Đến hẹn lại lên, vào ngày 16.8 này, Triển lãm Mỹ thuật Nam miền Trung-Tây Nguyên lần thứ XXI - sân chơi mỹ thuật lớn nhất khu vực, sẽ được khai mở tại Quảng Ngãi.
Tại Triển lãm mỹ thuật khu vực năm 2016, nhiều tác giả Quảng Nam tiếp tục phát huy sở trường sáng tạo của mình. Trong ảnh: Tác phẩm “Ngày mới” - tranh khắc gỗ của tác giả trẻ Hà Châu. |
Triển lãm lần này giới thiệu, trưng bày 176 tác phẩm của 167 tác giả đến từ Bình Định, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Gia Lai, Khánh Hòa, Kon Tum, Phú Yên, Quảng Ngãi và Quảng Nam.
So với Triển lãm lần thứ XX diễn ra tại Quảng Nam, số lượng tác giả, tác phẩm tại triển lãm lần này giảm khoảng 20% nhưng bên cạnh đó, không có sự chênh lệch quá lớn giữa các tỉnh, thành phố. Một số địa phương có phong trào mỹ thuật mạnh tiếp tục khẳng định sự vượt trội của mình về mặt số lượng, như Đà Nẵng với 34 tác phẩm của 34 tác giả; Gia Lai với 26 tác phẩm của 24 tác giả; Quảng Ngãi với 23 tác phẩm của 20 tác giả... Riêng với Kon Tum, từ chỗ thường chỉ lèo tèo 5 - 6 tác phẩm thì lần này đã vượt hẳn lên với 13 tác phẩm của 12 tác giả được chọn trưng bày.
Một điểm khác cũng đáng lưu ý, trong số 176 tác phẩm lọt vào vòng trưng bày của Triển lãm Mỹ thuật lần này chỉ có 70 tác phẩm của 63 tác giả là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Nghĩa là, tác phẩm của những người là hội viên địa phương và chưa phải là hội viên của bất cứ cấp hội nào xuất hiện ở sân chơi này nhiều hơn. Theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam, ở khía cạnh nào đó thì đây là một tín hiệu vui, bởi ít ra các địa phương đã phát hiện được thêm những gương mặt mới để bổ sung vào lực lượng sáng tác mỹ thuật của mình. Đặc biệt, những gương mặt mới ấy ngay sau khi được phát hiện đã được dự phần vào một sân chơi chuyên nghiệp, có tính cọ xát cao như triển lãm này.
So với Triển lãm Mỹ thuật khu vực lần thứ XX, lần này Quảng Nam chỉ có 19 tác giả với 19 tác phẩm được chọn vào vòng trưng bày và xét giải (lần thứ XX gồm 34 tác phẩm/ 32 tác giả). Tuy ít hơn trước, nhưng về cơ bản “đội hình” của Quảng Nam lần này vẫn khá chuẩn: có đủ những gương mặt cũ - mới, trẻ - già; có đủ các phong cách nghệ thuật khác nhau.
Ở nhóm hội viên Trung ương, Quảng Nam có 6 tác giả và tất cả đều có những tác phẩm đúng sở trường. Lê Nguyên Chính trình làng tác phẩm “Bạn diễn” và đây lại là tranh sơn dầu với đề tài tuồng cổ mà anh đeo đuổi bao năm nay. Nguyễn Văn Huy tiếp tục tạc tượng bằng chất liệu tổng hợp với một đề tài thời sự qua tác phẩm có tên “Thủy triều đỏ”. Trần Văn Binh vẫn với tranh trừu tượng bằng chất liệu acrylic và vẫn với cách đặt tên “4 chữ 2 vế” cho tác phẩm của mình: “Góc núi mặt sông”. Riêng Trần Đức sau nhiều năm miệt mài với đồng và gỗ thì nay góp mặt bằng một bức tượng đa chất liệu, gồm poli, sắt, kính, sứ và đồng. Tương tự, một số tác giả là hội viên của tỉnh cũng tiếp tục góp mặt bằng các tác phẩm được sáng tác trên những chất liệu sở trường của mình. Trương Bách Tường một lần nữa chơi nghệ thuật sắp đặt với cước và mặt nạ giấy bồi. Trầm Thị Trạch Oanh duyên dáng, mới mẻ, hiện đại bằng mixmedia. Hà Châu tiếp tục với tranh khắc gỗ liên hoàn... Ngoài ra, bên cạnh những chất liệu quen thuộc như sơn mài, sơn dầu, composite..., một số tác giả đã mạnh dạn thể hiện tác phẩm trên chất liệu khắc gỗ màu, acrylic trên toan, acrylic trên bố, góp phần làm nên sự đa dạng, mới mẻ và lạ lẫm cho đội hình mỹ thuật Quảng Nam.
Cuộc chơi mỹ thuật khu vực Nam miền Trung - Tây Nguyên năm 2016 chỉ mới bắt đầu. Chưa biết trong vụ mùa mới này Quảng Nam sẽ thu hoạch được những gì, nhưng những nỗ lực làm mới và phát huy thế mạnh, sở trường của mỗi nghệ sĩ là điều đáng để ghi nhận và là cơ sở để hy vọng...
BẢO ANH