Khai thác triệt để môi trường rừng

TRẦN HỮU 16/11/2017 12:33

Để bảo tồn, phát triển vùng dược liệu, khai thác triệt để không gian môi trường rừng, UBND tỉnh thay đổi, điều chỉnh một số cơ chế chính sách cho phù hợp với thực tiễn, với kỳ vọng sẽ xây dựng một “thủ phủ dược liệu” lớn, tạo đột phá cho khu vực miền núi.

HĐND tỉnh khảo sát vùng trồng quế dược liệu tại xã Trà Leng (Nam Trà My).   Ảnh: T.HỮU
HĐND tỉnh khảo sát vùng trồng quế dược liệu tại xã Trà Leng (Nam Trà My). Ảnh: T.HỮU

Cơ chế phù hợp cho   cây sâm    

Năm 2014, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 114 về cơ chế khuyến khích, bảo tồn phát triển sâm Ngọc Linh giai đoạn 2014 - 2020. Nghị quyết đã đưa vùng sâm Ngọc Linh phát triển cả số lượng cây trồng lẫn mở rộng diện tích, di thực cây xuống nhiều địa bàn lân cận. Cây sâm đã thay đổi diện mạo đời sống đồng bào vùng cao huyện Nam Trà My nhờ các chính sách thông thoáng về hỗ trợ đất, giống, kỹ thuật, vốn vay tín dụng... Tuy vậy, hạn chế lớn nhất là địa phương lúng túng trong quy hoạch vùng trồng sâm, thậm chí quy hoạch chưa đồng bộ với quy hoạch 3 loại rừng, với quy hoạch các loại cây dược liệu khác.

Trồng cây sa nhân dưới tán rừng tự nhiên.
Trồng cây sa nhân dưới tán rừng tự nhiên.

Theo UBND tỉnh, thực tế cần thay đổi một số cơ chế cho phù hợp, nhất là đầu tư phát triển nhanh nguồn cây giống theo quy hoạch, góp phần xây dựng thành công xã nông thôn mới trong thời gian đến ở các huyện miền núi cao. Nghị quyết số 114 chưa đánh giá cụ thể về hiện trạng và điều kiện sản xuất nên có nhiều điểm lạc hậu. Trước đây chỉ có một đơn vị được Nhà nước giao quản lý, bảo vệ, bảo tồn sâm là Trạm dược liệu Trà Linh, thì sẽ bổ sung thêm Trạm sâm Tắc Ngo (thuộc Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh Nam Trà My). Hỗ trợ giống sẽ được sửa đổi theo hướng đối với hộ gia đình (đã đăng ký thành nhóm, tối thiểu 3 hộ/nhóm), ngân sách tỉnh hỗ trợ 80% giá mua cây giống sâm 1 năm tuổi có nguồn gốc tại vùng bản địa, nhưng không quá 300 cây/hộ/năm và không quá 500 cây/hộ tổng các lần hỗ trợ. Hàng năm ưu tiên hỗ trợ 100% nguồn kinh phí gia cố, mở rộng hàng rào bảo vệ vườn sâm giống gốc; nâng cấp đầu tư xây dựng mới cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, giám sát bảo vệ vườn sâm giống gốc. Nhiều nội dung mới là công chức, viên chức và người lao động làm việc tại 2 đơn vị được Nhà nước giao quản lý, bảo vệ sâm còn được hưởng 30% số lượng cây giống sản xuất được tăng thêm hàng năm so với định mức giao khoán.

Sở Kế hoạch - đầu tư đề xuất, cơ chế ban hành sau phải giảm hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt, thay vào đó bằng hình thức hỗ trợ như đào tạo về kỹ thuật trồng, chăm sóc; hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, ngoài thực hiện các giải pháp như Nghị quyết 114, sắp đến sẽ tập trung kiểm soát chống gian lận trong thương mại đối với sâm Ngọc Linh, hạn chế tối đa sự xâm nhập các loại dược liệu khác vào địa bàn. Cần đẩy mạnh xúc tiến thu hút đầu tư phát triển sản xuất gắn với chế biến sâu sản phẩm dược liệu theo hướng đa dạng hóa các hình thức liên kết, đặc biệt liên kết giữa doanh nghiệp với tổ hợp tác, hợp tác xã và người dân. Đầu tư nghiên cứu khoa học để nhân giống nhanh cây sâm gốc. “UBND tỉnh đề nghị Chính phủ sớm ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ khuyến khích bảo tồn và phát triển các loại cây dược liệu nói chung và sâm Ngọc Linh nói riêng. Bổ sung Quảng Nam vào khu vực xây dựng hệ thống vườn bảo tồn và phát triển cây thuốc quốc gia, trong đó có cây sâm Ngọc Linh về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Xem xét đưa cây sâm Ngọc Linh ra khỏi danh mục thực vật rừng quý hiếm, hạn chế khai thác và sử dụng vì mục đích thương mại” - ông Thanh cho biết.

Cho thuê môi trường rừng

Sáng 15.11, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu chủ trì cuộc họp thông qua các nội dung trình tại kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa  IX. Các nội dung được đem ra góp ý kiến, hoàn chỉnh gồm Quy định định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh; báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016; quy hoạch bảo tồn và phát triển cây dược liệu giai đoạn 2017 - 2020; sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 114 ngày 11.7.2014 về cơ chế khuyến khích, bảo tồn phát triển sâm Ngọc Linh giai đoạn 2014 - 2020; sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 168 ngày 7.7.2015 về cho thuê môi trường rừng để trồng sâm Ngọc Linh; cơ chế hỗ trợ bảo tồn và phát triển cây quế Trà My giai đoạn 2017 - 2025 và quy định hỗ trợ kinh phí cho cộng tác viên gia đình thôn, khối phố. Sau khi nghe ý kiến đóng góp của đại diện các ngành, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu yêu cầu các bộ phận liên quan, cơ quan chủ trì cần hoàn chỉnh các báo cáo, tờ trình. Đặc biệt phải làm rõ lý do vì sao phải điều chỉnh, bổ sung đưa vào một số nội dung trong nghị quyết mới.

Thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã khai thác lợi thế của môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, trồng cây dược liệu dưới tán rừng. Cho thuê môi trường rừng ngoài đóng góp cho ngân sách nhà nước, các tổ chức, cá nhân còn có cơ hội đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Theo ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, thời gian cho thuê môi trường rừng đạt khung tối đa 50 năm là phù hợp. Bởi lẽ phần lớn diện tích cung ứng dịch vụ môi trường rừng ở khu vực miền núi nên để khuyến khích tạo điều kiện cho đối tượng thuê môi trường rừng an tâm đầu tư phát triển du lịch, đơn vị đề xuất giữ nguyên thời hạn cho thuê phù hợp với quy định của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 24 ngày 1.6.2012. Về mức giá cho thuê môi trường rừng, áp dụng giống mức giá giao khoán bảo vệ rừng quy định tại Nghị định số 75, ngày 9.9.2015 của Thủ tướng Chính phủ (400 nghìn đồng/ha/năm). Về hạn mức cho thuê đất, cũng theo Sở NN&PTNT, hiện nay Luật Đất đai năm 2013 chưa quy định cụ thể về hạn mức cho thuê đất tối đa, mà việc thuê đất dựa trên cơ sở kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện được cơ quan có thẩm quyền quy định. Nhu cầu sử dụng đất thể hiện trong dự án đầu tư, đơn xin giao đất, thuê đất. Các ngành liên quan đều thống nhất 50 năm là thời hạn tối đa cho thuê môi trường rừng để trồng cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ và kinh doanh du lịch sinh thái trên địa bàn tỉnh. Cũng theo ông Lê Muộn, mức giá thuê môi trường rừng thống nhất vận dụng theo Nghị định số 75 ngày 9.9.2015. Riêng đối với cho thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái áp dụng mức thu 2% doanh thu.

Đơn vị nào sẽ điều tra xác định hiện trạng rừng để cho thuê? Ngành NN&PTNT đề nghị, tổ chức thuê môi trường rừng có trách nhiệm thuê đơn vị có chức năng để điều tra xác định vị trí, ranh giới, diện tích khu rừng, loại rừng, trạng thái rừng, trữ lượng rừng và lập phương án quản lý rừng. Đối với hộ, nhóm hộ gia đình đã tham gia ký kết hợp đồng nhận khoán bảo vệ rừng tham gia trồng cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ thì Nhà nước chịu kinh phí điều tra, đánh giá hiện trạng rừng. Đối tượng nào sẽ miễn tiền thuê môi trường rừng? Theo UBND tỉnh, chỉ có hộ, nhóm hộ gia đình đã tham gia ký kết hợp đồng nhận khoán bảo vệ rừng; hộ và nhóm hộ gia đình là người đồng bào dân tộc thiểu số có hộ khẩu thường trú tại những nơi có hệ số phụ cấp khu vực từ 0,7 trở lên tại các địa phương có nhu cầu và khả năng trồng sâm Ngọc Linh, cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ. Các đơn vị được Nhà nước giao quản lý, bảo vệ cây dược liệu. Cho đến nay, các bộ ngành của Trung ương vẫn chưa có quy định, hướng dẫn cho thuê môi trường rừng cũng như xác định giá cho thuê. Vì vậy, trong kỳ họp HĐND sắp đến, dự kiến sẽ thông qua áp dụng mức giá cho thuê môi trường rừng. Đây được xem là động lực nâng cao giá trị của rừng tự nhiên, góp phần bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên, giảm nghèo, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, hiện thực hóa phương châm “lấy rừng nuôi rừng”.

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khai thác triệt để môi trường rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO