Như những kỳ đại hội trước, Đại hội TDTT tỉnh Quảng Nam lần thứ VIII đã chọn bóng đá làm môn khai màn. Tuần qua, liên tiếp trong các ngày 20 - 22.8 tại 3 địa phương là Đại Lộc, Hội An và Thăng Bình đã sôi nổi diễn ra lễ khai mạc các bảng đấu của giải Bóng đá nam 11 người tỉnh Quảng Nam tranh cúp Pha Din lần thứ IX năm 2017.
Khán giả tại giải bóng đá tỉnh diễn ra trên sân Hội An.Ảnh: A.SẮC |
Môn thể thao vua lĩnh ấn tiên phong cho một kỳ đại hội là điều không ngạc nhiên. Bởi bóng đá là môn thể thao đại chúng, lôi cuốn nhiều người, nhiều thành phần lứa tuổi tập luyện, thi đấu và đến sân xem các đội bóng thi đấu. Thế nên, việc “chọn mặt gửi vàng” vào bóng đá là điều hoàn toàn hợp lý, tạo ra không khí sôi nổi, hấp dẫn để “mở hàng” cho ngày hội của toàn dân.
Song câu chuyện đáng nói ở đây, cho dù là môn dành cho khối đồng bằng thi đua với nhau tại kỳ đại hội nhưng lần đầu tiên đã có sự góp mặt của 2 địa phương miền núi là Phước Sơn và Hiệp Đức cùng đông đủ 9 huyện đồng bằng, thị xã, thành phố. Phải dành lời khen cho 2 huyện miền núi này khi họ lần đầu xuất quân tham dự sân chơi vốn xưa nay gần như chỉ dành cho các địa phương đồng bằng; đồng thời đánh tan những suy nghĩ theo kiểu “tham gia vì trách nhiệm với phong trào hay để khỏi bị trừ điểm thi đua” của một số địa phương trong thời gian qua. Có đến 11 đội bóng tham gia đã tạo cho giải sau 9 lần tổ chức mới xuất hiện sự “chật chội” và ban tổ chức buộc phải lựa chọn phương án chia làm 3 bảng để thi đấu vòng loại. Cũng vì vậy nên lần đầu tiên giải có thêm vòng đấu thứ 2 gồm 6 đội (mỗi bảng chọn 2 đội nhất và nhì tham gia vòng 2) được chia làm 2 nhóm thi đấu vòng tròn 1 lượt trước khi 2 đội nhất, nhì mỗi nhóm vào vòng bán kết rồi sau đó là chung kết. Tăng thêm trận đấu, cũng đồng nghĩa với việc các đội có thêm điều kiện để thi đấu cọ xát, khán giả được xem thêm nhiều trận và dĩ nhiên là sự hấp dẫn, kịch tính trong đua tranh của giải đấu sẽ trở nên cao hơn.
Đưa thể thao phong trào về cơ sở là chủ trương của ngành TDTT nhiều năm nay nhằm động viên, phát triển phong trào. Qua đó, tạo điều kiện cho người dân các địa phương được hòa mình vào không khí thể thao của cả tỉnh. Riêng với bóng đá, giải năm nay được tổ chức ở 3 địa phương, ngoài Hội An và Thăng Bình đã khá quen thuộc thì lần đầu tiên Đại Lộc được chọn đăng cai bảng đấu gồm 4 đội là Phú Ninh, Duy Xuyên, Điện Bàn cùng đội bóng chủ nhà. Đây cũng có thể coi là dịp để huyện Đại Lộc giới thiệu với các địa phương bạn về khu trung tâm TDTT huyện có quy mô hiện đại và lớn nhất tỉnh với kinh phí đầu tư hơn 36 tỷ đồng. Mới trải qua những trận đấu đầu tiên, song với điều kiện sân bãi khá tốt và sự hâm mộ của người dân nơi đây đã góp phần giúp cho giải đấu có chất lượng.
Bóng đá cũng là môn thể thao phong trào duy nhất của tỉnh được tổ chức bán vé với mục đích xã hội hóa, tăng thêm nguồn thu, góp phần phục vụ cho công tác tổ chức thi đấu cũng như khen thưởng. Trước đây, có ý kiến lo ngại việc bán vé sẽ gây khó khăn cho người dân, ảnh hưởng đến phong trào. Tuy nhiên, thực tế số lượng khán giả đến sân khá đông, nhất là khi giải được tổ chức tại địa phương hoặc đội bóng thi đấu bán kết, chung kết. Ngay cả giải bóng đá cấp huyện, thị xã, thành phố thời gian qua vẫn thu hút khá đông người xem và có địa phương thu cả trăm triệu đồng từ bán vé mỗi lần tổ chức giải. Rõ ràng, sức sống của bóng đá phong trào là rất lớn và sự lôi cuốn của môn thể thao vua này trong người dân phần nào đó hơn hẳn bóng đá chuyên nghiệp như Cúp quốc gia, thậm chí một số trận đấu của V-League.
ANH SẮC