Khai phóng tiềm năng du lịch Nam Giang

CÔNG TÚ 15/10/2013 15:08

Tiềm năng du lịch ở Nam Giang mới chỉ được khai thác bước đầu. Vẫn còn nhiều việc phải làm trong những năm đến.

Du khách tham quan Nhà truyền thống huyện.Ảnh: C.T
Du khách tham quan Nhà truyền thống huyện.Ảnh: C.T

Đánh thức tiềm năng

Nam Giang được đánh giá là một trong những huyện miền núi có nhiều tiềm năng và ưu thế để phát triển du lịch. Các điểm kết nối tour, làng nghề du lịch, địa điểm du lịch đã được khai trương, giới thiệu từ Festival Di sản Quảng Nam lần thứ V 2013. Ông A Lăng Mai - Chủ tịch UBND huyện cho hay: “Từ năm 2007, chúng tôi đã có đề án Xây dựng, phát triển du lịch huyện giai đoạn 2007 - 2015 và định hướng đến năm 2020. Chúng tôi nhấn mạnh đến các sản phẩm du lịch cộng đồng xã Tà Bhing làm nòng cốt, rồi từng bước triển khai đến thôn, bản khác có điều kiện”.

Thời gian qua, huyện đã đầu tư nhiều hạng mục công trình phục vụ du lịch như: đường lên thác Grăng, nhà truyền thống huyện, thúc đẩy mở rộng làng dệt thổ cẩm Za Ra, lập hồ sơ đề nghị tỉnh công nhận Di tích lịch sử cách mạng Bến Giằng. Theo ông Trần Dư - Trưởng phòng Văn hóa thông tin Nam Giang, địa phương còn quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá gắn liền các hoạt động văn hóa như liên hoan âm vang cồng chiêng, sưu tầm truyện cổ tích của các dân tộc Cơ Tu, Ve, Tà Riềng trên địa bàn huyện. Nhiều lớp tập huấn, hội nghị, hội thảo chuyên đề về khai thác tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch cũng được tổ chức, cùng các đoàn famtrip giới thiệu, quảng bá, kêu gọi đầu tư, nắm bắt cơ hội kết nối tour với các công ty lữ hành.

Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh có diện tích rừng tự nhiên rộng lớn. Hệ thực vật đa dạng thuộc 494 chi, 135 họ; trong đó có 23 loài đặc hữu của Việt Nam, 38 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam. Hệ động vật rừng có 53 loài thú, 183 loài chim, 44 loài bò sát, 21 loài lưỡng thú, 25 loài cá và rất nhiều động vật không xương sống. Trong đó, có 23 loài thú, 12 loài chim, 16 loài bò sát và 3 loài lưỡng cư có tên trong Sách đỏ Việt Nam. Đặc biệt, Sông Thanh còn có các loài đặc hữu làm tăng giá trị bảo tồn đa dạng sinh học của khu đối với thế giới, bao gồm voọc vá chân nâu, voọc vá chân xám, mang lớn và mang Trường Sơn.

Tuy còn nhiều khó khăn nhưng xác định khai phóng tiềm năng phát triển du lịch là nhiệm vụ ưu tiên trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở địa phương, chính quyền huyện Nam Giang đã lập kế hoạch, đầu tư một số hạng mục cấp thiết ban đầu. Nhận sự chỉ đạo từ cấp trên, UBND xã Tà Bhing, Ban Quản lý du lịch cộng đồng huyện phối hợp với tổ chức FIDR tăng cường tập huấn về dịch vụ du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng phát triển bền vững, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống. Địa phương cũng tổ chức tham quan học hỏi kinh nghiệm tại TP.Đà Nẵng và Hội An cho các nhóm sáng kiến cộng đồng và lãnh đạo xã, huyện… Ngoài ra, huyện phối hợp với Sở VH-TT&DL khảo sát 1,3km đường mòn Hồ Chí Minh chuẩn bị đưa vào bảo tồn, khai thác du lịch. Nam Giang hiện đã hình thành các sản phẩm du lịch: thác Grăng, Nhà truyền thống huyện, nhóm múa Bà Xua, Hợp tác xã dệt thổ cẩm Za Ra, nhóm đời sống người Cơ Tu ở thôn Pà Rồng, nhóm nhạc cụ, nhóm đời sống người Cơ Tu thôn Pà Ting, nấu ăn Cà Đăng, nấu ăn Pà Ia, đan lát, múa Pà Vả. Nếu tiếp tục được đầu tư đúng mức, huyện sẽ xây dựng, phát triển  nhiều sản phẩm du lịch sinh thái, làng nghề, lòng hồ, văn hóa, di tích lịch sử cách mạng, mua sắm, caravan…

Thiếu kinh phí

Tuy nhiên, ngành “công nghiệp không khói” ở Nam Giang vẫn chưa khai phóng hết tiềm năng. Chánh Văn phòng HĐND - UBND huyện, ông Tơ Ngôl Với cho rằng, cái khó đối với địa phương hiện nay là nguồn kinh phí hạn hẹp, nhiều hạng mục quan trọng chưa thể đầu tư. Tuyến giao thông từ Bến Giằng đi đến các điểm du lịch cộng đồng đang xuống cấp trầm trọng, việc đi lại khó khăn làm “chùn” chân du khách.

Theo thống kê chưa đầy đủ, có 12 đoàn du khách người nước ngoài (chủ yếu Nhật Bản), 3 đoàn famtrip và 3 đoàn khách trong nước với khoảng gần 700 người đặt chân đến Nam Giang từ khi khai trương sản phẩm du lịch. Làng dệt thổ cẩm Za Ra đi vào hoạt động gần 5 năm, thu hút trên 60 phụ nữ địa phương tham gia thực hiện trên 60 sản phẩm các loại. Tuy vậy, các sản phẩm dệt giá thành còn cao, chưa tìm được đầu ra ổn định. Cũng theo ông Trần Dư, hiện vật trưng bày tại Nhà truyền thống huyện hiện nay chưa thật sự phong phú, hấp dẫn du khách. Việc mua sắm, phục chế một số hiện vật lịch sử, văn hóa gặp khó khăn không nhỏ. Thêm vào đó, Ban Quản lý du lịch cộng đồng huyện, Ban điều hành xã Tà Bhing hạn chế trong phát triển tour, chưa kết nối được với những công ty lữ hành nhằm đa dạng hơn đối tượng du khách.

Nam Giang đã kiến nghị ngành chức năng đẩy mạnh đầu tư 1,3km đường mòn Hồ Chí Minh nhằm sớm đưa vào bảo tồn và khai thác du lịch cũng như hỗ trợ địa phương về quảng bá du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng Tà Bhing. Bên cạnh nỗ lực xã hội hóa đầu tư hoạt động du lịch, huyện rất mong Trung ương, tỉnh có sự quan tâm hỗ trợ kinh phí xây dựng các hạng mục hạ tầng cơ sở quan trọng.

CÔNG TÚ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khai phóng tiềm năng du lịch Nam Giang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO