Khai bút giao thừa

BẢO ANH 04/02/2019 17:00

(QNO) - Trong số các mỹ tục đầu năm mới, khai bút là một việc mà các nho sĩ, văn nhân xưa nay vẫn thường làm. Sản phẩm của mỹ tục tao nhã, nghiêm trang và thiêng liêng này thường là đôi câu đối, mấy vần thơ, vài dòng suy ngẫm về nhân sinh mang tính “lập ngôn” hoặc là một ước nguyện đầu năm mới... và tất cả đều rất ngắn gọn, súc tích, kiệm lời...

Khai bút (ảnh có tính chất minh họa). Ảnh:B.A
Khai bút (ảnh có tính chất minh họa). Ảnh:B.A

Bởi vậy, làm một bài thơ khai bút dài những 20 câu, như trường hợp của nhà thơ Nguyễn Thị Mai dưới đây là một sự “lạ”:

KHAI BÚT GIAO THỪA

"Anh thấy không, rét mướt đã qua rồi/Mục thời tiết truyền hình đang báo ấm/Trời đã hửng, mở nụ xuân chầm chậm/Theo tay người hồng lại sắc đào hoa.

Sẽ hết dần cóng buốt những ngày qua/Em đi đến bù xù khăn quấn cổ/Anh xa xót nắm bàn tay lạnh gió/Ủ hơi tình mạch nóng chạy sang nhau.

Đông trễ tràng nhưng rét đã qua mau/Để xuân đến đúng lập trình trời đất/Lại nồng ấm như mùa xuân thứ nhất/Nắng rộn ràng trên cánh thắm đào, mai.

Bao năm rồi kỷ niệm chẳng hề phai/Chưa kịp cũ cả niềm vui, nỗi khổ/Tình yêu ơi vẫn đằm đằm thương nhớ/Phút giao thừa, sau cha mẹ là anh.

Phút giao thừa nước mắt lại long lanh/Mừng đến đích những mùa xuân em có/Chân đã chạm phù sa đồng châu thổ/Thì tin yêu mãi mãi cả cuộc đời".

Không chỉ “lạ” về độ dài, đây còn là bài thơ có sự “khác biệt” về mặt hình thức, kết cấu và cả đề tài. Trong “sinh quyển” và “khuôn mẫu” chung thường thấy khi thực hành nghi thức khai bút xưa nay, hiếm thấy ai bày ra cả một câu chuyện dài, có trước có sau, có tả có kể, có diễn có bình... và đó lại là một câu chuyện về tình yêu riêng tư, về “anh”, về “em”... nữa.

Những hình ảnh, tình tiết trong câu chuyện ở bài thơ khai bút này có thể nói không có gì đặc sặc, nếu không muốn nói là rất quen, rất bình thường, cả về mặt thi ảnh lẫn cảm xúc thi ca. Đó là những chuyển động hoàn toàn “đúng lập trình trời đất”: Khi “rét mướt đã qua rồi” thì trời trở ấm, hoa khoe nụ, “Nắng rộn ràng trên cánh thắm đào, mai”.

Đó là một logic cảm xúc phổ thông, ai cũng có thể từng trải qua, từng bắt gặp, nhất là vào những thời điểm mang tính cột mốc, chẳng hạn như trong thời khắc chuyển giao giữa 2 mùa, giữa năm cũ và năm mới: “Bao năm rồi kỷ niệm chẳng hề phai/ Chưa kịp cũ cả niềm vui, nỗi khổ”...

Thế nhưng, “Khai bút giao thừa” của Nguyễn Thị Mai vẫn không vì dài dòng kể, tả về những chuyển động đương nhiên mà trở nên nhạt hay loãng. Trái lại, ở mỗi câu thơ, mỗi khổ thơ đều có những mắc - xích - chữ đủ bền chặt, đủ ngưng đọng, đủ vang rung để tạo nên sự hàm súc cần có cho một bài thơ khai bút.

Hoa, tự nó đã đẹp, nhưng sẽ đẹp hơn, thắm hơn khi có tay người: “Theo tay người hồng lại sắc đào hoa”.

Xuân của đất trời, tự nó sẽ ấm lên cùng với hân hoan nắng mới. Nhưng xuân sẽ chỉ thật sự là xuân, ấm áp, ngọt ngào khi nó được cầm nắm, níu giữ bởi những đôi tay tình yêu thủy chung, gắn bó, khi con người biết “Ủ hơi tình mạch nóng chạy sang nhau”.

Một kết nối khác, dễ làm người đọc giật mình, là ở hai câu cuối của khổ thơ thứ ba: “Tình yêu ơi vẫn đằm đằm thương nhớ/ Phút giao thừa, sau cha mẹ là anh”. Hoàn toàn là một khai - bút - tình, nhưng rồi, tác giả đã rất khéo léo và bất ngờ tự bào chữa bằng hai câu thơ đòn bẩy. “Anh” hẳn sẽ không buồn, mà ngược lại, nếu là một người biết nghĩ, hẳn “anh” sẽ thấy ấm lòng, thấy mình là một người yêu may mắn.

Với người đọc, nếu biết nhà thơ Nguyễn Thị Mai là một người từng trải qua những biến cố gia đình và rất “chăm chỉ” làm thơ về tình cảm gia đình, hẳn sẽ cảm nhận được đầy đủ và rõ rệt hơn tình cảm chân thành được nhà thơ gói ghém trong câu thơ “Phút giao thừa, sau cha mẹ là anh”.

Thơ của Nguyễn Thị Mai xưa nay đều rất tròn trịa với những cái kết có hậu. Bài thơ “Khai bút giao thừa” cũng vậy: bốn câu cuối là một sự ngưng đọng ngọt ngào, một tin yêu tràn ngập. Và, hạnh phúc, tin yêu viên mãn, tròn đầy ấy trở nên quý giá hơn là bởi tình yêu đã trải qua những thăng trầm, những “rét mướt”, những “cóng buốt” và cả những giọt nước mắt nóng hổi được chắt lọc, kết tinh  ngay trong phút giây trời đất giao mùa.

“Phút giao thừa nước mắt lại long lanh” vì thế không chỉ là một câu thơ đẹp mà còn là một hàm ngôn súc tích, một gửi gắm chân thành và cũng không hề “xa lạ” so với tinh thần khai bút xưa nay...

BẢO ANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khai bút giao thừa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO