Đông Giang bắt đầu khai thác tiềm năng du lịch sinh thái (DLST), du lịch cộng đồng (DLCĐ). Tuy nhiên, nỗ lực của huyện chưa đủ để vượt lên những hạn chế, tồn tại hiện hữu.
Vùng cao Đông Giang, 2 điểm DLCĐ gắn với làng nghề đã thành hình và đang khai thác là Làng DLCĐ thôn Bhơ Hôồng (xã Sông Kôn) và Làng DLCĐ thôn Đhrôồng (xã Tà Lu). Ở đó, 11 cơ sở lưu trú với 5 nhà nghỉ, 2 gươl, 3 homestay, 5 moong có tổng cộng 56 phòng nghỉ phục vụ du khách dừng chân khám phá văn hóa bản địa, tận hưởng khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ. Thông qua dự án của các tổ chức quốc tế, cộng đồng làm du lịch nơi đây được trang bị kiến thức chung về làm du lịch, nghiệp vụ đón tiếp khách, buồng phòng, thành lập và vận hành tổ hợp tác du lịch, Ban Quản lý làng DLCĐ. Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang - bà ATing Tươi đánh giá, sự hợp tác kinh doanh giữa người dân trong làng và doanh nghiệp diễn ra một cách hài hòa vì mục tiêu chung. Điển hình là việc tổ chức nhiều cuộc họp giải quyết vướng mắc, đưa ra hướng phát triển trên nguyên tắc công khai, minh bạch, thống nhất về các khoản chi phí dịch vụ, cam kết giá cả dịch vụ du lịch. Ban quản lý cùng với ban ngành, hội đoàn thể tuyên truyền, vận động người dân tham gia làm du lịch, phân chia nhiệm vụ cho các nhóm dịch vụ thật cụ thể nên dần đi vào nền nếp, chất lượng ngày càng cải thiện.
“Đánh thức” tiềm năng DLST, thời gian qua, lãnh đạo huyện không ngừng xúc tiến, mời các doanh nghiệp về tìm hiểu cơ hội đầu tư. Công tác này còn được tiến hành thông qua quá trình khảo sát, hội thảo về du lịch thu hút dự án. Theo đó, nhiều đơn vị tiến hành triển khai thi công, hoặc chuẩn bị về mặt thủ tục pháp lý thực hiện các dự án Khu DLST Cổng trời Đông Giang (xã Mà Cooih), Khu DLST suối khoáng nóng A Păng (xã Sông Kôn), Khu DLST nghỉ dưỡng cao cấp Tây Bà Nà (xã Ba), Khu DLST Trường Sơn - Sông Bung (xã Mà Cooih)… Trong đó, giai đoạn 1 của Khu DLST Cổng trời Đông Giang dự kiến đưa vào phục vụ du khách tham quan, nghỉ dưỡng vào đầu năm 2020. Ngày 21.8 vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500) Khu DLST suối khoáng nóng A Păng, tạo cơ sở tiến hành những bước tiếp theo.
Cần tháo gỡ rào cản
Theo ông Hồ Quang Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, chính quyền địa phương sẵn sàng tạo mọi điều kiện và hỗ trợ tối đa cho các nhà đầu tư tìm về với Đông Giang. Để chứng minh, tháng 10.2018, Huyện ủy Đông Giang đã quyết định thành lập Tổ công tác chuyên trách của Ban Thường vụ Huyện ủy. Tổ có nhiệm vụ tổ chức tuyên truyền, quán triệt và vận động nhân dân ủng hộ các chủ trương của huyện về triển khai các dự án lớn trên địa bàn. Cạnh đó, tổ cùng đồng hành với doanh nghiệp để giải quyết hoặc tham mưu tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án.
Thời gian qua, Đông Giang quyết tâm phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, từ đó góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững, tạo ra nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư, nhất là khai thác hiệu quả dự án chẳng hề đơn giản. Đáng chú ý, giao thông đối ngoại như quốc lộ 14G, đường Kà Dăng - A Sờ kết nối ĐT609 dù liên hoàn, song lại chưa thông suốt do cấp đường thấp, quá chật chội, cong cua, hư hỏng nặng; đường Hồ Chí Minh vào mùa mưa thường xuyên bị sạt lở dễ khiến du khách e dè lên non. Chính vì vậy, việc cải tạo căn cơ để diện mạo đường sá thông thoáng và an toàn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và quảng bá hình ảnh du lịch địa phương cần được tiến hành. Bà ATing Tươi chia sẻ thêm, kết cấu hạ tầng du lịch chưa đáp ứng nhu cầu. Đơn cử, ở 2 làng DLCĐ chưa có bãi đỗ xe cho du khách; trang thiết bị sản xuất thiếu; chưa có nhà trưng bày và giới thiệu sản phẩm tại Làng DLCĐ Bhơ Hôồng. Trong khi đó, ngân sách huyện thì khó khăn, chủ yếu hỗ trợ công tác tuyên truyền, quảng bá.
Còn theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương, chuyên viên Phòng VH-TT Đông Giang, trình độ kỹ năng du lịch, kỹ năng giao tiếp ngoại ngữ của đội ngũ làm DLCĐ yếu và thiếu. Chưa kể, người dân nặng tâm lý ngại tiếp xúc, ngại giao tiếp với người nước ngoài. Trong lúc, sản phẩm, dịch vụ tại làng DLCĐ nghèo nàn; mẫu mã dệt, đan lát không có người thiết kế. Để dần tháo gỡ hạn chế, bà Hương cho rằng phải tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích làm du lịch. Một cơ chế huy động nguồn lực mang tính khả thi cao cần được tính đến. Huyện kiến nghị UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí bảo tồn, phát triển các nghề, làng nghề cũng như xây dựng, thực hiện quy hoạch phát triển du lịch vùng. Sở VH-TT&DL tiếp tục tạo điều kiện đẩy mạnh quảng bá thông qua hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước. Đồng thời, hỗ trợ mở các lớp tập huấn kỹ năng nghiệp vụ du lịch, giao tiếp ngoại ngữ tại địa phương, nhất là cho đội ngũ Ban Quản lý làng DLCĐ.