Khai thác khoáng sản ở Phước Sơn: Khó kiểm soát ô nhiễm môi trường

N. TRẦN 13/07/2020 06:29

Nhiều khu vực được cấp phép khai thác vàng ở Phước Sơn trước đây đã hết hạn, trở thành “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, các đơn vị đang hoạt động vẫn chưa thực hiện nghiêm túc báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) được duyệt.

Doanh nghiệp khai khoáng ở Phước Sơn với hạng mục xử lý môi trường khá tạm bợ. Ảnh: N.TRẦN
Doanh nghiệp khai khoáng ở Phước Sơn với hạng mục xử lý môi trường khá tạm bợ. Ảnh: N.TRẦN

Tái diễn

Bãi vàng khe 39 thuộc thôn 5, xã Phước Hòa (Phước Sơn) của Công ty TNHH Phước Hưng nằm sâu trong rừng phòng hộ Đắc Mi. Khu vực này hồi cuối tháng 5.2020 xảy ra vụ án mạng nghiêm trọng khiến 2 người chết. Tuy được cấp phép hoạt động nhiều năm nay, nhưng nhà máy khai thác vàng ở khe 39 đầu tư tạm bợ công trình xử lý nước thải, khiến nước thải xả trực tiếp ra sông, suối.

Trước đây, Sở TN&MT ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 70 triệu đồng trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Công ty TNHH Phước Hưng -  chủ đầu tư bãi vàng ở khe 39, do thực hiện không đúng một trong các nội dung báo cáo ĐTM và các yêu cầu trong quyết định phê duyệt ĐTM đối với dự án khai thác và chế biến khoáng sản vàng gốc khu vực khe 39.

Sông Bồng Miêu giảm mức độ ô nhiễm

Sở TN&MT vừa công bố kết quả quan trắc môi trường năm 2019. Theo đó, với thông số Pb trên sông Bồng Miêu, năm 2019 tần suất ô nhiễm chỉ còn 7/12 đợt quan trắc, trong khi các năm 2016 - 2018 xuất hiện ô nhiễm 10 - 12 đợt mỗi năm. Và nồng độ Pb ô nhiễm trong năm 2019 cũng thấp hơn. Nguyên nhân được xác định do hoạt động khai thác vàng ở khu vực mỏ vàng Bồng Miêu đã giảm đi, trong đó có việc ngưng hoạt động của mỏ vàng này và công tác kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác trái phép tại đây.

Con suối Nước Mắt, giáp ranh giữa hai xã Phước Thành và Phước Lộc của huyện Phước Sơn luôn hứng chịu nước thải sau quá trình tuyển quặng vàng trên đồi núi cao thuộc khu vực Bãi Muối (xã Phước Thành).

Theo người dân địa phương, nguồn nước sông suối gần mỏ vàng này luôn trong tình trạng bẩn đục, gần đây nhuốm màu đỏ. Kết quả giám sát của HĐND tỉnh vừa qua cho thấy, các doanh nghiệp khai khoáng trên địa bàn xã Phước Thành có triển khai xây dựng hệ thống xử lý nước thải và chất thải rắn, nhưng chưa đảm bảo về mặt kỹ thuật và quy mô hồ chứa. Vì vậy, khi mưa lớn chất thải tràn ra các sông, suối gây ô nhiễm nguồn nước.

Việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường của một số doanh nghiệp khai thác khoáng sản còn mang tính đối phó, chưa thực hiện đúng theo ĐTM được duyệt. Nhiều chủ mỏ bị xử phạt rất nặng vì liên tục tái diễn tình trạng gây ô nhiễm.

Đơn cử, tại Bãi Muối, năm 2019, UBND tỉnh xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Phước Minh với tổng số tiền hơn 350 triệu đồng. Công ty này thực hiện không đúng một trong các nội dung báo cáo ĐTM và các yêu cầu trong quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM. Cụ thể, nước rỉ từ hầm lò không được thu gom đưa vào hệ thống xử lý mà chảy trực tiếp ra môi trường; nhà máy xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên trước khi đổ ra môi trường.

Khó quản lý

Tại huyện Phước Sơn, có 17 khu vực quy hoạch khoáng sản, chủ yếu vàng phân tán nhỏ lẻ trên địa bàn 6 xã với tổng diện tích hơn 196ha. Từ năm 2016 đến nay, UBND tỉnh cấp 5 giấy phép khai thác khoáng sản vàng cho 4 doanh nghiệp. Các điểm mỏ này đều được phê duyệt hồ sơ báo cáo ĐTM.

Theo UBND huyện Phước Sơn, các ngành chức năng của tỉnh và huyện phối hợp kiểm tra hoạt động xả thải ra môi trường của các doanh nghiệp, nhưng địa phương gặp khó trong phát hiện, xử lý vi phạm vì các cơ quan chuyên môn không có phương tiện, thiết bị để kiểm tra, phân tích mẫu nước, không khí và các chất thải khác để đánh giá mức độ gây ô nhiễm môi trường.

Việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản của một số doanh nghiệp còn mang tính đối phó, chưa thực hiện đúng theo báo cáo ĐTM đã được phê duyệt.

Việc thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản chưa có đơn vị nào thực hiện vì các doanh nghiệp khi hết phép đều xin gia hạn hoặc cấp lại giấy phép. Các đơn vị khai khoáng chưa thực hiện quan trắc môi trường định kỳ...

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, lẽ ra trước đây khi đi vào hoạt động các đơn vị khai khoáng phải đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Để kiểm soát ô nhiễm, UBND yêu cầu các doanh nghiệp phải đầu tư xây dựng các hệ thống xử lý môi trường trước khi thải ra ngoài và phải được nghiệm thu. Sở TN&MT là cơ quan đánh giá nghiệm thu các công trình. Trường hợp các công ty xin gia hạn buộc phải chuyển đổi lại công nghệ, thay đổi hệ thống xử lý nước thải cho đảm bảo, nếu công nghệ lạc hậu, không đảm bảo thì không cho gia hạn. Nếu khu vực đã cấp phép còn khoáng sản, quan điểm của tỉnh là cho phép gia hạn vì vừa dễ quản lý vừa không để thất thoát tài nguyên.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khai thác khoáng sản ở Phước Sơn: Khó kiểm soát ô nhiễm môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO