Khắc thời gian vào đá

HỨA XUYÊN HUỲNH 28/01/2023 06:14

(Xuân Quý Mão) - Ngày xuân, có người từng nghe tiếng sóng trên núi Tam Thai và “tạc” ý thơ lạ lùng ấy vào dòng thời gian. Ngược lại, nhiều vách đá xứ Quảng cũng đang lưu giữ thời gian qua từng vết chạm khắc…

Những bài thơ cổ khắc ở vách động Hoa Nghiêm. Ảnh: HOÀNG SƠN
Những bài thơ cổ khắc ở vách động Hoa Nghiêm. Ảnh: HOÀNG SƠN

1. Những lần ngang qua Ngũ Hành Sơn, tôi cứ lẩn thẩn tự hỏi: Nếu ngày đó hòa thượng Thích Đại Sán (Thạch Liêm) không quá vội mà kịp khắc bài thơ lên vách đá khi lên chơi núi Tam Thai, có phải bây giờ di sản ma nhai xứ Quảng đã có thêm nhiều ký ức nữa hay không.

Đầu tháng 8/1695, sau khi trở thành thượng khách của chúa Nguyễn Phúc Chu, hòa thượng Thích Đại Sán đi đường thủy từ Phú Xuân vào cửa biển Đà Nẵng, sau đó theo sông Cổ Cò vào Hội An để lên thuyền về nước. Khi thuyền ngang qua Ngũ Hành Sơn, đoàn rước dừng lại để hòa thượng lên chơi núi Tam Thai.

Chuyện kể, chống gậy thăm núi, thăm động, hòa thượng thấy tiếc cho một phong cảnh “ở nơi xó tối hang cùng, tuy đá tốt núi xinh cũng chôn vùi trong gai cỏ; may ra chỉ làm nơi ca ngâm cho bọn tiểu mục, nơi ăn nằm cho đàn trâu dê”… Ông muốn đề tên núi, tên động và “làm một bài ca, rồi mài khắc vào đá”.

Nhưng thoạt nghe ý định này, vị giám quan người Việt nại lý do đã được chúa giao nhiệm vụ phải đưa hòa thượng vào đến Hội An trong ngày hôm đó, nếu trễ sẽ trái lệnh, chưa kể hàng nghìn quân nhân tháp tùng nếu ở lại sẽ không kiếm đâu ra lương thực… để “xin hòa thượng về thuyền, ngày khác rảnh rang sẽ trở lại”.

Đi tìm vết khắc của Duarte Coelho ở Cù Lao Chàm

Nhà nghiên cứu Phạm Đình Khiên, trong công trình “Cửa ngõ xứ Nam lúc bước chân vào cửa ngõ quốc tế”, có nhắc lại chuyện nhà thám hiểm người Bồ Đào Nha - Duarte Coelho từng đến xứ Bắc năm 1523 để điều đình thông thương, gặp lúc rối loạn vì Mạc Đăng Dung tung hoành, không đạt kết quả, ông đi lần xuống phía nam và từng lưu trú ở Cù Lao Chàm. Trước khi rời xứ, ông tạc trên núi đá ở Cù lao Chàm một hình thánh giá lớn, có ghi niên hiệu và danh tính…

Những dòng ghi chép ấy đã gây tò mò cho giới nghiên cứu sau này. Ông Nguyễn Chí Trung - nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho hay, ông từng cùng giáo sư Trần Quốc Vượng lên các đỉnh núi cao ở Cù Lao Chàm để thử tìm vết khắc của Duarte Coelho. “Đó là những chuyến điều tra, khảo sát toàn diện Cù Lao Chàm những năm 1987, 1989 và sau năm 1998 ở Bãi Làng, Bãi Ông. Nhưng tư liệu ấy chỉ nghe nói thế thôi, không ai tìm thấy” - ông Trung nói.

“Ta tiếc sơn thủy thắng du, tạo vật ghét ghen gì bấy!”, vị hòa thượng đến từ Trung Hoa đành buông câu cảm thán trong “Hải ngoại kỷ sự”. Vào đến Hội An, vẫn nằm trên thuyền, ông kịp làm bài trường ca “Chơi núi Thiên Thai” dài 103 câu và 2 bài thơ vịnh Tam Thai theo thể thất ngôn bát cú…

2. Theo thời gian, văn tự khắc lên vách núi đá (ma nhai) dần đầy ắp ở Ngũ Hành Sơn. Và tại hội nghị của Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương diễn ra từ ngày 23 - 26/11 tại Andong (tỉnh Gyeongsang Bắc, Hàn Quốc), đã công nhận ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn là Di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới.

Động Hoa Nghiêm (thuộc ngọn Thủy Sơn) là nơi tập trung ma nhai dày đặc nhất, tên động cũng từng được nhắc trong “Hải ngoại kỷ sự”. Ở ngọn Thủy Sơn này còn có chùa Tam Thai, các động Hoa Nghiêm, Huyền Không, Linh Nham phía đông, có động Vân Thông ở giữa hay chùa Linh Ứng, động Tàng Chân, động Bàn Cờ phía đông…

Thời gian đủ để ma nhai trở thành di sản, nhưng thời gian cũng đã hủy hoại nhiều thứ. Bị mờ xóa, bị bôi bẩn, bị tô trát xi măng che lấp… Giới nghiên cứu về văn khắc Hán Nôm tại Ngũ Hành Sơn từng ghi nhận trong tổng số hơn 90 văn bản khắc ở 5 hang động của Ngũ Hành Sơn, phần lớn không còn nguyên vẹn. Riêng tại động Huyền Không, 13 ma nhai đã mờ chữ, 9 ma nhai bị bôi trát xi măng và sơn, 2 ma nhai bị đục chữ…

Không phải nạn “bôi bẩn” lên đá Ngũ Hành Sơn bây giờ mới nói. Tam nguyên Trần Bích San, người từng làm tri phủ Thăng Bình, tri phủ Điện Bàn (Quảng Nam) dưới triều vua Tự Đức, đã đưa hẳn chuyện này vào thơ.

Trong bài thơ “Đăng Hành Sơn hậu ký kiến” (Ghi lại những điều trông thấy sau khi lên núi Ngũ Hành), ông viết rằng: “Hà sự thương ông lao xảo thiết,/ Khước giao bạch quỷ mạn lưu đề” (Ông xanh khéo sắp chi cho nhọc,/ Quỷ trắng bôi dơ chẳng kể đâu).

Các nhà nghiên cứu mổ xẻ nỗi đau của vị tam nguyên bắt nguồn từ chuyện tưởng chừng “nhỏ nhặt”: Sau khi Pháp tấn công Đà Nẵng, chiếm Gia Định rồi ký kết hiệp ước Nhâm Tuất (1862), người Pháp lên núi Ngũ Hành Sơn mà chẳng cần xin phép ai, chẳng ai dám ngăn cấm và tùy tiện “lưu đề” (bôi vẽ) lên di tích…

Ngũ Hành Sơn nhìn từ trên cao. Hòn Thủy Sơn (bên phải) là nơi nhiều tao nhân mặc khách viếng thăm và tập trung ma nhai dày đặc nhất. Ảnh: H.X.H
Ngũ Hành Sơn nhìn từ trên cao. Hòn Thủy Sơn (bên phải) là nơi nhiều tao nhân mặc khách viếng thăm và tập trung ma nhai dày đặc nhất. Ảnh: H.X.H

Albert Sallet, bác sĩ người Pháp, trong biên khảo “Les Montagnes de Marbre” (Ngũ Hành Sơn) cũng không né tránh: “…Những cuộc viếng thăm này tăng lên từ năm 1860, đã được ghi vào sách hoặc khắc tên vào lớp vôi của vách thành, vào lớp thạch cao của những công trình (xây dựng) và những pho tượng. Những tên ấy đều có kèm theo niên đại: 1863, 1865, 1867, 1875… Phần nhiều là người Pháp và cũng có người nước khác tham dự”.

3. Người “tạc” sóng trên núi Tam Thai (Ngũ Hành Sơn) vào thơ, chính là chúa Nguyễn Phúc Chu.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Công Thuần, tác giả “Non Nước - Ngũ Hành Sơn qua thơ văn”, liệt kê 4 bài thơ vịnh cảnh của chúa Nguyễn Phúc Chu in trên tô sứ cổ, có bài “Tam Thai thính triều” (Trên núi Tam Thai nghe sóng).

Cảm xúc của vị quốc chúa khi đến đây, trên miền biển Việt, nghe tiếng sóng mùa xuân mà ngỡ như nghe tiếng vọng của đá chuông (thạch chung) ở chốn Bà Dương bên Giang Tây, Trung Quốc (Tự lai Việt hải văn xuân lãng,/ Như tại Bà Dương thính thạch chung”).

Cũng vì liên tưởng đến thạch chung ở Bà Dương, tiếng chuông vọng từ hang đá theo như bài ký của Tô Đông Pha sau này, nên tiếng sóng ở Tam Thai cũng rất lạ. Không hẳn là sóng nước, mà rất có thể đấy là lời đồng vọng từ tiếng gió liên hồi, từ tiếng mưa, tiếng chao động của mấy khóm tùng. Biết đâu, đấy cũng là tiếng “sóng tùng” (tùng đào) trên đá núi Tam Thai. “Hưởng triệt nham tiền kỷ thụ tùng”, trước động rền xao mấy khóm tùng, câu cuối trong bài “Tam Thai thính triều” đã gợi ra tiếng sóng mùa xuân xôn xao...

Trên vách đá Ngũ Hành Sơn, thấy có nhiều bài thơ khác nữa. Vách động Huyền Không từng khắc thơ của Lê Văn Đạo (Hải phòng sứ tỉnh Quảng Nam, thời vua Đồng Khánh) và Thân vương Hồng Thiết (con của Tuy Lý Vương Miên Trinh). Vách động Hoa Nghiêm có thơ của tiến sĩ Trần Văn Thống (người Quảng Bình)… Một số thi phẩm khắc vào đá núi, mờ dần theo thời gian và tình cờ được các nhà nghiên cứu vạch rêu bụi tìm thấy từ sau năm 2010.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khắc thời gian vào đá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO