách mạng. Bà con trong tộc tập hợp về đây trong phong trào truyền bá chữ quốc ngữ do ông Hà Tôn, cán bộ tiền khởi nghĩa khởi xướng. Cách mạng tháng Tám năm 1945, bà con tập trung về nhà thờ nổi chiêng trống rồi cùng xuống đường đi giành chính quyền ở phủ Điện Bàn. Trong kháng chiến chống Mỹ nhà thờ là nơi các chiến sĩ cách mạng gặp gỡ, trao đổi thông tin, là nơi hoạt động thường xuyên của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Hà Huề...
Trải qua bao biến cố của thời gian, chiến tranh, lũ lụt, ngôi nhà thờ nhiều lần bị hư hỏng nặng. Tuy nhiên, bất chấp bom đạn giặc cày ủi, nhà thờ tộc Hà Đức vẫn còn giữ nguyên nền móng, thân tường và mái nhà, các gian thờ tự vẫn còn được gìn giữ. Năm 1976 nhà thờ được trùng tu và năm 1995 lại được đại trùng tu khang trang bề thế. Đến năm 2010, bà con nhân dân đóng góp xây dựng cổng tam quan và vào năm 2017, nhà thờ tộc Hà Đức được xây dựng khuôn viên sân vườn cùng khu hậu táng với quy mô khang trang, bề thế và hài hòa như ngày nay.
Danh thơm dòng tộc
Tính từ đời ngài tiền hiền Hà Đức Ân tới nay đã sinh hạ được 18 thế hệ với khoảng 3 ngàn con cháu sinh sống ở mọi miền, tại Phong Ngũ có hơn 1.700 người. Đời nào tộc Hà Đức cũng có những tài năng danh sĩ góp công với làng với nước. Trong đó có những chí sĩ yêu nước như Hà Đức Sưu, Hà Đức Tự (đời thứ 7) tham gia đoàn quân Tây Sơn đánh giặc Thanh xâm lược; Quản cơ Hà Đức Tân tham gia Nghĩa hội Quảng Nam đánh Pháp... Tiếp nối truyền thống bất khuất, qua các cuộc kháng chiến cứu nước còn có những người con anh hùng của tộc Hà như Hà Bồng, Hà Huề. Tộc Hà có những người con đi theo cách mạng trở thành những sĩ quan, cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước; có người còn đương nhiệm như TS. Hà Ban, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó ban Tổ chức Trung ương.
Tộc Hà cũng vang danh với truyền thống khoa bảng, như Hà Đức Ý (đời thứ 10) từng là Lang trung bộ Lại triều Tự Đức. Hà Đằng (đời thứ 11) từng làm đốc học Quảng Nam và Thanh Hóa. Về sau có rất nhiều tú tài Tây, kỹ sư, tiến sĩ, nổi bật như TS. Hà Phụng (đời thứ 13), sinh năm 1941, tốt nghiệp tiến sĩ Toán tại Pháp và làm việc cho một hãng nghiên cứu vũ trụ.
Mộ tiền hiền Hà Đức Ân. |
Sẽ khó thể kể hết bao nhiêu người nữa từ dòng tộc Hà Đức đi ra góp sức xây đời. Chỉ muốn nhắc lại đây một người nổi tiếng hơn cả về lĩnh vực nghệ thuật là Hà Đức Trọng (đời thứ 12), tức nhà thơ Thu Bồn, với nhiều giải thưởng văn chương trong nước và quốc tế. Đó là người đã để lại những bài thơ cháy bỏng tình yêu đất nước, quê hương:
Sông Thu Bồn ơi! Ta nghe người đương thở
Vỗ triền miên gội tóc những nương dâu...
“Hôn mảnh đất quê hương” này như nhà thơ Thu Bồn, để bao người con nữa sẽ ghi nhớ ngôi từ đường, nhớ bóng tiền nhân đã khắc sâu ân đức với xóm làng sông nước đi cùng năm tháng...
HÀ SÁU – ĐĂNG QUANG