Bất chấp yêu cầu của UBND tỉnh, một số đơn vị đã tận thu cát sỏi lòng sông không đúng quy định, chưa lắp đặt trạm cân cùng camera quan sát.
Lòng sông Vu Gia, đoạn gần với khu vực cầu Hà Nha (xã Đại Đồng, Đại Lộc) có ít nhất 2 doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản cát, sỏi còn hiệu lực (gồm Công ty Nguyên Thịnh Phát và Công ty Trường Lợi).
Theo nội dung ghi trong giấy phép cả hai doanh nghiệp khai thác bằng phương pháp lộ thiên. Báo cáo kinh tế - kỹ thuật của doanh nghiệp thể hiện: Mỏ có địa hình tương đối bằng phẳng, máy xúc và ô tô có thể di chuyển dễ dàng trên bề mặt địa hình, tiến hành khai thác bằng lớp bằng, dùng máy xúc cát lên xe vận chuyển đi.
Thế nhưng, thực tế Công ty Trường Lợi có mỏ cát tại thôn Ngọc Kinh Đồng (xã Đại Hồng) đã dùng tàu hút công suất lớn, bơm cát dưới lòng sông lên bờ để xúc vận chuyển ra bên ngoài. Tuy nhiên, việc thay đổi công nghệ, không đúng với hình thức khai thác ghi trong giấy phép trên chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Ngoài hút cát dưới lòng sông bơm lên bờ, các doanh nghiệp còn cho xe vận chuyển cát đem tiêu thụ vượt quá trọng tải cho phép, uy hiếp sự an toàn của cầu, và đường giao thông.
Theo người dân địa phương, việc doanh nghiệp tận thu khoáng sản cách chân cầu Hà Nha hơn 100m có nguy cơ đe dọa sự an toàn của cây cầu này. Tại làng Hòa Thanh, Vĩnh Phước (xã Đại Đồng) nhiều khu vực bãi bồi, đất canh tác bị sạt lở, người dân nghi do quá trình khai thác của các doanh nghiệp không tuân thủ theo quy định nên đã từng có đơn cầu cứu ở chính quyền địa phương và cơ quan chức năng. Đối với các mỏ cát được cấp phép khai thác gần chân cầu Hà Nha, hoạt động ô nhiễm chủ yếu phát sinh bụi do khoáng sản đem tiêu thụ, ảnh hưởng đến các khu dân cư, nước thải.
Tại huyện Đại Lộc, qua rà soát còn 11 giấy phép khai thác cát, sỏi đang còn hiệu lực, với tổng trữ lượng cát, sỏi của các mỏ đã được cấp phép khai thác hơn 2,1 triệu mét khối. Qua rà soát của Sở Tài nguyên - môi trường, năm 2021 sẽ có 5 giấy phép hết hạn và năm 2022 sẽ có thêm 2 giấy phép hết hạn tại địa phương này. Theo quy định, các doanh nghiệp, đơn vị khai thác cát sỏi lòng sông phải lắp đặt trạm cân, gắn camera giám sát tại các bến bãi tập kết cát.
Sở Giao thông - vận tải cho biết, đến ngày 7.4, mới chỉ có 2/8 bến cát lặp đặt trạm cân và camera ghi hình phương tiện ra vào bến. Các bến cát còn lại chưa trang bị trạm cân và nếu có lắp đặt camera cũng chưa đảm bảo theo quy định, chưa bàn giao mật khẩu đường truyền camera cho UBND huyện và Thanh tra Sở Giao thông - vận tải để theo dõi, quản lý.
Trên tuyến sông Thu Bồn và Vu Gia, có 4/8 mỏ chưa được chấp thuận phương án điều tiết đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa phục vụ khai thác, trong đó có mỏ của Công ty Nguyên Thịnh Phát. Vừa qua, ngành chức năng đã xử phạt hành chính nhiều doanh nghiệp khai thác cát, sỏi vi phạm quy định về đảm bảo an toàn giao thông đường thủy.
Ông Văn Anh Tuấn - Giám đốc Sở Giao thông - vận tải cho biết, sở đang rà soát để tham mưu UBND tỉnh thu hồi giấy phép hoạt động bến của các chủ mỏ chưa thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật, trong đó có quy định lắp đặt trạm cân theo Nghị định số 23 ngày 24.2.2020 của Chính phủ và chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 493 ngày 26.1.2021.
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, tất cả bến bãi tập kết cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh phải lắp đặt trạm cân, có kết nối wifi, camera theo dõi và cung cấp cho Cục Thuế, Chi cục Thuế khu vực để giám sát, quản lý khối lượng cát, sỏi mua bán tại bến bãi; cung cấp cho UBND huyện, thị xã, thành phố và Thanh tra Sở Giao thông - vận tải để quản lý tải trọng xe và các nội dung liên quan khác.
Theo đó, lộ trình triển khai đối với các bến bãi đã được cấp phép hoạt động và còn thời hạn phải hoàn thành lắp đặt các thiết bị trên và đi vào hoạt động trước ngày 30.3.2021. Sau ngày 30.3.2021, bến bãi nào không hoàn thành lắp đặt trạm cân đi vào hoạt động thì sẽ thu hồi giấy phép hoạt động bến. Đối với các bến bãi xin cấp lại, cấp mới, phải lắp đặt trạm cân trước khi lập thủ tục đề nghị cấp phép hoạt động bến, thuê đất.