Khai thác sức mua của thị trường nội địa

VIỆT NGUYỄN 02/06/2023 09:00

Khi thị trường xuất khẩu gặp khó, đơn hàng vẫn trong đà giảm và chưa biết bao giờ sẽ khởi sắc trở lại thì khai thác sức mua từ thị trường trong nước là hướng đi hợp lý của các doanh nghiệp.

Các đối tác nước ngoài giảm đơn hàng nên hầu hết doanh nghiệp ngành may mặc trên địa bàn tỉnh nỗ lực chinh phục thị trường nội địa. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Các đối tác nước ngoài giảm đơn hàng nên hầu hết doanh nghiệp ngành may mặc trên địa bàn tỉnh nỗ lực chinh phục thị trường nội địa. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Nhiều dư địa phát triển

Các đối tác nước ngoài giảm đơn hàng nên hầu hết các doanh nghiệp ngành may mặc trên địa bàn tỉnh nỗ lực chinh phục thị trường nội địa. Ông Huỳnh Minh Trí - Giám đốc Hợp tác xã May mặc Sơn Thủy (thôn Xuân Quý, xã Tam Thăng, Tam Kỳ) cho biết, đơn vị không ngừng đầu tư cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, kết nối để hợp tác đầu tư, kinh doanh ở thị trường trong nước.

Lâu nay cứ mặc định xuất khẩu sẽ tăng giá trị kinh tế nhưng thực tế không phải bao giờ cũng đúng. Thị trường trong nước có ưu thế là dễ đưa sản phẩm trực tiếp đến tay người tiêu dùng. Sức mua của người dân tăng lên là động lực cho doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh.

Theo thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tính chung 4 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn tỉnh ước đạt gần 21,5 nghìn tỷ đồng (tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt gần 16,8 nghìn tỷ đồng (tăng 6,7% và chiếm 78,2%); doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt gần 3 nghìn tỷ đồng (tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước); doanh thu dịch vụ khác đạt gần 1,7 nghìn tỷ đồng (giảm 0,5%); doanh thu du lịch lữ hành đạt 25,4 tỷ đồng (tăng 180% so với năm trước).

Có thể khẳng định thị trường nội địa đang là điểm tựa cho nhiều doanh nghiệp lúc này khi kinh tế khó khăn khiến sức mua tại các thị trường xuất khẩu giảm mạnh, đơn đặt hàng suy giảm. Khai thác tốt thị trường trong nước là một trong những giải pháp giúp doanh nghiệp có thêm dư địa tăng trưởng trong dài hạn.

Nước ta đã ký kết các hiệp định thương mại với nhiều đối tác châu Âu, châu Mỹ, các nước châu Á nên hàng hóa nước ngoài ngày một “tràn ngập” thị trường nội địa.

Trong bối cảnh hàng hóa nhập khẩu rất phong phú, đa dạng về chất liệu, chủng loại, kiểu dáng thì yêu cầu của người tiêu dùng nội địa cũng khắt khe hơn, đòi hỏi về chất lượng hàng hóa, giá cả cạnh tranh.

Theo bà Trịnh Thị Mỹ Phước (chủ cơ sở sản xuất kẹo đậu phụng dẻo ở thị trấn Tân Bình, Hiệp Đức), phải luôn trong tâm thế vận động để đón đầu vì thị trường bao giờ cũng khó tính.

“Quảng bá hàng hóa, cải tiến mẫu mã, bao bì, nâng cao chất lượng để sản phẩm được người tiêu dùng lựa chọn là “kim chỉ nam” của chúng tôi. Chỉ cần lơi lỏng là hàng hóa của mình bị bỏ lại phía sau” - bà Phước nói.

Để nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang triển khai nhiều chương trình khuyến mại lớn. Động thái trên không chỉ tạo được niềm tin cho người dùng mà còn góp phần bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, khơi thông sức mua, khẳng định thị trường nội địa là động lực tăng trưởng.

Tạo thêm lực đẩy

Theo dự báo của Bộ Công Thương, triển vọng về tiêu dùng trong nước thời gian tới sẽ tích cực hơn do sau đại dịch COVID-19, sản xuất, kinh doanh phục hồi, ngành du lịch mở cửa. Nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực mở rộng đầu tư, sản xuất, kinh doanh, kích cầu nội địa, tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa.

UBND tỉnh còn mở hẳn “chiến dịch” từ nay đến cuối năm để hỗ trợ doanh nghiệp tăng quy mô sản xuất, kinh doanh. Sở Công Thương đang phối hợp với các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Nhiều chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh được triển khai là dịp để doanh nghiệp quảng bá, chào mời hàng hóa, liên kết sản xuất, kinh doanh. Việc kết nối giao thương, liên kết đầu tư sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm của ngành chức năng lẫn doanh nghiệp là đòn bẩy phát triển cho thị trường nội địa.

Đẩy mạnh cải cách hành chính để tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi đang là lực đẩy cho thị trường nội địa khẳng định sức mạnh.

Ông Đặng Bá Dự - Giám đốc Sở Công Thương cho biết, để phát huy vai trò của thị trường trong nước, ngành công thương đang đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, xây dựng hệ thống bán lẻ hiện đại phục vụ tốt hơn nhu cầu mua sắm của người dân. Các giải pháp thúc đẩy thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt cũng được chú trọng để khai phá thêm tiềm năng thị trường “sân nhà”.

“Quảng Nam đang mở rộng đầu tư hạ tầng thương mại ở các vùng sâu, vùng xa, hải đảo. Chúng tôi kêu gọi, khuyến khích các doanh nghiệp đưa hàng hóa về nông thôn để khơi dậy sức mua của thị trường” - ông Dự nói.

Để phát triển thị trường nội địa thì trước hết cần tạo sự ổn định, cạnh tranh lành mạnh. Ông Lê Cần - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Quảng Nam cho biết, lực lượng quản lý thị trường đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả nhằm bảo vệ người tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh bền vững.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khai thác sức mua của thị trường nội địa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO