Khai thác du lịch nông nghiệp

VĨNH LỘC - XUÂN HIỀN 27/05/2018 09:38

Du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp nông thôn đang được kỳ vọng sẽ là “cú hích” đưa các làng quê phát triển bền vững. Tuy nhiên, để loại hình du lịch này tạo sức hút, vẫn là một con đường khá dài và gian nan…

Du khách thích thú với các hoạt động du lịch trải nghiệm làng quê.
Du khách thích thú với các hoạt động du lịch trải nghiệm làng quê.

TẬN DỤNG VÀ KẾT NỐI

Khá nhiều các sản phẩm du lịch sinh thái, trải nghiệm gắn với các làng quê, làng nghề của Quảng Nam tạo được “thương hiệu” với du khách. Việc tận dụng cảnh quan, quy hoạch, kết nối để phát triển du lịch đang được địa phương phát huy mạnh mẽ.

Đa dạng hóa sản phẩm

Từ năm 2015, Quảng Nam đã xây dựng chiến lược về du lịch nông thôn, góp phần định hướng phát triển du lịch nông nghiệp đạt hiệu quả hơn. Ông Hồ Tấn Cường cho biết thêm, Sở VH-TT&DL đang tham mưu UBND tỉnh và HĐND tỉnh phê duyệt “Đề án quy định chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tỉnh Quảng Nam đến năm 2025” nhằm hỗ trợ đầu tư phát triển các điểm du lịch cộng đồng, trong đó có du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu du khách, hướng đến phát triển du lịch bền vững trong thời gian đến.

Các sản phẩm trải nghiệm nông nghiệp đã hình thành từ vài năm gần đây tại Quảng Nam được các hãng lữ hành đánh giá khá tốt. Từ khám phá vườn cây thuốc, vườn sinh thái, vườn cộng đồng tại làng Triêm Tây (Điện Bàn) hay du lịch làng cây trái Đại Bình (Nông Sơn), du lịch nông nghiệp kết hợp trải nghiệm các giá trị văn hóa cộng đồng, làng nghề đồng bào dân tộc các huyện phía tây của tỉnh… Thành công nhất với mô hình phát triển du lịch nông nghiệp là Hội An -  nơi du lịch nông nghiệp xuất hiện sớm nhất và đạt hiệu quả cao nhất của tỉnh. Ông Hồ Tấn Cường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL chia sẻ: “Quảng Nam đã và đang tập trung phát triển sản phẩm du lịch xanh, du lịch vùng nông thôn, đặc biệt tôn trọng yếu tố tự nhiên và văn hóa địa phương, từ đó ngành du lịch trong những năm qua đã dịch chuyển mạnh mẽ theo hướng phát triển du lịch bền vững”. Riêng với TP.Hội An, nhiều năm qua, các dự án quy hoạch du lịch hầu hết gắn với làng quê, làng nghề nhằm đa dạng hóa loại hình du lịch dịch vụ, giảm áp lực lên phố cổ, hướng đến chia sẻ nguồn lợi từ du lịch nhiều hơn cho người dân, nhất là các hộ dân sống bên ngoài di sản.

Tập trung phát triển chuỗi du lịch cộng đồng gắn với làng nghề, làng quê cùng những sản phẩm hỗ trợ cho du lịch phố cổ, Hội An đang thành công với quy hoạch đô thị du lịch phát triển theo hướng sinh thái, văn hóa. Các làng quê mang dáng dấp truyền thống Hội An, bao gồm làng chài ven sông, làng rau, làng biển, làng nghề, làng ven phố được tận dụng để hình thành các sản phẩm đặc trưng của du lịch cộng đồng. Ông Trần Văn Khoa – Giám đốc Công ty Jack Tran Tours, đơn vị thường xuyên đưa khách đến làng rau Trà Quế, cho biết, giá trị lớn nhất của mô hình du lịch nông nghiệp là môi trường sinh thái và không gian làng quê. Ở đó, du khách không chỉ được trải nghiệm canh tác truyền thống mà còn được thưởng thức các loại rau tươi, điều này sẽ tạo ra nhiều thiện cảm cho du khách, nhất là thị trường khách châu Âu. “Du lịch nông nghiệp sinh thái chắc chắn sẽ là lựa chọn phù hợp nhất hiện nay không chỉ của Hội An mà cả Quảng Nam, nhằm bảo vệ môi trường, hướng đến sự phát triển bền vững” - ông Khoa nhìn nhận.

Hầu như các sản phẩm du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp là những sản phẩm du lịch mới và đều mang lại hiệu quả cũng như tạo được thiện cảm lớn cho du khách. Du khách được trải nghiệm các hoạt động giải trí, đi xe đạp, đi thuyền trên sông, tham quan rừng dừa bằng thuyền thúng, nghỉ dưỡng trong những cơ sở lưu trú nằm giữa cánh đồng, sông nước. “Du lịch nông nghiệp còn được xây dựng và phát triển ở các huyện miền núi phía tây của tỉnh với các chương trình tham quan, tìm hiểu văn hóa, cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số, tham gia biểu diễn văn nghệ cùng người bản địa, xem trình diễn âm nhạc truyền thống, thưởng thức ẩm thực, tìm hiểu nghề dệt thổ cẩm… Đây là những sản phẩm du lịch có sự kết hợp giữa du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng và du lịch văn hóa, mang đến một nét độc đáo mới cho du lịch Quảng Nam với các điểm làng du lịch Pơning (Tây Giang), Bhơ Hôồng (Đông Giang)…” - ông Hồ Tấn Cường nói thêm.

Tăng sinh kế cho người dân

Du lịch nông nghiệp đã thực sự mang đến cơ hội và sinh kế cho nông dân khi họ biết nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm của mình. Câu chuyện của anh Nguyễn Văn Hòa, chủ nhà hàng Trà Quế Garden là một điển hình thành công của việc tận dụng lợi thế và thương hiệu du lịch từ làng rau Trà Quế (Cẩm Hà, Hội An). Quê gốc Sài Gòn, lấy vợ Hội An, anh cho ra đời nhà hàng xuất phát từ ý tưởng khai thác yếu tố văn hóa địa phương, đặc biệt là văn hóa trồng trọt và ẩm thực truyền thống của làng. Hai năm qua, nhà hàng trở thành nơi giới thiệu văn hóa ẩm thực và sản phẩm nông nghiệp Trà Quế. Tại đây, du khách không chỉ được hướng dẫn phương thức trồng rau truyền thống mà còn được học cách chế biến và thưởng thức các món ăn dân dã gắn với những loại rau Trà Quế như bánh xèo, tôm hữu, rau trộn… “Thông qua ẩm thực, nhà hàng sẽ đóng vai trò như cầu nối giới thiệu những nét đẹp và giá trị làng rau cho du khách. Khi đó thương hiệu làng rau sẽ nổi bật hơn, giúp tạo ra hiệu ứng lan tỏa để nông dân gắn bó và có thêm thu nhập từ nghề” - anh Hòa chia sẻ.

Ông Lê Hoàng Hà - Giám đốc Công ty TNHH Trải nghiệm và sinh thái Etours Hội An cho rằng, mô hình du lịch nông nghiệp sinh thái sẽ mang lại hiệu quả tích cực. Tại đó khách có thể tham quan kết hợp giữa mô hình du lịch xanh với du lịch văn hóa và trải nghiệm, một xu hướng được nhiều du khách quan tâm, đón nhận. “Mô hình du lịch sinh thái, làng nghề sẽ góp phần nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm tại chỗ, qua đó góp phần tạo sinh kế và thu nhập tăng thêm cho người dân. Vì vậy, phát triển du lịch sinh thái là hướng đi phù hợp hiện nay nhằm không chỉ hỗ trợ cho du lịch di sản mà còn góp phần đa dạng sản phẩm du lịch và kéo dài thời gian lưu trú của khách, đặc biệt hướng đến sự phát triển bền vững” - ông Hà phân tích. Việc xây dựng sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp đã không còn xa lạ với người dân Hội An. Ngoài làng rau Trà Quế có thể kể đến làng rau hữu cơ Thanh Đông, An Mỹ (Cẩm Châu) hay du lịch cưỡi trâu, cày ruộng Cẩm Thanh… Tất cả đều hướng đến mục tiêu nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp thông qua du lịch nhằm cải thiện sinh kế và thu nhập cho người dân.

Năm 2017, ngành du lịch Quảng Nam đón gần 6 triệu lượt khách, tăng 85% so với năm 2007 và thu nhập du lịch đạt 9.200 tỷ đồng. Trong đó du lịch nông nghiệp đón khoảng 300 nghìn lượt khách, chiếm gần 5% tổng lượng khách. Tuy nhiên, Quảng Nam cũng chỉ mới có Hội An tận dụng tốt các “tài nguyên” nông nghiệp để phát triển du lịch. Vẫn còn rất nhiều thách thức để “mỏ vàng” này được khai thác đúng cách.

VỪA THỪA VỪA THIẾU

Tuy đã hình thành các sản phẩm du lịch trải nghiệm làng quê và nông nghiệp nhưng Quảng Nam vẫn chỉ mới đáp ứng được các nhu cầu của du khách ở mức đơn giản…

Dạy nấu ăn tại làng rau Trà Quế - một trong các hoạt động thu hút du khách.
Dạy nấu ăn tại làng rau Trà Quế - một trong các hoạt động thu hút du khách.

Trùng lặp và đơn giản

Chỉ tính riêng ở Hội An, trong 5 điểm du lịch sinh thái trải nghiệm làng quê thì đã có 3 điểm đều hoạt động về nghề nông là các làng rau Trà Quế, An Mỹ và Thanh Đông. Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Lê Ngọc Tường cho biết, do chưa có quy hoạch địa điểm, cảnh quan, sản phẩm du lịch nông nghiệp, đồng thời sự liên kết và quảng bá sản phẩm vẫn còn yếu, nên dù sở hữu nhiều tiềm năng du lịch nông nghiệp nhưng địa phương vẫn chưa thể khai thác sâu. “Muốn phát triển du lịch gắn với nông nghiệp cần ứng dụng công nghệ thông tin, định hướng xây dựng sản phẩm lưu niệm về du lịch nông nghiệp. Đặc biệt phải quan tâm đến đào tạo lao động, liên kết giữa các ngành để tránh những sản phẩm trùng lặp” - ông Tường chia sẻ.

“Có thực trạng các sản phẩm du lịch hiện nay vừa thừa vừa thiếu. Thừa những sản phẩm du lịch giống nhau và thiếu sản phẩm độc đáo. Thiếu cả định vị điểm đến du lịch quốc gia trong top mind của khách quốc tế đến Việt Nam. Du lịch Việt Nam thiếu nhiều sản phẩm du lịch có thể đáp ứng nhu cầu của du khách, đó là các sản phẩm đem lại những trải nghiệm mới, chân thực, thú vị, gắn bó sâu sắc với đời sống, văn hóa, di sản và lịch sử của điểm đến. Nhu cầu của du khách tại điểm đến không chỉ dừng lại ở những hoạt động tham quan nghỉ dưỡng đơn thuần mà còn là những trải nghiệm văn hóa, lối sống”. Ông Phạm Hà - CEO Luxury Travel.

Tại cuộc hội thảo về phát triển du lịch sinh thái bền vững gắn với nông nghiệp, nông thôn do Tổng cục Du lịch tổ chức trong tháng 5 này, ông Nguyễn Quý Phương - Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch cho biết: “Du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp, nông thôn Việt Nam vẫn chưa có nhiều sản phẩm độc đáo với hàm lượng chất xám cao, chuyên nghiệp. Phần lớn mới chỉ đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ ngơi, ăn uống, trải nghiệm của du khách ở mức đơn giản”. Vẫn có nhiều điểm du lịch nông nghiệp gặp khó khăn trong việc kết nối với doanh nghiệp lữ hành để hoàn thiện, xây dựng sản phẩm du lịch nông nghiệp cũng như thu hút khách trong nước và quốc tế. “Nhiều địa điểm du lịch đang khan hiếm nguồn nhân lực, đặc biệt là những người có kỹ năng phục vụ và khả năng sáng tạo cao. Trong khi đó, nhiều điểm du lịch có lao động nhưng tỷ lệ qua đào tạo thấp, chủ yếu là lao động giản đơn, không đáp ứng được yêu cầu phát triển” - ông Phương nói thêm. Ngoài ra, khả năng quản lý điều hành cơ sở du lịch nông nghiệp, làng nghề, bồi dưỡng để người dân bản địa có kỹ năng trình diễn, thuyết minh, phục vụ khách chuyên nghiệp để tạo ra sức hút của sản phẩm du lịch nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu.

Theo ông Phạm Hà - CEO Luxury Travel, du lịch nông nghiệp là một thị trường ngách mà Việt Nam có rất nhiều tài nguyên để cung cấp những sản phẩm tốt cho cả người Việt và du khách nước ngoài. Việc tìm hiểu, trải nghiệm, khám phá những đồ vật được sử dụng trong đời sống hàng ngày của nông dân là rất thú vị, hấp dẫn lẫn mang tính nghệ thuật đối với các du khách nước ngoài. Chưa kể, phong cách sống, đời sống hàng ngày của bà con nông dân cũng là sản phẩm mà khách du lịch quốc tế muốn thử, xem và cảm nhận.

Cần các sản phẩm đặc trưng

Hiện nhiều “khu du lịch sinh thái” tại vùng nông thôn thực chất chỉ là các điểm nghỉ ngơi, giải trí… trong khung cảnh nông thôn. Các dịch vụ nghèo nàn, chất lượng thấp, đặc biệt là không hề có hoạt động nào để nâng cao nhận thức về môi trường và đóng góp cho cộng đồng dân cư địa phương theo các nguyên tắc phát triển của du lịch sinh thái, khiến câu chuyện phát triển du lịch bền vững gắn với nông nghiệp vẫn còn cần thêm thời gian. Bên cạnh đó, việc xây dựng thương hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý cho sản vật địa phương, công tác quản lý canh tác và bảo vệ thực vật, bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý trật tự, an toàn xã hội có nhiều nơi chưa được chú trọng dẫn đến làm mất lòng tin của khách du lịch và sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp cũng như những cố gắng của chính quyền, nhân dân địa phương không phát huy được hiệu quả. Đại diện nhiều hãng lữ hành đều chung quan điểm khi chia sẻ về câu chuyện các địa phương cần gì để khai thác thế mạnh về nông nghiệp nông thôn. Theo đó, một chính sách thông thoáng và đầu tư phát triển hạ tầng, cũng như khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, giữ gìn môi trường sinh thái là điều cần phải đặt lên hàng đầu. “Mỗi địa phương chọn một sản phẩm nông nghiệp đặc trưng (có thể làm ngay). Với đối tượng khách nghỉ dài ngày như ở Hội An thì du lịch nông nghiệp là sản phẩm có khả năng hấp dẫn du khách, làm tăng khả năng thu hút khách lưu trú dài ngày. Du khách sẽ được trải nghiệm nhiều hơn với những sản phẩm du lịch nông nghiệp tại Hội An” - ông Phạm Hà nhận định.

Phát triển du lịch nhưng chú trọng công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc tại các vùng nông thôn vẫn là yếu tố cần được đảm bảo. Giữ  hồn chợ quê, xây dựng sản vật đặc trưng, hình thành các bảo tàng liên quan tới nông nghiệp, nông thôn, bảo tồn các làng nghề thủ công truyền thống: gốm, lụa, mộc, bồi dưỡng đào tạo các lớp nghệ nhân tại các làng nghề... sẽ là các động thái mang lại sức hút cho du lịch nông nghiệp.

KHƠI DẬY TIỀM NĂNG

Chọn đường hướng như thế nào để khơi dậy, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên về nông thôn, nông nghiệp cho câu chuyện phát triển du lịch? Chúng tôi ghi nhận ý kiến từ chính quyền địa phương lẫn các hãng lữ hành.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh: Thúc đẩy chương trình “mỗi xã phường một sản phẩm”

Mặc dù có những bước phát triển vượt bậc nhưng du lịch Quảng Nam vẫn chưa khai thác hết các tiềm năng của địa phương để tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới hấp dẫn du khách, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của thị trường. Vì vậy, sự kết hợp một cách bền vững giữa du lịch với nông nghiệp chắc chắn sẽ cộng hưởng với nhau để tạo ra những sản phẩm độc đáo, kết tinh trong đó là các giá trị lịch sử, văn hóa, thiên nhiên đặc thù và đa dạng của miền quê xứ Quảng. Đặc biệt, điều này sẽ làm thay đổi về nhận thức và tăng thêm thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn. Hiện nay, Chính phủ đã triển khai mạnh mẽ chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, cùng với đó là Nghị định 168 quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch năm 2017, Nghị định 52 năm 2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn và gần đây nhất là Quyết định 490 (2018) của Thủ tướng phê duyệt chương trình quốc gia “mỗi xã một sản phẩm” với tổng mức kinh phí 45 nghìn tỷ đồng. Đó sẽ là những cơ sở vững chắc để tạo thuận lợi cho du lịch nông nghiệp nói chung và du lịch nông nghiệp Quảng Nam phát triển mạnh mẽ hơn thời gian tới.

TS. Ngô Kiều Oanh – Chuyên gia Du lịch nông nghiệp: Tìm đầu ra cho sản phẩm

Du lịch nông nghiệp rất được coi trọng vì đã chứng minh được sự đóng góp to lớn không những về mặt kinh tế mà còn về các mặt xã hội, bảo vệ môi trường, văn hóa và lịch sử. Mối giao hòa giữa cộng đồng sống tại đô thị với cộng đồng sống tại nông thôn thông qua việc đến ở (homestay) hoặc tham quan có mục đích nhằm hưởng thụ các “sản vật địa phương” tại nông hộ hoặc trang trại. Bên cạnh đó, du khách còn được thưởng ngoạn các danh lam thắng cảnh và tham gia văn hóa đồng quê, nên du lịch nông nghiệp được khẳng định là một hình thức du lịch mang tính cộng đồng bình đẳng và bền vững.

Ở Việt Nam, du lịch nông nghiệp phải được gắn kết với các làng nghề nông nghiệp truyền thống vì sẽ góp phần thúc đẩy việc giữ gìn và phát triển các ngành nghề cũng như thị trường. Các làng nghề này về bản chất còn là các chợ đầu mối về nông sản thực phẩm mang tính xã hội hóa rất cao, là bức tranh mỗi làng một sản phẩm (OCOP). Đồng thời cũng góp phần giữ gìn được diện tích đất đai để sản xuất mang tính hàng hóa, cùng lực lượng lao động lành nghề bao gồm cả các nghệ nhân với các bí quyết nghề làm ra các đặc sản có giá trị kinh tế cao. Do vậy, để phát triển du lịch nông nghiệp bền vững thì phải tìm được đầu ra và quản lý được chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Nếu trên nền của vùng sản xuất nông nghiệp truyền thống song song xây dựng được vùng du lịch nông nghiệp thì vấn đề này được giải quyết rất triệt để.

Ông Lê Muộn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT:  Đầu tư nông nghiệp có kế hoạch và trọng điểm

Việc phát triển du lịch gắn với nông nghiệp nông thôn được coi là một trong những giải pháp để tái cơ cấu ngành nông nghiệp và ngành du lịch. Như vậy đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn cần có kế hoạch và trọng tâm, chú trọng vào các khâu liên kết sản xuất, thu hoạch, chế biến đến tiêu thụ, thu hút doanh nghiệp, tăng cường kết nối thông tin và thị trường. Khi thu hút doanh nghiệp cần sự đảm bảo về chính sách hỗ trợ phát triển, nhất là với các doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp đô thị gắn với du lịch sinh thái. Các mô hình khuyến nông cần triển khai theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ, nâng cao giá trị gia tăng và sản xuất bền vững. Theo đó, hệ thống khuyến nông cần có các dự án để phát triển những mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái hay du lịch trải nghiệm. Quảng Nam thời gian tới sẽ định hướng phát huy lợi thế của từng vùng, từ đó phát triển du lịch nông nghiệp theo vùng, xây dựng các sản phẩm đặc trưng từng vùng và thiết kế các tour liên kết vùng.

VĨNH LỘC - XUÂN HIỀN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khai thác du lịch nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO