Khai thác rừng dừa nước Cẩm Thanh: Nhận diện những tác động

VĨNH LỘC 19/05/2017 08:58

Cơ hội và thách thức đối với phát triển du lịch và các hoạt động kinh tế - xã hội dựa trên tài nguyên rừng dừa nước Cẩm Thanh và vùng hạ lưu sông Thu Bồn… là nội dung chính của buổi đối thoại giữa các bên liên quan diễn ra sáng qua (18.5) tại Hội An. Buổi đối thoại do Ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm - Hội An tổ chức.

Vai trò vùng đệm

Theo ông Lê Ngọc Thảo - Ban thư ký Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm - Hội An, thời gian qua du lịch Cẩm Thanh phát triển quá nóng, vượt tầm quản lý của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng, gây tác động xấu đến rừng dừa. Để xảy ra tình trạng trên có 3 nguyên nhân. Thứ nhất, các tour tuyến khám phá rừng dừa hầu như chưa được quy hoạch hoặc có sự thống nhất, đồng ý của các bên liên quan, hầu hết phát triển tự phát. Điều này đã gây tác động xấu đến rừng dừa, trong đó việc xâm nhập sâu của du khách vào rừng dừa là nơi có các bãi đẻ, bãi giống của các loài sinh vật gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến các tài nguyên thủy sản khiến tính hoang sơ, đa dạng sinh học rừng dừa bị ảnh hưởng.

Để cho rừng dừa nước Cẩm Thanh phát triển bền vững cần có sự đồng thuận của các bên liên quan.Ảnh: VĨNH LỘC
Để cho rừng dừa nước Cẩm Thanh phát triển bền vững cần có sự đồng thuận của các bên liên quan.Ảnh: VĨNH LỘC

Thứ hai, việc quy hoạch sử dụng đất tại Cẩm Thanh chưa có sự phân chia rõ ràng giữa các khu vực bảo tồn, dân cư, xử lý các vấn đề môi trường. Thứ ba, những tác động làm suy giảm diện tích dừa ngày một lớn; quy trình khai thác dừa nước của người dân địa phương thiếu bền vững. “Việc khai thác dừa nước làm du lịch không có quy trình nên làm phương hại đến các mục tiêu khác. Đơn cử, chúng ta muốn dẫn dụ chim cò về thì cần độ phủ rất lớn của rừng dừa và sự yên tĩnh. Trong khi đó mình lại phát triển các hoạt động dịch vụ trong rừng dừa rồi gây tiếng ồn, gây xáo trộn… Những hoạt động xung đột với nhau và chưa có đồng thuận cũng như định hướng về cái chung nên các bên liên quan phải ngồi lại cùng phân tích để làm rõ những vấn đề đang diễn ra tại Cẩm Thanh, đặc biệt vùng cửa sông, hướng đến bảo tồn rừng nước và các tài nguyên khác” - ông Thảo kiến nghị.

Nghiên cứu cho thấy, Cẩm Thanh có vị trí rất quan trọng trong khu sinh quyển, đây là nơi diễn ra các quá trình giao lưu giữa lục địa và đại dương; toàn bộ những vật chất, đa dạng sinh học từ hạ nguồn và đại dương đều sẽ thông qua khu vực này. Trong đó, khu vực rừng dừa không chỉ đóng vai trò là những bãi đẻ, bãi giống của nhiều loài sinh vật biển, mà sự phát triển ổn định của cây dừa nước cũng sẽ giúp ổn định nền đất nơi đây, giúp giảm thiểu vấn đề ô nhiễm, bảo vệ làng mạc, ghe thuyền vào trú tránh trong mùa mưa bão. Ngoài ra một số nghiên cứu mới đây cũng bắt đầu chỉ ra sự phát triển của rừng dừa có liên quan trực tiếp đến việc ổn định bờ biển và xói lở bờ biển tại Cửa Đại. Dù nhận định này cần phải nghiên cứu thêm nhưng có thể thấy nếu phát triển được rừng dừa tươi tốt thì sự ứng phó với thiên tai cũng sẽ ổn định hơn, ngược lại không còn rừng dừa chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn khi biến đổi khí hậu và những vấn đề về thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp.

Tìm kiếm sự đồng thuận

Tại buổi đối thoại 4 bên liên quan gồm cộng đồng, doanh nghiệp, nhà quản lý và nhà chuyên môn đều có những trăn trở và lo lắng riêng về khu rừng dừa nước. Ông Lê Nhươn (người dân Cẩm Thanh) cho rằng, mối quan tâm nhất của cộng đồng đối với rừng dừa Cẩm Thanh là phát triển du lịch phải gắn với khai thác rừng dừa bền vững, đặc biệt Nhà nước phải có một quy hoạch cơ bản để người dân thực hiện. “Phát triển du lịch Cẩm Thanh nóng là xuất phát từ ý thức của một bộ phận người dân chạy theo lợi nhuận nên chính quyền phải kịp thời chấn chỉnh. Nhà nước phải có những quy định, chế tài và tuyên truyền vận động người dân thực hiện theo chế tài đó. Riêng các nhà khoa học cần nghiên cứu đưa ra những vấn đề cụ thể giúp người dân thực hiện. Còn với các nhà doanh nghiệp phải hỗ trợ chia sẻ lợi ích cho cộng đồng để cộng đồng phát triển theo doanh nghiệp” - ông Nhươn kiến nghị.

Về mặt chuyên môn TS.Chu Mạnh Trinh (Ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm - Hội An) nhìn nhận, cần có cách tiếp cận linh hoạt đối với rừng dừa nước Cẩm Thanh, nhất là phải xây dựng được một kế hoạch quản lý khoa học. Đầu tiên phải xây dựng một kế hoạch quản lý chung cho hệ sinh thái rừng dừa. Trên nội dung của kế hoạch quản lý chung, cộng đồng người dân Cẩm Thanh phải xác định tầm nhìn đối với hệ sinh thái đó như thế nào, vì đó không chỉ gắn liền với sinh kế người dân mà gắn liền với bảo vệ tài nguyên. Bởi, thực tế giá trị lớn nhất của rừng dừa Cẩm Thanh hiện nay là nuôi dưỡng nguồn lợi để phát triển ra biển khơi. Chưa kể, một giá trị lớn khác của rừng dừa là bảo vệ nguồn đất vì nếu không có rừng dừa thì đất sẽ bị xói lở, nhất là trong thời kỳ biến đổi khí hậu như hiện nay. “Chúng tôi muốn lập một kế hoạch quản lý và giới thiệu cho người dân và người dân sẽ phát triển dựa trên tầm nhìn này, trên cơ sở đó chúng ta sẽ phân vùng quản lý và tạo ra những sinh kế phù hợp với cộng đồng không riêng gì về du lịch mà kể cả khai thác nguồn lợi, cảnh quan và những vấn đề khác. Đặc biệt, trong quản lý chúng ta phải phân biệt cái nào là tài sản chung cái nào là tài sản riêng, chúng ta chỉ khai thác từ tính đa dạng của rừng dừa, đó là bài học đầu tiên mà mình muốn xây dựng để rừng Cẩm Thanh tốt hơn” - TS.Chu Mạnh Trinh chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, quá trình phát triển vùng đất Cẩm Thanh nói chung và rừng dừa nước nói riêng có mối quan hệ gắn kết rất chặt chẽ với vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, kể cả trên thượng nguồn nên các bên cần phải có sự đồng thuận nhằm hướng đến mục tiêu bảo tồn để phát triển. Đây cũng là con đường mà Hội An đã lựa chọn phát triển từ trước đến nay. Vì vậy, mọi vấn đề, kể cả hệ sinh thái, cả về mặt văn hóa cũng như những vấn đề khác được gìn giữ, bảo vệ và phát huy tốt chắc chắn những lợi ích và phát triển sẽ bền vững. “Sẽ có rất nhiều việc để làm nhưng trên hết phải đạt được sự đồng thuận và trách nhiệm, nên các bên liên quan phải vào cuộc. Trong đó, Nhà nước phải rà soát lại tất cả quy định của mình đối với cấp thành phố, cái gì không hợp lý thì phải điều chỉnh. Doanh nghiệp cũng phải tự điều chỉnh, phải tự sửa những gì không đúng. Về phía cộng đồng dân cư, chính sách từ Nhà nước hỗ trợ, đặc biệt là mối quan hệ về mặt lợi ích giữa cộng đồng dân cư với doanh nghiệp phải được giải quyết phù hợp và bền vững nhất. Các bên phải có sự đồng thuận vì tất cả đang ngồi trên một con thuyền, bất kể một bên nào không đồng thuận hoặc là lựa chọn một con đường khác đều gây khó khăn cho nhau” - ông Hùng nói.

VĨNH LỘC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khai thác rừng dừa nước Cẩm Thanh: Nhận diện những tác động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO