(QNO) - Bạn đọc đã được giới thiệu một số thông tin về việc phát hiện và khảo sát, nghiên cứu bãi than Vĩnh Phước trong giai đoạn từ 1887-1901 qua bài báo “Vùng đất cháy xứ Quảng” của tác giả Võ Hà.
Phần cuối của bài là kết luận khá lạc quan của các nhà chuyên môn thời đó từ các kết quả phân tích các mẫu than: “Điều này có nghĩa là than đá ở “vùng đất cháy” Vĩnh Phước, Đại Lộc có thể thay thế than mỡ để làm than bánh mà Việt Nam phải nhập khẩu vì các mỏ than ở Bắc Kỳ (kể cả mỏ than Nông Sơn của Quảng Nam) không đáp ứng được yêu cầu”.
Nếu quả thật chất lượng than đạt đến mức đó thì tại sao những thông tin về việc khai thác mỏ than Vĩnh Phước lại rất ít ỏi, mờ nhạt và chúng ta chỉ nghe nói đến việc khai thác mỏ than Nông Sơn, hầu như không ai nhớ tới chuyện khai thác than tại mỏ Vĩnh Phước đầu thế kỷ trước?
Dưới đây là những ghi chép từ sách báo Pháp liên quan đến việc khai thác mỏ than Vĩnh Phước (mỏ than Vĩnh Phước được người Pháp gọi theo tên đồn, nằm cạnh chợ Hà Nha, người Việt gọi mỏ than này là Sườn Giữa) đầu thế kỷ XX:
"Giai đoạn 1919 - 1929 là thời kỳ “bùng phát mỏ, boum minier”, các nhà tư sản thực dân đổ xô vào công việc thăm dò và khai thác khoáng sản tại các thuộc địa và các mỏ than Nông Sơn - Vĩnh Phước nằm trong số đó. Tạp chí L’Éveil économique de l’Indochine, số ra ngày 9-10-1927 đã viết trong bài “Les bassins Houillers de la province de Quang-Nam” (Những bãi than của tỉnh Quảng Nam): “Khoảng năm 1904, ông Counillon, người đứng đầu Sở (Cục) Địa chất, đã thực hiện một nghiên cứu nhanh về lưu vực và thu thập một số thực vật hóa thạch. Chỉ đến năm 1921, sau sự biến chuyển của thị trường than, đánh dấu từ cuối năm 1920, những nghiên cứu đó đã được bắt đầu lại, ngay sau đó là cuộc khai thác quy mô nhỏ”. Nghĩa là mọi việc dừng lại ngay tại giai đoạn nghiên cứu, khảo sát cho mãi đến năm 1921.
Ngày 9.5.1925, tạp chí La Libre Cochinchine, đăng trên mục “Publication de Société” (Công bố thành lập công ty) bản Điều lệ hoạt động của Công ty Nặc danh mang tên “Société de charbonnages de Vinh Phuoc” (Công ty Mỏ than Vĩnh Phước) đặt trụ sở tại đường Pellerin Saigon (sau này là đường Pasteur), thời hạn hoạt động của công ty được ấn định là 30 năm tính từ ngày thành lập 18.4.1925. Vốn pháp định của công ty ban đầu là 50.000 piastre (đồng Đông Dương) chia làm 250 cổ phần, mỗi cổ phần trị giá 200 piastre. Hội đồng quản trị của công ty là 3 người, gồm các ông: Alfred Messner, Alexandre Brizon và Varin d’Ainvelle, trong đó ông Messner là Quản trị viên thừa ủy quyền (Administrateur délégué, người đại diện pháp lý của công ty). Ông Messner giữ vị trí mấu chốt, quan trọng trong suốt quá trình hoạt động của công ty này cho đến lúc công ty ngừng hoạt động.
Các văn bản pháp lý của Công ty Mỏ than Vĩnh Phước đều được đăng ký tại Văn phòng chưởng khế tại Sài Gòn, tại Tòa Thương mại và Tòa Hòa giải Sài Gòn cũng như tại Tua-ran (Tourane - Đà Nẵng) theo quy định thời bấy giờ.
Theo tạp chí Bulletin Économique de l’Indochine, số 197 ra tháng 7.1928 thì sản lượng của mỏ than Vĩnh Phước từ 1923 - 1928 như sau: 1923: 3.376 tấn, 1924: 0 tấn, 1925: 2.283 tấn, 1926: 3.000 tấn, 1927: 1.135 tấn, 1928: 1.753 tấn (đây là giai đoạn mỏ than Nông Sơn ngừng khai thác, chúng tôi sẽ trình bày ở bài viết riêng về mỏ than Nông Sơn).
Qua đó, cho thấy trong thời gian chưa được cấp giấy phép chính thức (phải sau tháng 5.1925) thì nhóm người cư ngụ tại Sài Gòn này, trong thời gian được cấp quyền khảo sát thăm dò nhượng địa Sarah (tên của vùng đất mỏ than Vĩnh Phước đối với người Pháp), đã thực hiện những cuộc khai thác nhỏ và đến cuối năm 1923 được hơn 3.000 tấn than anthracite hoặc than gầy.
Ngày 5.8.1927, Công ty Than Vĩnh Phước phát hành 350 cổ phiếu mệnh giá 200 piastre để nâng vốn lên 125.000 piastre (theo tỷ lệ 1,5 tức 3 cổ phiếu mới bằng 2 cổ phiếu cũ) nhằm thực hiện các công việc thiết yếu để đẩy mạnh khai thác và tiêu thụ than từ mỏ Vĩnh Phước. Chúng ta có thể hình dung được phần nào cục diện qua bài viết của ông Messner gửi đăng trên tạp chí L’Éveil économique de l’Indochine, số 543 ra ngày 6.11.1927. Tóm tắt các nội dung chính như sau:
- Than của mỏ Vĩnh Phước là than antraxit với 5-6% chất bay hơi, 10% tro và 1-4% lưu huỳnh; việc xây dựng các trạm rửa quặng là cần thiết.
- Quá trình khảo sát và khai thác đã phát hiện mỏ Vĩnh Phước có khoảng 12 lớp than độ dày từ 0,6 mét đến 3,9 mét. Tổng độ dày là 13,2 mét. Ước tính trữ lượng là 15 triệu tấn than. Theo nghiên cứu của viên cựu quản đốc mỏ than Nông Sơn ghi nhận cách đây 15 năm: càng xuống sâu thì than cứng hơn và có chất lượng tốt, nếu Công ty Khai thác than Nông Sơn không bị giải thể thì có khi họ sẽ chuyển xuống khai thác bể than Vĩnh Phước, tốt hơn (?); than Vĩnh Phước có nhiệt lượng khoảng 7.200-8.000 calo, chất lượng rất tốt.
- Việc vận chuyển than về cảng Tua-ran sẽ thực hiện bằng các xà lan 50 tấn với 2 đầu kéo; về mùa khô nước sông cạn, thì giảm tải chỉ dùng các xà lan 38 tấn với 80 cm mớn nước khi đầy tải.
- Dự kiến mức tiêu thụ nội địa ít nhất là 20.000 tấn/năm và ngay khi khi công ty xây dựng nhà máy ép than bánh thì con số sẽ là 50.000 tấn/năm (!).
- Việc hoàn thành các tuyến đường sắt Tua-ran - Nha Trang và Tua-ran - Vinh sẽ giúp cho việc tiêu thụ than Vĩnh Phước dùng cho các đầu máy xe lửa băng qua các tuyến đường không có cây rừng để đốt lò. Như vậy, không kể đến xuất khẩu đã có thể tiêu thụ nội địa 100.000 tấn/năm (!).
Tuy nhiên, thực tế không lạc quan như vậy, chất lượng than Vĩnh Phước không thật sự tốt như các nghiên cứu đã ghi nhận và giá than từ các mỏ than ngoài Bắc thấp hơn. Sản lượng than khai thác từ mỏ Vĩnh Phước từ 1923 - 1928 năm cao nhất cũng chỉ đạt 3.000 tấn. Đến năm 1930 do cuộc khủng hoảng kinh tế, ông Messner cùng các cộng sự rút vốn và việc khai thác mỏ than Vĩnh Phước ngừng từ cuối năm 1930.