Với 8 hòn đảo nhỏ trải dài theo hình vòng cung, Cù Lao Chàm (TP.Hội An) đến nay vẫn là quần đảo hiếm hoi giữ được phần lớn vẻ hoang sơ vốn có. Đặc biệt, chỉ có đảo Hòn Lao mới tồn tại sự sống của con người. Và câu chuyện khai hoang, mở cõi vùng đảo này đến nay vẫn được cư dân trên đảo nhắc nhớ.
Cụ Huỳnh Thêm (thôn Bãi Làng) kể vanh vách cuộc di dân giữa thời máu lửa bom đạn: “Tôi nhớ như in, 3 giờ sáng 12.9.1968, địch mở cuộc càn quét vào căn cứ cách mạng rừng dừa Bảy Mẫu xã Cẩm Thanh. Lúc ấy, tôi đang tham gia hoạt động du kích địa phương nhưng vì lấn cấn vợ và ba đứa con nheo nhóc nên phải dắt díu nhau rời làng tìm nơi ẩn náu. Nghe bà con ngư dân trong đất liền hồi đó truyền tai nhau ở Cù Lao Chàm không có chiến tranh, tôi đã tìm cách bắt thuyền đưa bốn mẹ con ra đây lánh nạn, sau đó tôi quay trở lại tiếp tục cầm súng chiến đấu. Cho tới ngày đất nước thống nhất, tôi mới ra đảo đoàn tụ với gia đình và cư ngụ cho tới ngày hôm nay”. Cùng thời gian ấy, hơn 100 gia đình phần đông là người già và con trẻ ở các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, Hội An, Điện Bàn… đã vượt biển đến Cù Lao Chàm để tránh cảnh bom đạn.
Trong ký ức cụ Nguyễn Từ (80 tuổi, thôn Cấm) là người bản địa Cù Lao Chàm, thời điểm trước năm 1968, hòn đảo cũng tiếp nhận một số người di cư đến kiếm kế sinh nhai. Số này chủ yếu là các ngư dân phương xa vì sa cơ lỡ vận, chẳng may gặp nạn trên biển nhưng họ chỉ trụ lại đôi ba tháng, nhiều lắm một năm thì về lại đất liền. “Mãi tới khi hàng trăm cụ già, trẻ con lũ lượt kéo ra đây vào năm Mậu Thân, đảo mới bắt đầu đông đúc người đến sinh sống. Chứ trước đó, cả đảo chỉ đúng 30 nóc nhà phân bố rải rác tựa lưng vào vách núi, trải dài theo triền con sóng. Phải thừa nhận, chính cuộc di dân lịch sử này đã hình thành nên cộng đồng cư dân trên đảo Cù Lao Chàm như ngày hôm nay” - cụ Từ bộc bạch. Khi đất nước thống nhất, những tưởng lớp người chạy giặc sẽ quay về quê xứ, nhưng họ quyết định chọn Cù Lao Chàm làm nơi sinh sống lâu dài. “Ba mẹ đưa hết thảy 4 anh em ra đây lánh nạn khi anh trai lớn vừa lên 10, còn đứa nhỏ nhất như tôi mới tròn 2 tháng tuổi. Đến nay, đều cưới vợ, lấy chồng ở Cù Lao Chàm và xem hòn đảo này như là quê hương thứ hai của mình” - ông Huỳnh Tấn Lộc (49 tuổi, thôn Bãi Ông) cho hay.
Năm 1980, trên chuyến tàu vận chuyển hành khách từ đất liền ra đảo, không ít bạn trẻ là đoàn viên thanh niên đã mạnh dạn đi tiên phong mở đường giúp dân ngoài đảo. Bà con Cù Lao Chàm hân hoan vì con đường lịch sử mang tên Quyết Thắng nối liền 4 thôn: Cấm, Bãi Ông, Bãi Làng, Bãi Hương mở ra. Và trong buổi đầu khai hoang ấy, có không ít đôi bạn trẻ đã nên duyên vợ chồng, trong đó có bà Huỳnh Thị Tám (58 tuổi, thôn Bãi Ông). “Ròng rã ba năm trời dời non, lấp hố, cuối cùng con đường giao thông kéo dài ngoằn ngoèo cả chục cây số đầu tiên trên đảo cũng hoàn thành. Tôi tham gia lao động tình nguyện 2 năm, đây chính là cơ duyên để tôi trở thành dâu xứ đảo” - bà Tám chia sẻ.
TAM CA - SEN NGUYỄN