Sáng 29.7, Lễ hội văn hóa - thể thao các huyện miền núi Quảng Nam lần thứ XVIII với chủ đề “Âm vang ngày hội” khai mạc tại sân vận động huyện Bắc Trà My. Sau nhiều ngày chuẩn bị, những mảng màu văn hóa đa dạng của các đoàn tham dự đã có dịp khoe sắc trong một không gian đậm đặc bản sắc truyền thống.
Tham dự lễ khai mạc có Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Kim Hùng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Võ Xuân Ca, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh cùng các đại biểu là lãnh đạo các sở, ban, ngành, lãnh đạo 9 huyện miền núi. Ngoài ra, Sở VH-TT&DL TP.Đà Nẵng và tỉnh Quảng Ngãi, lãnh đạo các huyện Tây Trà, Trà Bồng cũng đến tham dự lễ hội.
Ngày hội chung
Tờ mờ sáng, sân vận động huyện Bắc Trà My đã đông nghịt người. Hơn 1.500 vận động viên cùng nhiều diễn viên quần chúng của huyện Bắc Trà My về tham dự. Sân vận động chật kín người dân theo dõi lễ khai mạc, trong đó không ít người phải lặn lội từ các huyện Tây Giang, Nam Giang, Phước Sơn… Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh (Trưởng ban tổ chức lễ hội) nhấn mạnh, lễ hội lần này là hoạt động văn hóa thể thao quan trọng đối với các huyện miền núi của tỉnh. Đây cũng là dịp tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc, đồng thời tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân sinh sống tại các huyện miền núi của tỉnh nâng cao sức khỏe, thể lực, cải thiện đời sống văn hóa tinh thần, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của địa phương. Thông qua lễ hội, tỉnh sẽ có điều kiện phát hiện nguồn vận động viên, diễn viên ở các lĩnh vực thể thao, văn hóa, văn nghệ để đào tạo, bồi dưỡng nâng cao thành tích, chuẩn bị lực lượng tham gia hội thi toàn quốc.
Điệu múa truyền thống của người Ca dong xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My.Ảnh: P.GIANG |
Tham dự lễ hội lần này, các đoàn đã mang đến những nét tinh túy, độc đáo, những vận động viên tiêu biểu nhất. Chỉ riêng sắc màu của trang phục truyền thống xuất hiện tại lễ khai mạc đã tạo được sức hút đối với người tham dự. Là hội chung của các dân tộc anh em, đoàn tham dự nào cũng nổi bật với những bộ trang phục đặc trưng của dân tộc mình. Có mặt trong đoàn diễn viên của huyện Tây Giang tham dự lễ hội, Alăng Thị Pari - Top 18 hoa hậu các dân tộc Việt Nam trong dịp Festival Hành trình di sản năm 2013 chia sẻ: “Được góp mặt trong lễ hội lần này với bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình, em vừa cảm thấy tự hào, vừa mong muốn sẽ giới thiệu được nét văn hóa truyền thống của dân tộc Cơ Tu mình đến với các đoàn bạn và du khách”. Ông Đinh Hài, Giám đốc Sở VH-TT&DL (Phó ban tổ chức lễ hội) cho biết, Lễ hội văn hóa - thể thao các huyện miền núi Quảng Nam lần thứ XVIII một lần nữa là dịp hội tụ, giao lưu của những sắc màu văn hóa độc đáo nhất, đặc sắc nhất, đồng thời quảng bá những giá trị truyền thống của các địa phương miền núi đến du khách trong những ngày diễn ra. Chính vì thế, trang phục, các điệu múa hát, sản phẩm truyền thống đều được các địa phương mang đến, góp những tinh túy của dân tộc mình đến lễ hội.
“Bữa tiệc” văn hóa
Ngay sau lễ khai mạc hoành tráng, ý nghĩa và đậm “chất núi”, không gian trưng bày, triển lãm được tổ chức tại Quảng trường văn hóa huyện Bắc Trà My chính thức mở cửa. Mỗi gian hàng là không gian trưng bày, giới thiệu những sản vật đặc trưng, những ngành nghề truyền thống cũng như hình ảnh, hiện vật về quá trình xây dựng, phát triển của từng địa phương. Nếu như gian hàng của huyện Bắc Trà My hấp dẫn du khách với những sản phẩm tượng mộc, đan lát, các món ẩm thực truyền thống của người Co, người Ca dong… thì gian hàng của huyện Phước Sơn khiến du khách thích thú với những “bó củi hứa hôn” được đoàn giới thiệu, thuyết minh rất hấp dẫn. Ngay cả những vật dụng đời thường trong sản xuất, sinh hoạt của đồng bào vùng cao như cái gùi, mâm cơm, giỏ… cũng đủ sức thu hút khách bởi tính tinh xảo, độc đáo và đầy sáng tạo. Trừ huyện Nông Sơn, tất cả gian hàng của những đoàn tham dự lễ hội đều trưng bày các mặt hàng thổ cẩm với đủ loại chất liệu, hoa văn, họa tiết tinh xảo, độc đáo. Đoàn Đông Giang, Nam Giang còn gây ấn tượng mạnh hơn khi cho những nghệ nhân trực tiếp dệt may những sản phẩm từ thổ cẩm truyền thống phục vụ khách tham quan. Chị Nguyễn Thu Sương (quê Thăng Bình) chia sẻ: “Đến với lễ hội, được tận mắt chứng kiến những sản phẩm truyền thống của các dân tộc, trải nghiệm các công đoạn sản xuất thổ cẩm và tìm hiểu về các tập quán, phong tục của người dân vùng cao, tôi cảm thấy rất thích thú. Những món ăn truyền thống hay các sản phẩm điêu khắc, bó củi hứa hôn thực sự gây được ấn tượng mạnh đối với tôi cũng như nhiều du khách khác tham dự”.
Đến với không gian triển lãm, những người tham dự lễ hội có dịp tham quan các gian hàng, tìm hiểu phong tục, tập quán thông qua những mặt hàng trưng bày, thưởng thức ẩm thực truyền thống của các dân tộc. Một “bữa tiệc văn hóa” đầy màu sắc giữa núi rừng Bắc Trà My đã làm mãn nhãn những người tham dự. Ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết: “Hướng đến một không gian giao lưu văn hóa chung cho cộng đồng các dân tộc vùng cao Quảng Nam, lễ hội đã tạo điều kiện cho các địa phương, các dân tộc anh em có điều kiện quảng bá những nét độc đáo, tinh túy của văn hóa truyền thống. Sự phong phú, đa dạng của bản sắc văn hóa trong phong tục, tập quán sinh hoạt, trong đời sống các tộc người sẽ là điều kiện để quảng bá, phát huy giá trị truyền thống”.
Không gian trưng bày, triển lãm của các dân tộc, địa phương sẽ tiếp tục mở cửa đến ngày bế mạc lễ hội. Cùng với đó, các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, giao lưu cồng chiêng, trình diễn trang phục truyền thống sẽ được tổ chức trong suốt những ngày diễn ra.
PHƯƠNG GIANG - ALĂNG NGƯỚC