Khai phá vùng đất phía đông sông Xích Lam: Dấu ấn Phạm Duy Trinh

NGUYỄN VĂN TÂM 11/09/2016 08:38

Nhờ các bậc tiền nhân tiên phong khai phá, mở đất, mà ngày nay mới có cánh đồng màu mỡ và làng xóm trù phú ở bờ phía đông sông Xích Lam thuộc huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong đó có công lao to lớn của cụ Phạm Duy Trinh - một người con của vùng đất huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam cách đây gần 2 thế kỷ.

Phần mộ cụ Phạm Duy Trinh tại Gò Quéo, phường Bình Trung Tây, quận 2, TP.Hồ Chí Minh.
Phần mộ cụ Phạm Duy Trinh tại Gò Quéo, phường Bình Trung Tây, quận 2, TP.Hồ Chí Minh.

Công lớn

Trong sách Địa chí tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu do tác giả Nguyễn Thạch Phương, Nguyễn Trọng Minh biên soạn, trang 210 có đoạn viết như sau: “Sách Đại Nam nhất thống chí ghi lại những sự kiện khơi úng, cải tạo vùng đất trũng bên bờ đông sông Xích Lam, biến thành 300 mẫu ruộng (tương đương 150ha) để dân cày cấy. Đây là công trình thủy lợi vào đời Minh Mạng thứ 19 (1838), hộ phủ Phạm Duy Trinh huy động sức dân đào đắp. Dấu  vết của việc làm này còn lưu đến hôm nay là một làng Bờ Đập, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu”.  Qua tư liệu này chúng ta được biết chính xác vào năm 1838 với tài năng của mình, cụ Phạm Duy Trinh đã huy động nhân lực, vật lực thực hiện công việc khơi úng, cải tạo vùng đất trũng bên bờ tây sông Xích Lam (tức sông Ray ngày nay) để nhân dân làng Bờ Đập, huyện Đất Đỏ có điều kiện trồng lúa và hoa màu. Vậy cụ Phạm Duy Trinh gốc tích ở đâu và hành trạng thế nào?

Xin được cung cấp một số thông tin như sau: Vào năm 1998 Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, TP.Hồ Chí Minh đã thực hiện đợt khảo sát khu lăng mộ của ông Phạm Quang Triệt và Phạm Duy Trinh ở Gò Quéo, phường Bình Trung Tây, quận 2, TP.Hồ Chí Minh. Nguồn  sử liệu cho biết Phạm Duy Trinh là con trai của Phạm Quang Triệt (? - 1818). Ông Phạm Quang Triệt từng giữ chức Tả tham tri bộ Lại từ năm 1823, tước Hầu, hàm Tòng nhị phẩm. Trong sách “Đại Nam Chánh Biên Liệt Truyện” “(Phạm Quang Triệt) tổ tiên người huyện Diên Phước, Quảng Nam, sau đến ở Gia Định, là em họ Hình bộ Thượng thư Phạm Như Đăng. Triệt là người cương trực có học thuật. Năm Gia Long thứ 14 (1815) Thăng Lại bộ Tả tham tri. Năm thứ 15 Sách lập Hồng Thái tử (Minh Mạng sau này) Triệt được phong làm quan Phụng chiếu năm thứ 17 (1818) chết”.  Trong Đại Nam thực lục chánh biên cũng có ghi:” Cuối năm 1794 Phạn Quang Triệt được thăng từ Cống sĩ viện lên Hàn lâm viện Thị học theo sự bảo cử của Cương Đồng (Đình Thần). Đầu năm 1883 (năm Gia Long thứ 2) được cử làm Phiên trấn dinh Ký lục. Năm 1813 làm Lại bộ Tả tham tri”.

Hành trạng

Phạm Duy Trinh là con trai của Phạm Quang Triệt. Năm 1833, ông giữ chức thụ Án sát Biên Hòa, năm 1834 tham gia đánh đuổi giặc Xiêm về nước. Sau khi dẹp yên phong trào nổi dậy của người thiểu số ở Bình Thuận năm 1835, ông được giữ chức Bố chính (là chức quan sau Tuần phủ, Tổng đốc, chuyên coi về việc thuế khóa, tài chính thời Nguyễn) tỉnh Biên Hòa. Năm 1838 ông tổ chức binh lính và tù nhân khai khẩn ở Phước An, Biên Hòa. Năm 1840, ông được thăng chức làm Thự tuần phủ Nam Ngãi kiêm giữ ấn triện Bố chính Quảng Nam. Đầu năm 1843, dưới thời vua Thiệu Trị, ông chuyển làm Tả tham tri bộ hình đến giữa năm ông được cử làm chủ khoa trường thi Hương Thừa Thiên Huế. Sau đó ông lại chuyển đi làm tuần phủ Hưng Yên. Ở đây ông bị phạt lương vì có những đề nghị không hợp ý vua Thiệu Trị và bị giáng cấp. Năm 1844, ông lại được được đề bạt Tuần phủ Hưng Yên. Cuối năm này ông được giữ ấn quan phòng Tổng đốc Sơn - Hưng -Tuyên  thay cho Nguyễn Đăng Giai. Đầu năm 1845, ông trở lại làm Tuần phủ Hưng Yên. Khi Phan Bá Đạt bị mất chức Tổng đốc Định - Yên, ông được bổ Tuần phủ Nam Định - Hưng Yên, hộ lý ấn quan phòng Tổng đốc Nam Định - Hưng Yên. Năm 1844, Phạm Duy Trinh đã cho làm lại sổ ruộng tỉnh Nam Định và xin cho người Trung Quốc đắp đê khai khẩn ruộng nộp thuế.

Đầu năm 1847, viên quan dưới quyền ông là lãnh binh Nguyễn Văn Tiến khai man hình án, ông bị tội lây phải phạt cách lưu, song chỉ một tháng sau ông lại được cử làm Tuần phủ Bắc Ninh hộ lý ấn quan phòng Tổng đốc Ninh Thái thay cho Ngụy Khắc Tuần thăng thự Tổng đốc Bình Phú, giữ chức Tả tham tri bộ Binh, Tuần phủ Bắc Ninh. Năm Tự Đức thứ nhất (1848) Hộ đốc Bắc Ninh Phạm Duy Trinh được triệu về Kinh chuẩn bị việc phục vụ việc tế Nam giao. Ở đây ông bị tố giác là không trung thực khai báo tình hình tỉnh Bắc Ninh. Về việc này vua Tự Đức cho phép ông khai báo lại nhưng ông vẫn trung thành lời khai cũ. Tự Đức cho điều tra rồi giao pháp ty xét xử. Cuối cùng ông bị phạt 100 trượng và  bãi chức vĩnh viễn không được khai phục và qua đời sau đó 3 năm (1851).

Dấu tích

Hiện nay, lăng mộ cụ Phạm Duy Trinh nằm ở Gò Quéo, phường Bình Trung Tây, quận 2, TP.Hồ Chí Minh, cách lăng mộ của Phạm Quang Triệt khoảng 4,5m về bên trái. Đặc điểm lăng mộ Phạm Duy Trinh làm bằng chất liệu đá ong kết hợp với hợp chất. Bố cục nhìn từ ngoài vào trong kiến trúc lăng mộ có kết cấu như sau: cửa lăng, bình phong tiền, sân tế, cửa mộ, nhang án, nấm mộ, kết thúc là bình phong hậu.  Kiến trúc lăng được bao quanh bởi hệ thống tường thành, trụ biểu… kích thước dài nhất 8,5m, rộng nhất 7,2m. Bia lăng mộ Phạm Duy Trinh hiện được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng TP.Hồ Chí Minh. Bia mộ hình chữ nhật vát góc phần trán bia. Kích thước cao 92cm, rộng ngang 64cm. Trán bia chạm nổi chính giữa vòng tròn với biểu tượng âm dương. Ngang hai bên trang trí đồ án hoa văn dạng vân mây. Diềm bia chạm hình hoa cúc dây uốn lượn hình sin. Hàng ngang phía trên bia ghi hai chữ Đại Nam, hàng dọc chính ghi: “Hiền khảo nguyên thụ trung phụng đại phu Binh bộ tả tham tri Bắc Ninh Tuần phủ hộ lý Ninh Thái Tổng đốc quan phòng Phạm Khắc Đông thụy Trang Khải phú quân chi mộ”. Hàng dọc bên trái bia ghi niên đại “Tuế thứ Tân Hợi mạnh hạ nguyệt cát nhật” (1851) và đề người lập bia: “Tự tử quang Phổ (Đoàn?) lập bi”.

Căn cứ các nguồn tư liệu, cho thấy năm 1836 Phạm Duy Trinh giữ chức “Bố chính” tỉnh Biên Hòa. Đến năm Minh Mạng thứ 19 (1838) ông chỉ huy khai khẩn vùng đất phía tây bờ sông Xích Lam, thuộc huyện Phước An, tỉnh Biên Hòa (nay thuộc vùng đất huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Thời gian thực hiện công việc khơi thông đắp đập chống úng ở huyện Phước An, tỉnh Biên Hòa, Phạm Duy Trinh giữ chức Bố chính chứ không là phủ hộ như nhiều sách đã trích dẫn. Sau đó năm 1847, Phạm Duy Trinh giữ chức Tả tham tri bộ Binh, và “Tuần phủ Bắc Ninh hộ lý Ninh Thái Tổng đốc quan phòng” (Hộ đốc Ninh Thái tương đương với chức chủ tịch tỉnh hiện nay).

NGUYỄN VĂN TÂM

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khai phá vùng đất phía đông sông Xích Lam: Dấu ấn Phạm Duy Trinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO