Đối diện khó khăn trên chặng đường mới, huyện Đông Giang đã chủ động tìm giải pháp, biến thách thức thành cơ hội để thực hiện những mục tiêu đã đề ra…
Mục tiêu phấn đấu
Thực hiện những mục tiêu kế hoạch 5 năm (2016 - 2020), huyện Đông Giang đã và đang tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm: chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp - thương mạ, dịch vụ - công nghiệp. Theo ông Đinh Văn Hươm - Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, địa phương phát triển nông nghiệp trên cơ sở các loại cây trồng và con vật nuôi đã xác định, thực hiện đồng bộ và nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ, phấn đấu tăng tỷ trọng thương mại trong cơ cấu kinh tế chung. “Ươm mầm” công nghiệp dọc theo quốc lộ 14G, Đông Giang chú trọng quy hoạch đầu tư hình thành cụm công nghiệp nhỏ tại thôn Phú Son (xã Ba), “thai nghén” cụm công nghiệp tại xã Jơ Ngây để thu hút ngành chế biến gỗ, lâm sản, vật liệu xây dựng. Các làng nghề thủ công cũng sẽ được củng cố, chuyển biến rõ nét hơn nhằm giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Về xây dựng nông thôn mới, huyện đặt mục tiêu duy trì chất lượng về mọi mặt ở xã Ba (đã đạt chuẩn), chăm lo cho xã Tư, Ma Cooih, Arooih, Jơ Ngây để phấn đấu đạt chuẩn vào năm 2020.
Tuyến giao thông ĐH15.ĐG, nối liền A Dinh 1 (thị trấn Prao) - Ka Đắp (xã Arooih) vừa được kiên cố hóa. Ảnh: C.T |
Trên hành trình vượt khó, huyện Đông Giang vững tin khi sở hữu tiềm năng to lớn về đất đai, khí hậu, nguồn nước, rừng và bản sắc văn hóa truyền thống Cơ Tu. Địa phương sẽ quản lý, bảo vệ và khai thác có hiệu quả 46.958ha rừng phòng hộ và rừng đặc dụng. Ngoài ra, huyện sẽ trồng rừng, chăm sóc, nâng cao độ che phủ rừng lên 61,5% vào năm 2020. Bên cạnh việc khắc phục tình trạng ô nhiễm ở các khu dân cư, khu sản xuất hay các dòng sông, huyện sẽ đầu tư công trình nước sạch tập trung qua xử lý để đảm bảo nguồn nước người dân sử dụng.
Phó Chủ tịch UBND huyện - ông Hồ Quang Minh cho hay, đầu tư cho giáo dục và đào tạo sẽ tiếp tục được ưu tiên. Đẩy mạnh hơn nữa phong trào văn hóa - văn nghệ, thể dục thể thao, thông tin truyền thông. Đặc biệt, huyện tập trung bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống Cơ Tu; xóa đói giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Những tiến bộ khoa học - công nghệ sẽ từng bước được áp dụng vào sản xuất nông lâm nghiệp, dịch vụ…
Nắm bắt cơ hội mới
Đông Giang triển khai các nhiệm vụ, mục tiêu trong bối cảnh phải đối mặt nhiều khó khăn. Ông Đinh Văn Hươm nhận diện, chất lượng nguồn nhân lực hạn chế; tư duy dựa dẫm, trông chờ, sợ rủi ro chưa thể cải thiện nhanh ngày một ngày hai nên tạo ra sức ì, ảnh hưởng đến phát triển chung. Do nguồn vốn hạn hẹp (kể cả trong dân), việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu. Cùng với đó, địa hình phức tạp của Đông Giang đang cản trở việc tổ chức không gian phát triển kinh tế - xã hội vùng. Khí hậu diễn biến phức tạp, dịch bệnh có nguy cơ bùng phát là lực cản lớn ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững. “Chúng tôi sẽ phát huy tối đa điều kiện thuận lợi, biến thách thức thành cơ hội để tạo bước đột phá đi lên bằng những giải pháp cụ thể cho từng ngành, lĩnh vực” - ông Đinh Văn Hươm cho biết. Cụ thể, huyện tập trung vào kinh tế rừng theo hướng mở rộng diện tích keo đạt 17 nghìn héc ta vào năm 2020; tăng mạnh diện tích cây chuối, chè dây, bắp, ớt và cây dược liệu dưới tán rừng với quy mô trang trại, gia trại. Chọn nuôi bò, Đông Giang kỳ vọng đây là con vật nuôi mang tính đột phá, thúc đẩy nông nghiệp chuyển mình.
“Chúng tôi đang tập trung huy động cao nhất các nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng và lợi thế để phát triển bền vững. Bảo tồn và phát triển văn hóa Cơ Tu. Hoàn thành chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới, cải thiện đời sống nhân dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Gắn kết giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội bức xúc nảy sinh”. (Ông Đinh Văn Hươm - Chủ tịch UBND huyện Đông Giang) |
Đông Giang cũng đặt mục tiêu hình thành 50% số thôn có tổ hợp tác liên kết tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trong các lĩnh vực; đồng thời xây dựng 2 hợp tác xã kiểu mới tại xã Ma Cooih và xã Tư; tạo điều kiện cho doanh nghiệp liên kết với nhà nông sản xuất cây nguyên liệu, cơ sở chế biến, bảo quản sản phẩm. Thúc đẩy TM-DV, CN-TTCN, tiêu điểm là du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, công nghiệp chế biến gỗ lâm sản, chế biến vật liệu… Liên quan quy hoạch và quản lý quy hoạch, huyện chú ý bố trí làng người Cơ Tu điển hình tại thôn Bhơ Hôồng 1 (xã Sông Kôn) theo chỉ đạo của UBND tỉnh; xây dựng thị trấn Prao thành đô thị loại V. Trong đầu tư hạ tầng đồng bộ, địa phương thúc đẩy kiên cố hóa đường huyện (một vài tuyến kết nối đường Hồ Chí Minh), phối hợp kiến nghị sớm nâng cấp quốc lộ 14G. Hiện thực hóa mục tiêu, Đông Giang quyết nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là khâu đột phá mang tính quyết định. Vì thế, 5 năm đến, huyện chỉ đạo các trung tâm học tập chuyên môn triển khai các đề án nâng cao năng lực cộng đồng thông qua chuyển giao mô hình kinh tế cho người dân. Thanh niên có trình độ học vấn sẽ được vận động tham gia các lớp đào tạo nghề. Riêng cán bộ công chức, ngoài việc nâng cao chất lượng thông qua tuyển chọn, sử dụng và quản lý, Đông Giang sẽ tạo điều kiện cho họ tham gia học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Ngoài ra, huyện hạ quyết tâm xây dựng và triển khai hiệu quả đề án giảm nghèo, cải cách hành chính thực chất.
CÔNG TÚ - VINH ANH