(QNO) - Sáng nay 11/7, HĐND tỉnh (khóa X) khai mạc Kỳ họp thứ 15 - kỳ họp thường lệ giữa năm 2023 để xem xét, quyết định một số nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường và Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Xuân Vinh.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cùng các đại biểu thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh dự kỳ họp.
Theo chương trình kỳ họp, HĐND tỉnh sẽ tập trung thảo luận, cho ý kiến các báo cáo thường kỳ. Trọng tâm là đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm. Trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình, HĐND tỉnh sẽ quyết nghị bổ sung một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong 6 tháng cuối năm.
HĐND tỉnh cũng xem xét cho ý kiến, quyết định nhiều nội dung chuyên đề quan trọng, tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, an sinh xã hội trong năm 2023 và giai đoạn 2022 - 2025 như: xem xét thông qua kế hoạch đầu tư công năm 2024; điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; quy định chính sách hỗ trợ luân chuyển, điều động cán bộ, công chức; chính sách hỗ trợ và mức chi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh và một số nội dung quan trọng khác thuộc thẩm quyền…
Thẳng thắn nhận diện hạn chế
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường nêu rõ: Trong bối cảnh khó khăn, bất lợi chung của tình hình quốc tế và trong nước, song với sự tập trung, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục có những chuyển biến tích cực.
Có 13/15 chỉ tiêu dự kiến đạt và vượt kế hoạch nghị quyết đề ra. Khu vực thương mại, dịch vụ đang dần được phục hồi và có tăng trưởng, tăng 3,2% so với cùng kỳ. Thu ngân sách nhà nước đạt 44% dự toán HĐND tỉnh giao, bằng 57% so với cùng kỳ; một số ngành thu đạt và vượt như: thủy điện, bia và nước giải khát, du lịch...
[VIDEO] - Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường phát biểu khai mạc kỳ họp:
Đồng chí Phan Việt Cường đánh giá, những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm là rất quan trọng, tiếp tục củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vai trò điều hành của chính quyền các cấp. Tuy nhiên, với tinh thần cầu thị và trách nhiệm trước nhân dân, thẳng thắn nhìn nhận rằng, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn còn những tồn tại nhất định.
Để hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2023, tạo động lực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cho cả nhiệm kỳ 2021 - 2026, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường cho biết, với quyết tâm cao nhất, kỳ họp tập trung xem xét, thảo luận để quyết định nhiều nội dung quan trọng liên quan đến đời sống kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng theo chương trình kỳ họp.
“Khối lượng công việc của kỳ họp lần này rất nhiều, nội dung hết sức quan trọng; đã được các cơ quan liên quan tích cực chuẩn bị, đảm bảo quy trình, thủ tục theo quy định; được các ban của HĐND tỉnh tham gia góp ý hoàn chỉnh trong quá trình chuẩn bị và tiến hành thẩm tra chặt chẽ.
Thay mặt chủ tọa kỳ họp, với quyết tâm cao nhất, tôi đề nghị các đại biểu HĐND tỉnh phát huy dân chủ, trách nhiệm, thẳng thắn trong thảo luận, tranh luận, tập trung vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm.
Thể hiện rõ quan điểm đối với từng nội dung cụ thể; xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng thuộc nội dung chương trình đã thông qua, góp phần làm nên thành công của kỳ họp, đáp ứng sự mong đợi của nhân dân và cử tri toàn tỉnh” - Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường nhấn mạnh.
Quyết liệt các giải pháp
Về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đánh giá, sản xuất nông, lâm, thủy sản phát triển ổn định, là bệ đỡ của kinh tế tỉnh. Hoạt động thương mại, dịch vụ có mức tăng trưởng trở lại; ngành du lịch dần phục hồi, đã tác động lan tỏa mạnh mẽ đến các ngành, lĩnh vực khác phát triển.
Chất lượng giáo dục - đào tạo có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia được nâng lên. Các chính sách an sinh xã hội được quan tâm thực hiện đầy đủ, kịp thời; đời sống nhân dân được quan tâm. Công tác giải phóng mặt bằng, triển khai các dự án trọng điểm, động lực, các dự án trong khu kinh tế, khu công nghiệp được tập trung đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ.
Công tác thanh tra, giải quyết đơn thư được tập trung chỉ đạo giải quyết. Quốc phòng - an ninh, chủ quyền biên giới, biển đảo được giữ vững.
Tuy nhiên, theo đồng chí Lê Trí Thanh, tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, một số nguồn thu ngân sách nhà nước đạt thấp; tăng trưởng kinh tế giảm sâu so với cùng kỳ. Tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp - xây dựng giảm sâu so với cùng kỳ; ngành du lịch, dịch vụ vẫn chưa phục hồi hoàn toàn.
Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp giảm; số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động giảm. Giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu, công tác bồi thường - giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc.
Công tác lập Quy hoạch tỉnh, Quy hoạch chung, Quy hoạch nông thôn mới tại một số địa phương còn chậm. Tiến độ triển khai các dự án, công trình trọng điểm chưa bảo đảm đúng tiến độ; thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, phục hồi và phát triển kinh tế gặp nhiều khó khăn.
Các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), cải cách hành chính (PAR INDEX), hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) năm 2022 tụt hạng. Tình hình an ninh trật tự vẫn tiềm ẩn yếu tố khó lường; khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai còn phức tạp, kéo dài ở một số địa phương.
Nêu 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp bổ sung triển khai thực hiện trong 6 tháng cuối năm, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhấn mạnh, toàn tỉnh tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình phục hồi và phát triển kinh tế năm 2023. Tổ chức xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2023 và điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025.
Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành thu chi ngân sách; tăng cường các biện pháp quản lý thu, triển khai tốt hóa đơn điện tử, chống thất thu thuế, chống chuyển giá, trốn thuế; kiểm soát chặt chẽ nguồn thu từ tiền đất. Triển khai xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 đảm bảo tính chính xác, khả thi, phù hợp với dự kiến phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
Quảng Nam tập trung hoàn thành các đề án trình Thủ tướng Chính phủ theo Kết luận của Thủ tướng tại Thông báo số 135/TB-VPCP. Triển khai một số chính sách, giải pháp trọng tâm đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và bền vững theo chỉ đạo của Chính phủ và phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh.
Nâng cao trách nhiệm phối hợp của các sở, ngành và địa phương trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; triển khai có hiệu quả hoạt động của Tổ công tác đặc biệt của UBND tỉnh về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư...
Theo báo cáo của UBND tỉnh, 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước giảm 9,2% so với cùng kỳ; khu vực thương mại, dịch vụ và nông nghiệp tuy có tăng nhưng chưa bù đắp được sự sụt giảm của ngành công nghiệp.
Giá trị gia tăng toàn ngành công nghiệp giảm 24,3% so với cùng kỳ; trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 30%. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp giảm 29,87%. Tốc độ tăng trưởng ngành xây dựng giảm 16,4%.
Thu ngân sách chưa đạt tiến độ dự toán; các giải pháp tín dụng được tập trung triển khai để phục hồi, phát triển kinh tế. Đến ngày 30/6/2023, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn là 11.646 tỷ đồng, đạt 44% dự toán, bằng 57% so với cùng kỳ, xếp vị thứ 3/14 tỉnh Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ, xếp vị thứ 2/5 tỉnh trong khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung.
Trong đó, thu nội địa 9.910 tỷ đồng, đạt 47% dự toán, bằng 67% so với cùng kỳ, xếp vị thứ 2/14 tỉnh Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ, xếp vị thứ 1/5 tỉnh trong khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung.
Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trên địa bàn tỉnh ước đạt 15,1 nghìn tỷ đồng, giảm 8,2% so với cùng kỳ.