Hệ sinh thái tự nhiên ở nhiều vùng đất có thể hàm chứa giá trị văn hóa đặc trưng. Cù Lao Chàm là vùng đất tiêu biểu minh chứng cho điều này. Việc phát triển Cù Lao Chàm, nhất là về du lịch cần có sự điều chỉnh linh hoạt trong giai đoạn mới.
Những giá trị độc đáo
Yến Cù Lao Chàm từ lâu đã được công nhận là sản vật cao cấp, “vàng trắng xứ Quảng”. Không nơi đâu ở khắp khu vực Trung Trung Bộ, có các đặc điểm địa chất phù hợp để loài yến phát triển như tại Cù Lao Chàm.
Các khe nứt kiến tạo trên đá granit, dưới tác động của sóng biển, mưa gió đã được mở rộng tạo ra các hang có hình thù, kích thước khác nhau, rất phù hợp với nhu cầu sinh thái của đàn chim yến.
Dẫu vậy nghề khai thác yến sào từ xưa vốn khắc nghiệt, nhiều rủi ro. Qua hàng mấy trăm năm, danh xưng làng Thanh Châu cùng miếu tổ nghề yến như một di sản truyền lại còn nhiều điều độc đáo mà những người làm du lịch trên đảo có thể dựa vào khai thác để tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn.
Ông Tống Quốc Hưng - Trưởng phòng Văn hóa thông tin TP.Hội An, cho biết: “Ở vùng biển Cù Lao Chàm hiện còn một số con tàu đắm từ nhiều thế kỷ trước chưa tiến hành khai quật vì chưa có kế hoạch tiếp theo để nghiên cứu. Những con tàu này minh chứng cho một “con đường gốm sứ” từng liên quan mật thiết đến Cù Lao Chàm trong quá khứ”.
Theo các chuyên gia của Hội Khảo cổ học, Viện Khảo cổ học, một số nhà nghiên cứu nước ngoài có gắn bó sâu với hoạt động khảo cổ ở nước ta đã nhận định vùng biển Cù Lao Chàm - Hội An là một địa điểm lý tưởng để xây dựng và phát triển ngành khảo cổ học dưới nước. Để thấy, vùng biển này còn ẩn chứa nhiều câu chuyện bí ẩn cần tiếp tục khảo sát làm rõ phục vụ cho tổng thể phát triển kinh tế - xã hội.
Với lịch sử cư trú từ rất lâu đời, một số công trình còn sót lại trên đảo cũng thể hiện tri thức, sự khéo léo của con người trong việc nương tựa vào tự nhiên. Đơn cử như giếng Chăm cổ Xóm Cấm từ ngàn xưa đã là nơi cung cấp nguồn nước ngọt dồi dào cho người dân bản địa cũng như các thương thuyền hải ngoại qua lại giao thương.
Điều thú vị là mạch nước tại giếng không bao giờ cạn kể cả trong những năm khô hạn khốc liệt nhất, điều không dễ tìm thấy trên một hòn đảo biệt lập với đất liền.
Thống kê cho thấy, mật độ di tích lịch sử tại Cù Lao Chàm là 2 di tích/1km2, mật độ các loài sinh vật trên cạn khoảng 20 loài/1km2, mật độ các loài dưới nước là 10 loài/km2.
Các thông số này cho thấy sự gắn bó mật thiết giữa giá trị văn hóa với tự nhiên ở Cù Lao Chàm và là điều kiện quan trọng để hình thành trung tâm nghiên cứu, thực hành về đa dạng sinh học, góp phần thúc đẩy phát triển điểm đến này.
Khai phá bền vững
Thời gian qua, địa phương đã phần nào khai thác được các sản phẩm thiên nhiên gắn với các câu chuyện văn hóa để phục vụ phát triển du lịch. Có thể kể là yến, ngô đồng, cua đá cũng như một số loại dược liệu đặc trưng.
Thực tế chứng minh giá trị gia tăng một khi kết hợp yếu tố văn hóa vào các sản phẩm tự nhiên rất lớn, có thể gấp hàng chục, thậm chí hàng trăm lần thông thường, cải thiện sinh kế rất hiệu quả cho người dân địa phương.
Ở thời điểm chưa bùng phát dịch bệnh Covid-19, một chiếc võng làm từ cây ngô đồng có giá vài triệu đồng/chiếc, trong khi một con cua đá có giá lên đến vài trăm nghìn đồng.
Tại buổi làm việc với Thường trực Tỉnh ủy để đề xuất, kiến nghị một số cơ chế, chính sách phát triển Hội An trong giai đoạn 2021 - 2026, ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết: “Hiện nay ở Cù Lao Chàm cứ lên cao một chút, khoảng từ bình độ 50m là hầu như đều thấy biển khu vực cấm vì yếu tố quốc phòng nên du khách rất ngại.
Thành phố kiến nghị các cơ quan quân sự cần xác định rõ ranh giới để du khách được tham quan, đi lại ở một số khu vực. Bởi nếu cấm nhiều khu vực một cách cứng nhắc như hiện nay thì rất tiếc, không phát huy được tiềm năng cảnh quan thiên nhiên vô cùng tươi đẹp của Cù Lao Chàm”.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Sơn, Cù Lao Chàm đang hướng đến khu du lịch quốc gia nhưng có đặc thù về tiêu chí số lượng khách. Bởi nếu không giới hạn du khách thì sẽ nhanh chóng dẫn đến cạn kiệt tài nguyên của nơi này.
“Hiện nay địa phương đã quản lý được loài cua đá nhưng tại Cù Lao Chàm còn vô số tài nguyên, sinh vật khác rất giá trị cần bảo tồn, khai thác hợp lý nên nếu không giới hạn khách sẽ không thể nào quản lý nổi” - ông Sơn nói.