Sáng qua 20.10, Quốc hội khóa XIII khai mạc Kỳ họp thứ 8. Tại kỳ họp này Quốc hội sẽ xem xét nhiều vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội trước khi bước vào năm 2015, năm cuối cùng thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015. Đây cũng là kỳ họp đầu tiên, Quốc hội họp tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội mới.
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ, kỳ họp của Quốc hội diễn ra trong lúc kinh tế thế giới đang có dấu hiệu phục hồi, nhưng còn chậm; an ninh chính trị, xung đột vũ trang, dịch bệnh ở một số nơi diễn biến phức tạp tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế - chính trị khu vực và toàn cầu. Ở trong nước, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiềm chế, kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng trưởng đang trên đà phục hồi. Mặc dù vậy, tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, yếu kém, đe dọa tới sự phát triển bền vững của đất nước. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, tình hình đó đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân Việt Nam phải quyết tâm cao hơn nữa, có các chủ trương, giải pháp căn cơ, đồng bộ để tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, phục hồi đà tăng trưởng… Chủ tịch Quốc hội mong muốn, toàn dân đoàn kết một lòng nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 và 5 năm 2011 - 2015, tạo đà phát triển nhanh, bền vững trong các năm tiếp theo.
Đề cập tới công tác xây dựng pháp luật - nội dung chiếm phần lớn thời lượng Kỳ họp thứ 8, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, với dự kiến sẽ thông qua 18 dự án luật và 3 dự thảo nghị quyết, cho ý kiến về 12 dự án luật khác, đây là số lượng dự án luật lớn nhất từ trước đến nay được xem xét thông qua, cho ý kiến tại một kỳ họp. Kỳ họp thứ 8 là lần thứ hai Quốc hội thay mặt cử tri và đồng bào cả nước thực hiện việc đánh giá tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo chủ chốt trong bộ máy Nhà nước. Với ý thức trách nhiệm và sự chuẩn bị chu đáo, kỹ càng, Quốc hội tin tưởng sẽ hoàn thành tốt trọng trách này trước nhân dân, trước Đảng và Nhà nước.
Trên tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị các đại biểu Quốc hội nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy tinh thần đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, đóng góp nhiều ý kiến chất lượng, sâu sắc, đảm bảo cho kỳ họp thành công tốt đẹp, đáp ứng lòng mong đợi của đồng bào và chiến sĩ cả nước.
Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trình bày trước Quốc hội Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri. Tiếp đó, Quốc hội nghe các báo cáo: Thẩm tra về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015; Báo cáo và báo cáo thẩm tra về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2014; nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Buổi chiều, Quốc hội nghe các báo cáo và báo cáo thẩm tra về kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2014, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2015; nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra về các dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt; Luật Ngân sách nhà nước sửa đổi; Luật Kiểm toán nhà nước sửa đổi (Thông tin chi tiết nội dung, diễn biến kỳ họp được cập nhật liên tục trên Báo Quảng Nam điện tử tại địa chỉ “http://baoquangnam.com.vn”).
* Trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam đã có các cuộc tiếp xúc cử tri với hơn 1.600 lượt cử tri tham gia. Qua đó, cử tri Quảng Nam có nhiều kiến nghị gửi đến Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, thông qua các đại biểu dân cử, đề nghị Chính phủ, các bộ ban ngành quan tâm giải quyết:
Cử tri đề nghị Chính phủ có lộ trình sớm đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống trụ sở làm việc của các xã, nhất là ở khu vực miền núi; sớm có kế hoạch bố trí vốn đầu tư xây dựng, đưa điện về các thôn, xã chưa có lưới điện quốc gia (hiện nay trên địa bàn Quảng Nam còn 190 thôn của 62 xã thuộc 9 huyện chưa có lưới điện quốc gia). Quốc lộ 14B là tuyến giao thông huyết mạch đi các huyện miền núi phía nam của tỉnh, lưu lượng người và phương tiện giao thông đi lại lớn (nhất là đoạn từ TP.Tam Kỳ đi thị trấn Tiên Kỳ, huyện Tiên Phước); tuy nhiên, do mặt đường cắt ngang hẹp nên thường xuyên xảy ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Cử tri đề nghị Bộ Giao thông vận tải quan tâm có kế hoạch đầu tư mở rộng tuyến đường này, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân. Cử tri còn đề nghị bộ chỉ đạo các đơn vị thi công tuyến quốc lộ 1 có giải pháp thi công hợp lý, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông; chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiên cứu thiết kế, xây dựng cống thoát nước qua đường quốc lộ ở những đoạn có khu dân cư, mặt đường cao hơn mặt nền nhà dân. Cử tri huyện Tiên phước đề nghị Bộ NN&PTNT tiếp tục bố trí nguồn vốn đầu tư hoàn thiện Dự án Kè chống sạt lở bờ sông Tiên đoạn qua thị trấn Tiên Kỳ (đến nay công trình đã thi công được 46% khối lượng). Cử tri vùng Trà My đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp tục có chính sách hỗ trợ đối với các hộ dân có nhà tài sản bị ảnh hưởng, thiệt hại do động đất tại khu vực Thủy điện Sông Tranh 2, giúp nhân dân sớm ổn định cuộc sống…
B.T.V