Đề tài khoa học khai thác ghẹ bằng lồng bẫy được Viện Khoa học & công nghệ khai thác thủy sản (Đại học Nha Trang) triển khai trên tàu cá QNa-93222 của anh Lê Thanh Dũng (thôn Tây Sơn Đông, xã Duy Hải, Duy Xuyên) đã đem lại hiệu quả thiết thực.
Được Viện Khoa học & công nghệ khai thác thủy sản hướng dẫn, anh Lê Thanh Dũng khai thác ghẹ bằng lồng bẫy hiệu quả, thu được giá trị kinh tế lớn. Ảnh: V.Q |
Anh Lê Thanh Dũng cho biết, ở chuyến biển gần nhất, trong 6 ngày đánh bắt ghẹ ở ngư trường từ vùng biển huyện Núi Thành đến khu vực bán đảo Sơn Trà (TP.Đà Nẵng), thu được 2 tấn mực, bán được 200 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, lãi hơn 150 triệu đồng. “Tôi thả các loại cá nhỏ được cắt ra từng đoạn vào lồng bẫy để khai thác ghẹ. Ghẹ tôi đánh bắt được là ghẹ đỏ hay còn gọi là ghẹ chữ thập có giá trị kinh tế rất cao. Sau khi đánh bắt được ở từng mẻ, tôi gom ghẹ bằng lưới thả xuống biển cho nó hoạt động bình thường rồi tụ lại vớt lên khi tàu về bờ. Ghẹ tươi, có giá trị kinh tế cao nên bán được giá” - anh Dũng nói. Ở các chuyến biển trước đó, anh Dũng cũng thu được hàng tấn ghẹ với mỗi chuyến đánh bắt từ vùng biển Quảng Nam đến khu vực Lăng Cô (Thừa Thiên Huế).
Hiện ngư dân Quảng Nam khai thác ghẹ chủ yếu bằng nghề lưới rê tầng đáy và lưới kéo tầng đáy. Các nghề này có thể khai thác tất cả loài ghẹ nhưng hạn chế là khiến ghẹ bị chết hoặc bị gãy chân, gãy càng. Sản lượng ghẹ thu được ở mỗi chuyến biển có thể khá cao nhưng hiệu quả kinh tế thu được lại thấp, không thể bán trong nhà hàng và đặc biệt là xuất khẩu. Để khắc phục tình trạng đó, Sở KH&CN đã liên hệ đến Đại học Nha Trang và được Viện Khoa học & công nghệ khai thác thủy sản giới thiệu mô hình khai thác ghẹ bằng lồng bẫy, triển khai trên tàu cá QNa-93222 của anh Lê Thanh Dũng. Mô hình thử nghiệm gồm 500 lồng hình chữ nhật 2 hom, 500 lồng trụ tròn 3 hom và 500 lồng trụ tròn 1 hom. Sau quá trình đánh bắt thử, anh Dũng đã chuộng sử dụng lồng trụ tròn 1 hom nhờ tính cơ động sử dụng, có thể thao tác nhanh và phù hợp với dòng chảy của nước biển khu vực Quảng Nam - Đà Nẵng.
Tiến sĩ Trần Đức Phú - Viện trưởng Viện Khoa học & công nghệ khai thác thủy sản, chủ nhiệm đề tài cho biết, việc sử dụng các loại lồng bẫy truyền thống bằng tre trước đây kích thước quá lớn, cồng kềnh không giúp bà con ngư dân khai thác tốt nguồn lợi thủy sản. Đặc biệt, với loại lồng dây do Trung Quốc sản xuất như hiện nay khai thác quá mức, không có chọn lọc, tận diệt nguồn lợi thủy sản, ảnh hưởng xấu đến môi trường. Vì thế, qua nghiên cứu, Viện Khoa học & công nghệ khai thác thủy sản đã cải tiến, chế tạo ra các loại lồng bẫy mới, áp dụng trên tàu cá QNa-93222, được ngư dân rất ủng hộ. Sản lượng và năng suất khai thác ghẹ thu được vượt trội, đáp ứng kỳ vọng của ngư dân. Ưu thế nổi bật của lồng bẫy đang được áp dụng là sử dụng các loại lưới có độ hở phù hợp giúp việc khai thác ghẹ có chọn lọc, loại bỏ các loại ghẹ non và đặc biệt là không gây hại đến nguồn lợi thủy sản ven bờ. “Từ những thành quả bước đầu, đề tài sẽ ghi chép nhật ký đầy đủ, thống kê số liệu, tổ chức hội thảo đánh giá toàn diện mô hình khai thác ghẹ bằng lồng bẫy để có thể chuyển giao cho các ngành chức năng của Quảng Nam nhân rộng trên địa bàn, đem lại giá trị kinh tế lớn cho ngư dân” - TS. Trần Đức Phú nói.
VIỆT QUANG