Thiếu gắn kết giá trị văn hóa song hành cùng giá trị sinh thái trong từng hoạt động và từng sản phẩm, du lịch Cù Lao Chàm sẽ phát triển không bền vững!
Du khách tham quan, tìm hiểu tại Trung tâm truyền thông Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm. |
Cuối tháng 7.2018, Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An tổ chức khánh thành và đưa vào sử dụng các công trình nhà đón tiếp khách, phòng trưng bày lịch sử - văn hóa và điểm dừng chân Suối Tình ở Cù Lao Chàm. Hai công trình nhà đón khách và phòng trưng bày lịch sử - văn hóa được đầu tư, nâng cấp với tổng vốn gần 1,5 tỷ đồng, trong đó từ nguồn bán vé tham quan Cù Lao Chàm là 1,37 tỷ đồng và tổ chức JICA (Nhật Bản) hỗ trợ 9.500USD (khoảng 218 triệu đồng). Còn công trình điểm dừng chân Suối Tình được đầu tư khoảng 970 triệu đồng từ nguồn ngân sách thành phố. Đây là hướng đầu tư khai thác du lịch mới tại Cù Lao Chàm nhằm giới thiệu hệ thống các di tích lịch sử, văn hóa, vùng đất, con người và thiên nhiên nơi đây đến với nhân dân và du khách, góp phần phát huy lợi thế về tài nguyên văn hóa, tài nguyên thiên nhiên và nhân văn của Cù Lao Chàm.
Thực tế những năm gần đây, du lịch Cù Lao Chàm phát triển mạnh mẽ, mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương và cộng đồng cư dân nhưng chủ yếu mang tính “bề nổi”. Phần lớn du khách đến với Cù Lao Chàm chỉ mới được tận hưởng những cảnh quan sinh thái, hòa mình với thiên nhiên, với những bãi tắm đẹp và thưởng thức các món ăn hải sản. Trong khi đó, 2 di tích khảo cổ học, 26 di tích tín ngưỡng – tôn giáo, dân dụng cũng là công trình kiến trúc – nghệ thuật có niên đại từ thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XX đã được xếp hạng, trong đó có 7 di tích cấp quốc gia và 19 di tích nằm trong danh mục bảo vệ của thành phố cùng một kho tàng văn hóa phi vật thể phong phú gồm: nếp sống sinh hoạt, văn hóa ứng xử, phong tục tập quán, ẩm thực... được cư dân sống trên đảo đang gìn giữ, chưa được khai thác và phát huy để du khách cùng trải nghiệm.
Thông thường, lộ trình tham quan của du khách trên đảo hiện tại mất chừng 5 giờ đồng hồ và chỉ tham quan được vài di tích văn hóa như chùa Hải Tạng, giếng Xóm Cấm, miếu Tổ nghề yến... Chừng đó là quá ít bởi còn nhiều di tích lịch sử - văn hóa khác có thể đưa vào tuyến tham quan như: lăng Ông Ngư, lăng Tiền Hiền, bia đình Đại Càn, lăng Ngũ Hành, tịnh xá Ngọc Hương... Nếu gắn kết các di tích này với các điểm sinh thái và một vài hoạt động văn hóa khác còn có thể xây dựng tour tham quan dành cho khách lưu trú qua đêm hoặc kéo dài ngày hơn.
Không chỉ thiếu gắn kết khai thác giá trị văn hóa vật thể mà du lịch Cù Lao Chàm hiện tại cũng chưa thực sự chú trọng phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể đa dạng hiện có. Một số du khách, nhất là khách ở các nước phát triển cho rằng, giá như cùng với việc ăn, nghỉ, tắm biển, thăm thú quanh đảo, họ còn được tìm hiểu, giới thiệu thêm về nếp ăn, nếp ở, đời sống, nghề nghiệp của người dân nơi đây thì rất thú vị.
Theo kết quả điều tra về văn hóa phi vật thể của Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, Cù Lao Chàm hiện có nhiều món ăn, thức uống được chế biến từ những sản vật của rừng, của biển (rau rừng, lá lao, rong biển...) đã trở thành đặc sản hiếm nơi nào có được; những tri thức dân gian độc đáo đang được truyền tụng; nhiều ngành nghề truyền thống như: đan võng bằng vỏ cây ngô đồng, đánh bắt và chế biến các loại hải sản đặc hữu (cua đá, tôm hùm, vú sao, vú nàng), làm bánh ít lá gai... vẫn đang được duy trì và được du khách ưa chuộng; cùng nhiều loại hình lễ hội, lễ cúng, diễn xướng dân gian (như cầu ngư, giỗ tổ nghề yến, cúng tiền hiền, hát bả trạo, hát hò khoan đối đáp...) diễn ra quanh năm. Các nhà nghiên cứu cho rằng, các giá trị văn hóa này nhất thiết và cần nhanh chóng phát huy để tăng sức hấp dẫn của du lịch Cù Lao Chàm, tạo thêm cơ hội để du khách khám phá, trải nghiệm, qua đó tăng thêm sự đồng cảm, sẻ chia và cùng nhau bảo vệ tài nguyên, môi trường khi họ đi du lịch ở đây.
Tiềm năng văn hóa trên cụm đảo có bề dày lịch sử - Cù Lao Chàm còn rất phong phú. Không chỉ có Suối Tình mà đã đến lúc lãnh đạo các cấp, các ngành của thành phố phải tính đến chuyện đầu tư bảo tồn một số dạng cảnh quan sinh thái truyền thống đặc trưng của Cù Lao Chàm đang có nguy cơ biến dạng, mất dần như: khu ruộng Đồng Chùa đến ruộng Ông Dâu và ruộng Ông Phô, khu ruộng bậc thang ở Bãi Ông, khu vườn sinh thái bà Trần Thị Chức ở Bãi Chồng; ngoài nhà ông Nguyễn Vinh (xóm Cấm) đã được tu bổ cần bảo tồn, trùng tu các ngôi nhà cổ đặc trưng khác như nhà ông Trần Cần (Bãi Làng) để giới thiệu về văn hóa cư trú kết hợp dịch vụ homestay...
Văn hóa đang trở thành xu hướng phát triển của du lịch, thu hút ngày càng đông khách tham quan, lưu trú, nhất là khách quốc tế. Chính các giá trị văn hóa làm nên nét đặc sắc, độc đáo của sản phẩm du lịch. Thiếu gắn kết giá trị văn hóa song hành cùng giá trị sinh thái trong từng hoạt động và từng sản phẩm, du lịch Cù Lao Chàm sẽ phát triển không bền vững! Giải pháp lâu dài, căn cơ là phải nâng cao nhận thức của cộng đồng. Tất cả các bên liên quan (gồm các nhà quản lý, các đơn vị kinh doanh, các du khách và cộng đồng dân cư...) phải nắm được giá trị văn hóa của Cù Lao Chàm, phải tham gia giữ gìn và phát huy.
ĐỖ HUẤN